Mổ xẻ yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Chất lượng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến đâu? Hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực kinh tế nòng cốt này ra sao? Khu vực DNNN đóng góp gì cho sự phát triển của nền kinh tế? Đó là những câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra tại kỳ họp thứ 4 này. Theo ghi nhận của ĐTCK, dưới con mắt của nhiều ĐBQH thì dường như DNNN đang là "gánh nặng" của nền kinh tế, sự đóng góp của khu vực này vào tốc độ tăng trưởng kinh tế không tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước và đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát tối cao đối với hoạt động và quản lý vốn, tài sản của DNNN, đặc biệt là của các tổng công ty (TCT), tập đoàn kinh tế.
Ngoài Luật Doanh nghiệp thì các tập đoàn, tổng công ty nên được quản lý bằng một nghị định riêng. Ngoài Luật Doanh nghiệp thì các tập đoàn, tổng công ty nên được quản lý bằng một nghị định riêng.

Ông Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cho rằng, trong nhiều năm qua Nhà nước đã dồn vốn, tập trung cổ phần hoá, nâng cao hiệu lực sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, TCT nhưng hiệu quả đầu tư của khu vực "kinh tế xương sống" này lại thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác. Theo ông Nhượng, TCT, tập đoàn kinh tế chiếm 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và 80% tổng dư nợ tín dụng, nhưng báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ là rất khó kiểm soát, rất khó đánh giá được hoạt động đầu tư, rất khó đánh giá về khả năng trả nợ của các tổng công ty nhà nước… thì đúng là một thách thức cho nền kinh tế.

Ông Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng bày tỏ quan ngại trước hoạt động của DNNN khi đưa ra con số, chỉ tính 76 tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước hiện được giao xấp xỉ 403 ngàn tỷ đồng, không kể 514 ngàn tỷ đồng tiền vay (trong đó, phần nhiều được Chính phủ bảo lãnh), nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ hữu của khối này chỉ đạt 17,04%, thấp hơn rất nhiều so với DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thêm nữa, trong khi DN FDI xuất siêu 5,2 tỷ USD thì khối DNNN lại nhập siêu đến 21 tỷ USD.

"Thời gian qua, một số tập đoàn, TCT đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và bất động sản đã lên tới 7.370 tỷ đồng, mặc dù so với vốn chủ sở hữu thì tỷ lệ đầu tư "vượt rào" không lớn, nhưng số lượng tuyệt đối thì khá lớn, góp phần làm thiếu vốn cho khối sản xuất và làm mất cân đối của nền kinh tế", ông Hùng lo lắng và nhận định, các tập đoàn, TCT không những không giúp Nhà nước trong việc chống lạm phát, mà còn góp phần "đáng kể" trong việc gây ra lạm phát.

"Tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về cơ chế quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước theo hướng xóa bỏ độc quyền DN và giảm hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời công khai hoạt động của khối DN này", ông Hùng đề xuất.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) ví von, DNNN giống như một công tử con quan, được cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo nên béo tốt, vạm vỡ do muốn gì được nấy, nhưng chỉ được "phần xác" (hình thức), còn "phần hồn" (chất lượng) thì không bằng con nhà lao động: hiệu quả sản xuất - kinh doanh kém nhất, chỉ số ICOR cao nhất, cạnh tranh kém nhất… song lại gây ra nhiều scandal làm ồn ào dư luận xã hội nhất.

"Tôi cho rằng, tất cả DNNN cần phải được quản lý cụ thể, ngoài Luật Doanh nghiệp thì các tập đoàn, TCT phải được quản lý bằng một nghị định riêng. Tại kỳ họp Quốc hội vào cuối mỗi năm, Chính phủ cần có văn bản báo cáo về hoạt động của DNNN, nhất là hoạt động của các tập đoàn và TCT", ông Đáng đề xuất.

Mặc dù đã được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên "khuyến cáo", nếu đánh giá về DNNN một chiều, thiếu khách quan, chỉ nhìn thấy tồn tại, yếu kém thì không chính xác và khiến "anh em" (lãnh đạo tập đoàn, TCT) người ta buồn, nhưng vẫn có không ít ĐBQH tiếp tục lên tiếng về hoạt động thiếu lành mạnh của DNNN.

Không chung chung, ông Trần Văn Thức (Bà Rịa - Vũng Tàu) mạnh dạn chỉ tên một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang "có vấn đề" khi cho rằng, vì được độc quyền nên nhiều năm qua EVN thường xuyên kêu lỗ để đề nghị Chính phủ cho tăng giá điện. Đầu năm 2007, Chính phủ cho phép EVN tăng giá điện, nhưng mới đây, EVN lại báo cáo trong 13 năm qua EVN… chưa bao giờ bị lỗ. "Người dân không biết thế nào, khi đề nghị tăng giá điện lại bảo lỗ nhưng khi đề nghị trích 1.002 tỷ đồng để thưởng cho cán bộ, nhân viên lại bảo không lỗ", ông Toàn bức xúc nói.

"Năm 2009, Việt Nam sẽ thiếu hụt 1 tỷ kw giờ điện. Trong khi đó, EVN trả lại Chính phủ 13 dự án đầu tư phát triển nguồn điện thì câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của EVN với xã hội đến đâu - ông Vũ Quang Hải (Hưng Yên) bức xúc - sau hơn 20 năm đổi mới, người dân vẫn phải chịu cảnh cắt điện luân phiên, cắt điện liên tục, vì sao lại có tình trạng này là câu hỏi mà chúng ta phải trả lời với cử tri". Ở khía cạnh rộng hơn, vị dân biểu này đề nghị Chính phủ phải rà soát lại cơ cấu đầu tư của DNNN, đặc biệt là các ngành tiêu thụ điện năng lớn để gắn việc phát triển nguồn điện cân đối với mục tiêu đặt ra là người dân sẽ không phải tiếp tục chịu "bi kịch" cắt điện.    

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục