Mốc 600 điểm: 1 phiên cuối tuần?

(ĐTCK) Dù có những thời điểm rung lắc khi đi vào vùng kháng cự 590 - 595 điểm, nhưng thị trường vẫn duy trì được chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp và cách mốc 600 điểm 1 phiên tăng. Tuy nhiên, với áp lực chốt lời tăng mạnh khi VN-Index đang tiến đến vùng 596 - 600 điểm, để có thể chinh phục mốc tâm lý 600 điểm, thị trường cần những phiên đột phá.
Mốc 600 điểm: 1 phiên cuối tuần?

Nhận định về xu hướng thị trường tuần này, các chuyên gia chứng khoán đều có cái nhìn khá thận trọng khi cho rằng, thị trường sẽ điều chỉnh giảm và thử thách mức hỗ trợ 580 điểm. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại khá tích cực với dòng tiền vẫn chảy mạnh.

Trong 4 phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index duy trì sắc xanh trong cả 4 phiên, trong khi HNX-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Tư (12/3) do ảnh hưởng của những đợt kéo - xả trên sàn HOSE. Dù áp lực chốt lời tăng lên, nhưng dòng tiền chờ thời vẫn rất lớn, nên thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức khá tốt, gần 3.500 đồng/phiên.

Trong phiên 12/3, thị trường đã diễn ra những đợt kéo - xả khiến VN-Index rung lắc mạnh khi tiến tới đỉnh ngắn hạn 596 điểm. Kịch bản kéo - xả được thực hiện ngay từ đầu phiên sáng, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn mất cảnh giác mua đuổi và bị “úp sọt” vào những phút cuối của phiên chiều.

Phiên kéo xả này đã khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong phiên giao dịch sáng hôm qua (13/3). Mặc dù vậy, khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực mua bất ngờ tăng mạnh, trong đó đáng chú ý là nhóm cổ phiếu chứng khoán được quan tâm một cách đặc biệt. Ngoài AGR vẫn duy trì đà tăng trần như các phiên trước, SSI, HCM, BSI trên HOSE và KLS, VND, BVS… trên HNX đồng loạt tăng mạnh, đã hỗ trợ VN-Index chinh phục thành ngưỡng 595 điểm khi đóng cửa ở mức 595,22 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2009. Trong khi đó, HNX-Index cũng nhẹ nhàng vượt qua mốc 84 điểm, mức cao nhất gần 3 năm.

Những nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong phiên giao dịch sáng đã trở nên suốt ruột hơn trong phiên giao dịch chiều. Lực mua giá cao tới tấp được tung vào và đích nhắm là các cổ phiếu xây dựng, xây lắp có thị giá thấp. Tuy nhiên, trụ đỡ chính cho thị trường vượt qua các mốc cản ngắn hạn lại là các mã lớn như MSN, VNM, VCB, đặc biệt là VNM bất ngờ tăng mạnh 3,55%.

Theo BVSC và FPTS, thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh đã hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư, nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán, sau đó lan tỏa ra cả thị trường chung.

Trong khi đó, theo CTCK KIS Việt Nam, ngoài thông tin trên, thị trường còn nhận được các thông tin hỗ trợ tốt khác trong phiên hôm qua, như việc lập ban chỉ đạo xử lý nợ xấu, một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết điểm nghẽn quan trọng nhất của nền kinh tế. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tăng mạnh giúp cán cân thương mại trở lại trạng thái thặng dư 0,67 tỷ USD trong nửa sau tháng 2; lũy kế 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 1,31 tỷ USD, cao hơn mức ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.

Với phiên tăng điểm hôm qua, VN-Index chỉ còn cách mốc 600 điểm 1 phiên tăng, tuy nhiên, theo FPTS, việc khối ngoại bán ròng mạnh trở lại vẫn đáng lo ngại. Do đó, mốc tâm lý 600 điểm sẽ không dễ dàng để có thể vượt qua và khả năng cao sẽ xuất hiện điều chỉnh mạnh nếu VN-Index thất bại trước ngưỡng kháng cự này.

Không chỉ FPTS, nhiều công ty chứng khoán khác cũng có cái nhìn thận trọng khi VN-Index tiến vào vùng cản mạnh 596 - 600 điểm. Vì vậy, để VN-Index chinh phục thành công mốc 600 điểm, thị trường cần có sự đột phá về dòng tiền để hấp thụ hết lượng cung chốt lời. Tuy nhiên, với nhiều thông tin tích cực và tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư, vẫn có nhiều kỳ vọng VN-Index sẽ chinh phục thành công mốc tâm lý này, nhất là đà tăng của thị trường được đánh giá là khá vững chắc khi được hỗ trợ bởi các cổ phiếu lớn.

Trần Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục