Mốc 1.420 điểm là “đỉnh của đỉnh”, nhà đầu tư đến sau đã chậm chân?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nghi ngại VN-Index ở mức 1.420 điểm đã là “đỉnh của đỉnh”, nhà đầu tư tham gia đầu tư ở giai đoạn này liệu có vấn đề gì hay không?
Mốc 1.420 điểm là “đỉnh của đỉnh”, nhà đầu tư đến sau đã chậm chân?

Tại Hội thảo trực tuyến về Chiến lược đầu tư đón trạng thái bình thường mới ngày 28/9, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược đầu tư của Dragon Capital cho rằng, trước đây, nhiều người đồng tình bất động sản là kênh tích sản, xem thị trường chứng khoán là cờ bạc, hoặc là nơi dành cho người chuyên nghiệp. Quan điểm này đang được thay đổi, thị trường chứng khoán đã và đang là kênh tích sản.

Nếu nhà đầu tư đầu tư đều vào thị trường chứng khoán 10 triệu đồng/tháng, xem là kênh tích sản, thì thậm chí đầu tư ngay đỉnh 2/2007 và giữ đều đặn như thế tới tháng 1/2021, nhà đầu tư đã có 4 tỷ đồng. Hiệu suất đầu tư bình quân vào VN-Index là 11,5%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi.

Năm 2010, vốn hóa thị trường khoảng 40 tỷ USD, hiện nay đã hơn 300 tỷ USD, gần bằng 60-70% lượng tín dụng trong nền kinh tế, với số doanh nghiệp niêm yết tăng gấp đôi. Số lượng công ty dẫn đầu, vốn hóa trên 1 tỷ USD năm 2010 chỉ có 8 công ty, nay 42 công ty, không có công ty vốn hóa trên 10 tỷ USD, nay có 3 công ty. Thanh khoản tăng gấp nhiều lần, từ 130 triệu USD/ngày năm 2010 đến nay là 825 triệu USD/ngày.

Sản phẩm trên thị trường chứng khoán trước kia chỉ có 2 quỹ ETFs ngoại, nay có 8 quỹ ETFs nội địa, quỹ ETFs niêm yết đa quốc gia, CW, phái sinh chỉ số, quỹ hưu trí, giao dịch T+0 sắp được triển khai.

Về câu hỏi việc có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản mới từ đầu năm 2020 có quá nóng và thị trường bị ảnh hưởng thế nào khi các nhà đầu tư F0 rút vốn, ông Tuấn cho biết, tháng 10/2020, lần đầu tiên có mở tài khoản định danh trực tuyến (eKYC), giúp mọi người dân ở Việt Nam chỉ cần tải ứng dụng là mở được tài khoản, điều này làm lan tỏa về mở tài khoản trên diện rộng.

Nhìn vào thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) 1985, khi dân chúng tăng thu nhập, có đủ tiền ăn mặc, bắt đầu nghĩ đến chuyện tích sản, thì số lượng mở tài khoản tăng đột biến trong 20 năm kế tiếp. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang giống với Đài Loan giai đoạn 1985, tăng trưởng nhà đầu tư cá nhân chỉ mới bắt đầu.

Trong khi đó, lạm phát thấp (là điều kiện cần thiết để lãi suất thấp và ổn định) là tín hiệu tốt cho thị trường cổ phiếu.

Nói về dự báo và định giá, Dragon tính toán, với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 40-41% năm 2021, chỉ số P/E sau khi hiệu chỉnh khoảng 13,6 lần. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 là 25% thì P/E chỉ còn 10,8 lần - tương đối thấp và hấp dẫn về định giá.

Nếu so sánh Việt Nam và các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, về mặt định giá, thì đang thấp hơn 20-25%.

Theo đó, Dragon cho rằng, bức tranh chung và dài hạn, thị trường Việt Nam rất tiềm năng và hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận tích cực – định giá hấp dẫn là động lực tăng trưởng kép của thị trường; số lượng nhà đầu tư trong nước ngày càng phát triển mạnh mẽ là nền tảng vững chắc để thị trường tăng trưởng trong dài hạn.

"Nhà đầu tư không nên quá chú trọng vào thời điểm tham gia thị trường, cần nhớ rằng, kỷ luật và thời gian đầu tư là yếu tố quyết định đến hiệu quả đầu tư", ông Lê Anh Tuấn đưa ra lời khuyên.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,206.97 -9.64 -0.8% 149,826 tỷ
HNX 226.55 -3.17 -1.4% 1,384 tỷ
UPCOM 88.03 -0.95 -1.08% 344 tỷ