Theo đó, HNX cho biết, đã chấp nhận niêm yết 66,8 triệu cổ phiếu Mộc Châu Milk.
Được biết, trước đó doanh nghiệp dự kiến niêm yết trên HOSE, như vậy kế hoạch có sự thay đổi đáng kể bởi vì quy định công bố thông tin bên HOSE sẽ nhiều hơn so với UPCoM.
Trong tháng 8 vừa qua, HĐQT của Mộc Châu Milk đã thông qua phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu với khối lượng 3,34 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện 100:5 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 5 cổ phiếu mới). Quyền mua không được phép chuyển nhượng. Giá chào bán cho cổ đông là 20.000 đồng/cổ phiếu.
Đồng thời, chào bán riêng lẻ 39,2 triệu cổ phiếu cho GTNFoods (GTN) và Vinamilk. Cụ thể, chào bán cho GTNFoods là hơn 29,45 triệu cổ phiếu, chiếm 75,2% tổng số cổ phiếu chào bán, chào bán cho Vinamilk là 9,74 triệu cổ phiếu, chiếm 24,8% tổng số cổ phiếu chào bán, giá phát hành dự kiến là 30.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ cấu sở hữu tại Mộc Châu Milk hiện bao gồm, GTN sở hữu 73,72% cổ phần tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC), còn VLC sở hữu 51% vốn tại Mộc Châu Milk, do đó GTN cũng sở hữu gián tiếp Mộc Châu Milk.
Tại thời điểm 30/9/2020, Vinamilk đang sở hữu 75,3% cổ phần GTN, và hiện tại nắm quyền quản lý cả GTN và Mộc Châu Milk. Tỷ lệ sở hữu gián tiếp của Vinamilk tại Mộc Châu Milk hiện tại là 28,61%.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu đạt 2.141,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 208,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 68,9% so với 9 tháng đầu năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 18,3% lên 31%. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp hoàn thành được 132,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Được biết, trong năm 2020, doanh nghiệp dự kiến doanh thu thuần là 2.905 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế là 157 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tỷ lệ cổ tưc tiền mặt dự kiến năm 2020 là 25%.
Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 13% lên 1.211,9 tỷ đồng. Trong đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 696,1 tỷ đồng, chiếm 57,4% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Điểm đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2020, Mộc Châu Milk có ghi nhận bán hàng cho công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Nhà máy sữa Tiên Sơn trị giá tới 164,9 tỷ đồng, cùng kỳ không có khoản mục này. Có thể thấy, cùng với việc tăng sở hữu, Sữa Việt Nam từng bước tham gia sâu vào hoạt động của Mộc Châu Milk.
Được biết, Mộc Châu Milk tiền thân là Nông trường Mộc Châu, được thành lập năm 1958 là đơn vị đầu tiên khai mở ra ngành chăn nuôi và sản xuất sữa công nghiệp tại Việt Nam. Tính tới 31/12/2019, Mộc Châu Milk sở hữu đàn bò sữa hơn 25.580 con, trong đó 90% thông qua việc liên kết chặt chẽ với hơn 600 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa và có 3 trung tâm giống bò sữa lớn. Doanh nghiệp dự kiến năm 2020 sẽ tăng lên 28.680 con, tăng thêm 12,1% so với năm 2019.
Trong tháng 10/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có quyết định xử phạt Mộc Châu Milk với số tiền hơn nửa tỷ đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với Báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2018; Nghị quyết, Biên bản và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (70 triệu đồng); bị phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán dù đã trở thành công ty đại chúng từ ngày 9/9/2008.
Ngoài ra, phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định do thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với UBCKNN. Năm 2019, Công ty thực hiện phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 30/6/2019 để tăng vốn điều lệ từ 568,4 tỷ đồng lên 668 tỷ đồng nhưng không đăng ký với UBCKNN theo quy định.