Mổ xẻ Dự thảo Luật Hình sự (sửa đổi) tại nghị trường

(ĐTCK) Trước khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được đưa vào chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị cho rằng, cần thiết phải buộc pháp nhân chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi được trình Quốc hội, Dự thảo này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ban soạn thảo dự kiến bỏ tội Cố ý làm trái, bởi tội này chung chung, có thể “bỏ” mọi hành vi vi phạm vào đây Ban soạn thảo dự kiến bỏ tội Cố ý làm trái, bởi tội này chung chung, có thể “bỏ” mọi hành vi vi phạm vào đây

Chiều ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội về Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Đây là dự thảo lần thứ 5 và ngoài các vấn đề tội phạm khác, các vấn đề về tội phạm kinh tế, hình phạt, nhất là đối với các tội kinh tế, chức vụ đã có nhiều nội dung mới so với luật hiện hành.

Đầu tiên là trách nhiệm pháp nhân. Dự thảo đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội danh. Đó là các tội: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Sở dĩ có việc quy trách nhiệm hình sự cho pháp nhân là vì thực tiễn hoạt động kinh tế cho thấy, rất nhiều pháp nhân đã có hành vi vi phạm pháp luật nhưng hình thức phạt hành chính không đủ sức răn đe. Khi thẩm định Dự thảo Bộ luật này,  Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thảo luận rất nhiều lần và cho rằng cần phải cân nhắc kỹ.

Theo Ủy ban tư pháp, những vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Căn cứ theo quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân.

Bên cạnh đó, các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân theo phương án của Dự thảo Bộ luật (tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh...) cũng đã được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính.

Hơn nữa, nếu đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân là tổ chức kinh tế  và chỉ trong một số loại tội như Dự thảo thì sẽ không bảo đảm tính công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự.

Một số ý kiến khác tán thành với đề xuất buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp cụ thể.

Điểm đáng chú ý khác, Dự thảo đã loại bỏ 2 tội danh liên quan mật thiết với doanh nghiệp và người lãnh đạo doanh nghiệp, đó là tội Kinh doanh trái phép và tội Báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Mặc dù có nhiều ý kiến tán thành việc bỏ tội Kinh doanh trái phép nhưng vẫn có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, Luật doanh nghiệp đã bỏ quy định đăng ký kinh doanh, nhưng theo Luật đầu tư vẫn còn những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do đó chưa thể phi tội phạm hóa hành vi kinh doanh trái phép, thay vào đó cần sửa đổi cho phù hợp.

Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Ban soạn thảo dự kiến bỏ tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bởi tội này chung chung, có thể “bỏ” mọi hành vi vi phạm vào đây. Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo đã cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể, để thay thế cho tội danh này.

Cơ bản, Ủy ban Tư pháp tán thành đề xuất của Chính phủ, để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh, việc bỏ tội danh này là cần thiết. Các hành vi vi phạm trong quản lý kinh tế cần được cụ thể hóa thành các tội phạm cụ thể. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chưa thể bỏ, cần tiếp tục duy trì vì không thể dự liệu và cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này sẽ bỏ lọt tội phạm.

Ủy ban Tư pháp cũng nhận thấy cần rà soát để bỏ thêm các tội danh có cấu thành không xác định hành vi phạm tội cụ thể, mà qua thực tế áp dụng đã bộc lộ bất cập, ví dụ như tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh các thay đổi trên, Dự thảo đã quy định là tội phạm (tội phạm hóa) đối với 08 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế: vi phạm quy định về sử dụng điện (Điều 201); làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 216); trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 217); gian lận bảo hiểm xã hội (Điều 218); gian lận bảo hiểm y tế (Điều 219); trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 220); vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 222). Đặc biệt, dự thảo Bộ luật đã bổ sung một tội danh liên quan đến vấn đề cạnh tranh (Điều 221) nhằm trừng trị những hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm cho kinh tế thị trường phát triển ổn định.   

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục