Moderna đối mặt vụ kiện mới liên quan bằng sáng chế vaccine

0:00 / 0:00
0:00
Hai công ty Arbutus Biopharma và Genevant Sciences đã kiện Moderna với cáo buộc sử dụng công nghệ hạt nano lipid trong sản xuất vaccine, vi phạm bằng sáng chế của các công ty Canada này.
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Ảnh: AFP/TTXVN). Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang phải đối mặt với một vụ kiện mới về quyền sở hữu vaccine ngừa COVID-19, trong đó công ty này bị cáo buộc "chiếm" công nghệ được sử dụng để sản xuất chế phẩm này.

Hai công ty công nghệ sinh học Arbutus Biopharma và Genevant Sciences, đều có trụ sở tại Vancouver (Canada), đã kiện Moderna với cáo buộc sử dụng công nghệ hạt nano lipid trong sản xuất vaccine, vi phạm bằng sáng chế của các công ty Canada này.

Đây là những hạt chất béo nhỏ giúp bảo vệ vật chất di truyền, khi nó di chuyển trong cơ thể để đi vào các tế bào cụ thể nhằm phân phối thuốc.

Công nghệ này cũng có thể hữu ích trong việc phát triển các loại vaccine mRNA (loại vaccine sử dụng bản sao của phân tử gọi là RNA thông tin để tạo ra phản ứng miễn dịch) trong tương lai để chống lại các bệnh khác.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành Arbutus William Collier cho biết: “Chúng tôi yêu cầu phải có sự đền bù công bằng từ việc Moderna sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của chúng tôi... nếu không có công nghệ này, vaccine ngừa COVID-19 của Moderna sẽ không thành công."

Một tuyên bố của Arbutus giải thích các tài liệu khoa học đã khẳng định rõ ràng rằng rào cản công nghệ quan trọng nhất đối với việc phát triển và triển khai các loại thuốc sử dụng công nghệ mRNA là xây dựng một phương thức an toàn và hiệu quả để đưa mRNA đến các tế bào của con người.

Các nhà khoa học tại Arbutus và Genevant đã dành nhiều năm để phát triển và hoàn thiện công nghệ phân phối hạt nano lipid và công nghệ này đã được cấp phép cho các ứng dụng khác nhau cho nhiều bên thứ ba khác nhau.

Nếu không có công nghệ quan trọng này, RNA (axit ribonucleic - một axit nucleic chịu trách nhiệm chuyển thông tin di truyền của ADN để tổng hợp protein theo các chức năng và đặc điểm được chỉ định) sẽ nhanh chóng bị phân hủy trong cơ thể và mất tác dụng.

Theo Arbutus, Moderna biết đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi sử dụng công nghệ hạt nano mà không xin cấp phép. Arbutus cũng cáo buộc Moderna đã tìm cách vô hiệu lực một số bằng sáng chế và khi những nỗ lực này thất bại, Moderna chỉ đơn giản sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế mà không phải trả tiền.

Các bằng sáng chế nói trên được cấp cho Genevant Sciences Inc, một công ty được Arbutus và Roivant Sciences Ltd (ROIV.O) thành lập vào năm 2018. Roivant sở hữu khoảng 80% Genevant và Arbutus sở hữu phần còn lại.

Moderna ban đầu đã khiếu nại về các bằng sáng chế liên quan tới hạt nano lipid trước Hội đồng Kháng nghị và Thử nghiệm bằng sáng chế Mỹ, một bộ phận của văn phòng cấp bằng sáng chế liên bang. Hội đồng đã đồng ý với Moderna rằng một số nội dung của một trong các bằng sáng chế không hợp lệ.

Tuy nhiên, về cơ bản các phát hiện của Arbutus là chính xác, nên hội đồng vẫn giữ nguyên bằng sáng chế cho Arbutus và Toà Phúc thẩm liên bang Mỹ đã ủng hộ quyết định này, bác bỏ khiếu nại của Moderna về vô hiệu lực hai bằng sáng chế quan trọng của Arbutus.

Đây là vụ kiện thứ hai mà Moderna đang phải đối mặt liên quan tới vaccine ngừa COVID-19 của mình. Moderna cũng đang vướng vào tranh chấp liên quan tới bằng sáng chế vaccine với Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH).

NIH cho biết cơ quan này đã tham gia phát minh vaccine ngừa COVID-19 của Moderna, nhưng hãng dược này không đưa tên các nhà khoa học của chính phủ vào bằng sáng chế.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục