Tại Hội thảo “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” tổ chức sáng 27/4, các đại biểu chia sẻ quan điểm chung rằng, muốn tạo ra thay đổi lớn trong quản lý vốn nhà nước hiện nay, mô hình doanh nghiệp có nhiều lợi thế hơn mô hình ủy ban. Tuy nhiên, bài học từ hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho thấy, mô hình này có rất nhiều thách thức cần giải quyết.
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về tổng thể, cả 2 mô hình ủy ban hoặc doanh nghiệp đều đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất là tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Chúng ta cần cân nhắc, lựa chọn mô hình hợp lý trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm đã có trong thời gian qua và các kinh nghiệm trên thế giới, cũng như mục tiêu quản lý vốn nhà nước tới đây
- Ông Nguyễn Công Nghiệp,nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính
Xét về từng mặt cụ thể, mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Mô hình cơ quan quản lý có ưu điểm là vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là cơ quan nhà nước nên việc khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng và cụ thể như mô hình doanh nghiệp. Hơn nữa, chế độ viên chức nhà nước không đủ linh hoạt, tự chủ và nhạy bén với thay đổi của thị trường.
Trong khi đó, mô hình doanh nghiệp có ưu điểm về tính linh hoạt, về chi phí và thủ tục thành lập gọn nhẹ. Về phương diện đầu tư vốn để sinh lời, ưu điểm của mô hình doanh nghiệp rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước. Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn có thể dẫn đến việc không dễ chuyển vốn của các tập đoàn, tổng công ty về doanh nghiệp này quản lý.
Ngoài ra, cơ chế kinh doanh vì lợi nhuận mặc dù đem lại hiệu quả rõ nét hơn, nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng đầu tàu phát triển các lĩnh vực nền tảng cần vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Băn khoăn về tính hiệu quả của mô hình ủy ban, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp nêu vấn đề: “Thực hiện theo mô hình này khó minh bạch giữa quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không thúc đẩy công khai, minh bạch trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Mô hình doanh nghiệp, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, đảm bảo được yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu (cổ đông). Công ty này không phải là cơ quan hành chính, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp, mà thông qua hệ thống quản trị doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả bảo toàn và gia tăng giá trị vốn đầu tư.
Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động của SCIC hơn 10 năm qua cho thấy, hạn chế lớn nhất của mô hình doanh nghiệp là vị thế pháp lý. Thậm chí nói như đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rằng, trong con mắt của các tập đoàn như EVN, SCIC có quy mô rất nhỏ, tiếng nói khó có thể có trọng lượng để “ngang hàng” với các tập đoàn lớn. Với vị thế như vậy, liệu SCIC có thể quản lý tốt vốn nhà nước tại các tập đoàn này?
Ở góc độ chuyên gia kinh tế độc lập, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, cần định vị và đặt ra mục tiêu rõ ràng. Nhà nước muốn quản lý vốn tập trung 30%, 70% hay nhiều hơn, từ đó mới có thể xác định mô hình phù hợp.
Nếu có đủ quyết tâm, có sức mạnh làm triệt để thì có thể sử dụng mô hình ủy ban, còn nếu theo lộ trình và đặt mục tiêu quản lý vốn nhà nước tập trung ở mức 30-40% trong thời gian đầu, thì nên theo mô hình doanh nghiệp và tập trung nâng cấp SCIC sẽ hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh rằng, nếu không cân nhắc kỹ để lựa chọn mô hình phù hợp sẽ phải trả giá bằng thời gian, ông Phạm Đình Soạn cho biết, Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trước đây bản chất vẫn chỉ là cơ quan hành chính trực tiếp can thiệp hoạt động doanh nghiệp, trực tiếp cấp phát vốn…
Vì vậy, đây chỉ là sự chuyển giao từ chỗ này sang chỗ khác về mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp, mà không phải thay đổi về “chất” mối quan hệ này. Mô hình này vấp phải sự phản ứng, hoặc không đồng tình của nhiều địa phương, thậm chí một số Bộ cũng không ủng hộ, mặc dù Tổng cục chỉ là sự lắp ghép các đơn vị cũ của Bộ Tài chính. Sau 4 năm thành lập, Bộ Tài chính đã phải giải thể cơ quan này.
“Việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước rất quan trọng. Bởi vậy, chúng ta cần cân nhắc, lựa chọn mô hình hợp lý trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm đã có trong thời gian qua và các kinh nghiệm trên thế giới, cũng như mục tiêu quản lý vốn nhà nước tới đây”, ông Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.