Mọi con mắt đều hướng vào cuộc họp của Fed trong ít ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Hai (16/9), khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi quyết định chính sách tiền tệ quan trọng từ Fed trong tuần này, nhưng Dow Jones đã tạo dấu ấn khi chạm mức cao lịch sử mới.
Mọi con mắt đều hướng vào cuộc họp của Fed trong ít ngày tới

Nhóm cổ phiếu chip nhạy cảm với lãi suất đều giảm, với những tên tuổi lớn như Nvidia giảm 2%, Broadcom mất 2,2% và Qualcomm giảm 0,7%, khiến chỉ số bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor giảm 1,4% và gây áp lực đến Nasdaq Composite.

Các cổ phiếu tăng trưởng khác cũng tạo thêm sức ép, trong đó đáng kể là Apple giảm gần 3%, sau khi một nhà phân tích tại TF International Securities cho biết nhu cầu đối với các mẫu iPhone 16 mới nhất thấp hơn dự kiến.

"Các nhà đầu tư đang giảm bớt danh mục rủi ro cao trước quyết định của Fed. Thị trường đang thực dụng hơn một chút và buông bỏ cổ phiếu công nghệ", Andre Bakhos, thành viên quản lý tại Ingenium Analytics cho biết.

Trong khi đó, chỉ 2 trong 11 lĩnh vực chính của S&P 500 giảm là công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu, trong khi các nhóm tài chính và năng lượng đều tăng hơn 1,2% và là những nhóm cổ phiếu hoạt động tốt nhất.

Phiên này, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức cao kỷ lục và S&P 500 chỉ còn cách 1% so với mức đỉnh cao nhất được thiết lập vào tháng Bảy.

Ảnh hưởng tích cực đến từ kỳ vọng của thị trường về quy mô cắt giảm lãi suất mà Fed sẽ công bố vào thứ Tư khi đã lên tới 59% cơ hội ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất tới 0,5%.

Kết thúc phiên 16/9: Chỉ số Dow Jones tăng 228,30 điểm (+0,55%), lên 41.622,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,07 điểm (+0,13%), lên 5.633,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 91,85 điểm (-0,52%), xuống 17.592,13 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ, ảnh hưởng bởi đà sụt giảm của cổ phiếu công nghệ, trong khi trọng tâm của thị trường tập trung vào cuộc họp của Fed trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,16% xuống 515,11 điểm, với chỉ số ngành công nghệ giảm 1,2% sau khi tăng gần 5% vào tuần trước.

Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ dẫn đầu đà tăng với mức tăng 0,9%, được thúc đẩy bởi mức tăng 3,1% của H&M.

Hiện tại, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ vào thứ Tư, với thị trường tiền tệ cho thấy 61% cơ hội Fed cắt giảm lãi suất 0,5% và nới lỏng hoàn toàn 1,2% khi kết thúc năm 2024.

"Với việc Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất, một chu kỳ nới lỏng toàn cầu sẽ là một cơn gió xuôi đối với cổ phiếu sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu chọn cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong ba tháng", các nhà phân tích tại Glenmede nhận định.

Các quyết định về lãi suất của ngân hàng trung ương ở Na Uy và Anh cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư trong tuần này.

Kết thúc phiên 16/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 5,35 điểm (+0,07%), lên 8.278,44 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 66,29 điểm (-0,35%), xuống 18.633,11 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 15,81 điểm (-0,21%), xuống 7.449,44 điểm.

Giá dầu thô tăng, khi khi tác động của bão Francine đã vượt qua những lo ngại dai dẳng về nhu cầu của Trung Quốc sau những dữ liệu kinh yếu kém gần đây.

Kết thúc phiên 16/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,44 USD (+2,10%), lên 70,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,14 USD (+1,59%), lên 72,75 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục