Mobile Money: Doanh nghiệp than trời vì hạn mức thấp, eKYC chặt, NHNN nêu nguyên tắc “không thỏa thiệp”

Theo 3 doanh nghiệp thí điểm Mobile Money (Vinaphone, MobiFone, Viettel), việc triển khai dịch vụ thí điểm 6 tháng đầu năm vẫn còn rất nhiều vướng mắc khiến kết quả đạt được còn hạn chế.

30% khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile money không đủ điều kiện

Từng kỳ vọng “bùng nổ sau một đêm” nếu được cấp phép, song sau 6 tháng triển khai, số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile Money của các nhà mạng chưa như kỳ vọng. Cụ thể, tính tới 31/3/2022, cả nước mới có 1,1 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile Money, chưa tới 1% tổng số lượng thuê bao di động của cả nước.

Mặc dù đối tượng của Mobile Money nhắm tới phân khúc khách hàng ngách, không cạnh tranh với các ngân hàng, ví điện tử - vốn dĩ đã rất hùng mạnh, song số lượng khách hàng tăng chậm, theo các nhà mạng là do có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thí điểm.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT (VinaPhone)

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT (VinaPhone)

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn Thông VNPT (VinaPhone) cho hay, Mobile Money có rất nhiều tiện ích. Tuy nhiên, để người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa dễ sử dụng thì vấn đề đầu tiên là cần phải đơn giản trong sử dụng. Mâu thuẫn nằm ở chỗ, quản lý thì muốn chặt chẽ còn sử dụng lại muốn đơn giản.

Cụ thể, điều kiện để mở tài khoản Mobile money là rất chặt chẽ: KYC chính xác khách hàng; Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm dăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Theo ông Tấn, điều kiện quá chặt với Mobile Money (trong khi hầu hết các ngân hàng đã cho phép khách hàng đăng ký tài khoản online và eKYC toàn trình) đã làm mất đi tính ưu việt của Moble Money và làm cho doanh nghiệp thí điểm phải tốn thêm nguồn lực để phát triển thuê bao di động trở thành khách hàng Mobile Money.

Thực tế tại VNPT, tính đến tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ, nhưng không thành công do không đáp ứng các yêu cầu trên tại VNPT-Media là 156.351 người, chiếm 30% tổng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Các nguyên nhân bao gồm: Không thành công do áp dụng công nghệ AI, Big data, do thay đổi CCCD, do không đủ điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng dịch vụ liên tục trong ít nhất 3 tháng…

Ông Tấn cho rằng, vấn đề này có thể xử lý một cách đơn giản bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

“Nếu như nhà mạng tiếp cận được nguồn này thì khách hàng không cần nhiều bước phức tạp mà có thể sử dụng Mobile Money ngay. Tôi tin rằng. nếu đạt được điều này thì hơn 120 triệu thuê bao của tất cả nhà mạng tại Việt Nam có thể đồng loạt mở được và sử dụng Mobile Money ngày từ ngày mai ”, ông Tấn tự tin.

Quy định thuê bao phải có “tuổi đời” ít nhất 3 tháng mới được sử dụng Mobile Money, theo ông là không hợp lý. Bởi khi đã chính xác, đúng thông tin, số điện thoại thì tại sao cần phải chờ một khoảng thời gian như vậy.

Điều đáng mừng là theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Bộ Công an đã chủ trì làm việc cùng các nhà mạng xây dựng quy trình, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện kết nối để làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác trên nền tảng dữ liệu dân cư, gắn Mobile Money với kho dữ liệu này.

Hạn mức thấp, thiếu liên thông, Mobile Money phải xới đất cằn sỏi đá

Đi sau thế giới 20 năm, qua mất thời điểm vàng khi hệ thống ngân hàng đã quá mạnh, bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho rằng, dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là những mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá. Trong khi mảnh đất mầu mỡ ngân hàng đã cày xới hết.

Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả, là trong khi phải cày xới đất cằn, thì Mobile Money lại gặp nhiều vướng mắc, một trong số đó là hạn mức sử dụng quá thấp.

“Hạn mức của Mobile Money chỉ dưới 10 triệu đồng, thấp hơn ví điện tử rất nhiều. Đây là một hạn chế. Khi mà chúng ta cung cấp một dịch vụ mới, nhưng vấp phải quá nhiều hạn chế thì sẽ khó phát triển”, Bà Tú nói.

Bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone

Bà Phạm Minh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Tấn cho rằng, trong giai đoạn thử nghiệm, VNPT hoàn toàn đồng ý với hạn mức 10 triệu đồng liên quan đến các hoạt động về rút và chuyển tiền. Tuy nhiên, ông cho rằng, nên mở rộng hạn mức trên khi hết giai đoạn thử nghiệm 2 năm.

Ngoài ra, theo bà Tú và ông Tấn, việc chưa cho phép các nhà mạng liên thông với nhau về Mobile Money cũng làm hạn chế rất nhiều việc phát triển dịch vụ này.

Các doanh nghiệp này xuất nên cho liên thông và Nhà nước quản lý để dùng mạng nào cũng có thể rút ở mạng khác, liên kết với nhau mới trở thành hệ sinh thái Mobile của Việt Nam.

Đồng thời, cho phép doanh nghiệp cung cấp thêm một số dịch vụ mới trên Mobile Money, thay vì chỉ giới hạn ở dịch vụ thanh toán với hạn mức nhỏ.

NHNN nêu nguyên tắc “không thỏa hiệp”

Phát biểu tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) ghi nhận những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thí điểm.

Dù vậy, ông Dũng cũng khẳng định, NHNN có mấy nguyên tắc không thỏa hiệp.

Thứ nhất là phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là vấn đề bảo mật.

Thứ hai, phải bảo vệ an toàn tài chính (eKYC, phòng chống rửa tiền…), Mobile Money hoạt động như dịch vụ tài chính thì phải tuân thủ các nguyên tắc trên.

Đại diện NHNN đề nghị các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cũng cần tiếp tục: Triển khai các hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các điểm kinh doanh kết hợp với khích lệ kinh tế giai đoạn đầu triển khai dịch vụ cho thấy những lợi ích phi tài chính như tăng lượng khách hàng đến điểm kinh doanh, có thêm nguồn thu từ phí hoa hồng khi có tập khách hàng quen thuộc.

Các doanh nghiệp cũng được đề nghị tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg; Phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công, các khoản trợ cấp Chính phủ qua dịch vụ Mobile-Money.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục