Mơ ước của anh môi giới

(ĐTCK) X - không phải là Tèo, bạn anh Lê Hoàng hay viết trên Báo Thanh niên số Chủ nhật - một người bình thường, làm một nghề bình thường trong một công ty bình thường và có một giấc mơ bình thường.
Mơ ước của anh môi giới

X là nhà môi giới bất động sản. Sau nhiều năm bôn ba, mỗi đứa một phương, tôi gặp lại X năm 2008. X thay đổi hẳn, béo tốt và bệ vệ, khác hẳn với đứa trẻ gầy còm năm nao. X đeo đồng hồ hàng hiệu và dùng điện thoại Vertu. Mặc dù hay được tiếp kiến nhiều đại gia và sếp, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên vì sao bạn mình lại có thể thuộc nhóm cao cấp này. Tôi cứ nghĩ nhóm người dùng hàng hiệu phải là ai đó đặc biệt, không chỉ mình mà bạn mình cũng khó có thể xứng đáng. Tại sao không, X hỏi, chỉ cần mua mấy hàng fake thì ai cũng như ai. Cả lũ bạn té ngửa vì chân lý đơn giản ấy.

Không biết vì cái điện thoại Vertu hay vì may mắn, công việc môi giới của X trong các năm 2008 - 2011 thực sự sôi động. Các dự án đưa ra chào bán luôn có tỷ lệ bán hết trên 90% trong thời gian 3 tháng. X chỉ cần ngồi một chỗ, nghe một cú điện thoại gọi đến cho phép bán, và X gọi một cú điện thoại thông báo mình có hàng - căn hộ dự án XYZ là đã có tiền tỷ trong buổi sáng. Sao mà nhiều người và nhiều tiền thế!

Nhiều tiền đã làm người ta trở nên sáng tạo và táo bạo. X dự tính mở văn phòng ở thành phố ABC, X dự định đầu tư, X dự định cung cấp chuỗi dịch vụ bất động sản, thành lập tập đoàn, X dự định tham gia bán sân golf, dự định xây khách sạn ở vùng núi, hải đảo, thậm chí còn định đầu tư ra nước ngoài, các dự án ở Nga, ở Lào và nhiều nơi nữa…

So với bây giờ thật là:   

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Khác với con hổ của Thế Lữ, lúc đó X buồn, thực sự buồn, mặc dù X không còn đeo đồng hồ xịn nhưng hàng fake, đã mua hàng chính hãng, không ai, dù bên chủ đầu tư hay khách mua bất động sản tôn trọng vai trò môi giới của X. Chủ đầu tư đương nhiên khó chấp nhận việc bán thành công căn hộ/villa trên không trung cho nhóm người xếp hàng dài dưới phố là nhờ tài năng của X. Còn người xếp hàng, đương nhiên không công nhận vai trò của X, vì đơn giản khách hàng có cần tìm hiểu xem căn hộ/sản phẩm và giá cả của nó là gì đâu. X thực sự cảm thấy bị xúc phạm khi bán thành công 5 lô đất cho một dự án nghỉ dưỡng ở thành phố biển miền Trung nắng gió, mà người mua, một nữ doanh nhân trẻ đẹp, không buồn hỏi X đến một câu về nội dung dự án hay tiến độ xây dựng.

Doanh nghiệp của X là một doanh nghiệp bình thường với 26 nhân viên, bao gồm cả bán thời gian, giám đốc, kế toán, có doanh thu ổn định khoảng 20 tỷ đồng cho năm 2012 và 2013. Cũng đã là mừng trong bối cảnh nền kinh tế có hàng chục ngàn doanh nghiệp vẫn còn con dấu nhưng đã là những “xác chết biết đi”, thị trường bất động sản suy giảm với chỉ số văn phòng 110 điểm vào quý III/2008 và xuống sâu tới dưới 50 điểm sau 5 năm - quý III/2013; hoặc đối với lĩnh vực căn hộ xây mới để bán, chỉ số hàng tồn kho dưới 20% vào quý IV/2010 và đến quý III/2013, chỉ số này tới trên 90%.

X không liên quan gì đến số nợ đọng bất động sản trăm tỷ, ngàn tỷ bám đầy danh mục tài sản của các ngân hàng. X không nợ ai, cho dù là ngân hàng, vì X làm môi giới. Mà môi giới thì… chỉ cần mỗi chi phí đổ xăng/gọi điện thoại và chịu khó phát biểu nhiều trên truyền thông. Được đi lại và phát biểu ý kiến thiết nghĩ là lợi nhuận, chứ không thể hạch toán vào chi phí kinh doanh được. Tóm lại, theo thuật ngữ kế toán, nghề môi giới có chi phí bằng không hay chỉ sử dụng vốn tự có.

Các bạn thấy đấy, dù X bạn tôi, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng 5,4% năm thì nói “bình thường” không có nghĩa khinh thường X. Thậm chí, X còn hiểu là đang được ngưỡng mộ. X kể mấy ông bạn của mình trong làng bất động sản, đã nhiều lần “lên voi xuống chó” trong các biến động thị trường các năm 1997, 2003…, nhưng từ lần suy thoái 2009 này, chỉ có mơ ước nhỏ nhoi là được trở lại “con” gì dưới “chó” cũng được, miễn là trên mặt đất.

Không chỉ bình thường, X là người tích cực. Trong giai đoạn thị trường khó khăn 2012 và 2013, khi mà cả thị trường, với hơn 10.000 căn hộ chỉ có 4% số căn trong quý XXX, 5% quý XX , 7% căn rồi 9% căn được giao dịch trên toàn bộ thị trường với hơn XXX sàn giao dịch, YYY “nhà môi giới”, nhưng tích cực là phải vì X vẫn là người bán được hàng.

Thế nhưng, X vẫn tiếp tục buồn. Trong giai đoạn khó khăn này, vẫn không ai nhắc đến X trong các giải pháp “tháo gỡ” hay “phá băng bất động sản”. Hàng loạt chương trình, hàng loạt bài báo, mọi người chỉ tập trung phân tích nguyên nhân, nào đóng băng là tại chủ đầu tư, nào là chênh lệch cung - cầu, rồi thì bong bóng bất động sản... Những nội dung này X còn hiểu phần nào, còn những khái niệm liên quan đến giải pháp xử lý nợ xấu, tổ chức VAMC thì X hoàn toàn mù tịt. Giải pháp đưa ra để xử lý các vấn đề nêu trên còn đáng ngạc nhiên hơn - chúng ta cần tập trung bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất, nhóm nhà ở xã hội. Nếu nói nguyên nhân mua bán không thành công là do nhóm người mua để ở có quá ít niềm tin thì còn có thể tin được.

X rất tức giận. Tức giận không phải do X không hiểu gì các phân tích nguyên nhân cũng như giải pháp nêu trên mà đơn giản là trong toàn bộ câu chuyện này, X - nhóm các nhà môi giới bất động sản - hoàn toàn không được nhắc đến ở đâu, cho dù chỉ một giây trên truyền hình, tọa đàm bất động sản, hay cho dù một dòng trên bài báo trên báo giấy, tờ báo có nhiều trang quảng cáo nhất làng báo cũng được.

Cuộc sống của môi giới còn khó khăn gấp bội khi chi phí nói chung đều tăng. Lúc làm ăn tốt, chủ đầu tư trả tiền hoa hồng sòng phẳng, thậm chí còn hào hứng thưởng nóng, thưởng nguội. Thế nhưng, 2 năm nay, X gần như phải bỏ tiền ra để quảng cáo, nhắn tin trên hết báo này qua diễn đàn nọ.

Phần thu từ kết quả môi giới không chỉ giảm mà còn khó đòi. X phải thuyết phục, phải nhẫn nhịn làm nhiều việc không tên khác như cố vấn thêm về xây dựng, mới mong chủ đầu tư trả phần tiền hoa hồng nhỏ nhoi của mình. Dù vậy, cũng chỉ đến một nửa số chủ đầu tư trả tiền đầy đủ, số khác lịch sự trì hoãn hoặc thẳng thắn - anh em thông cảm, tiền phí chỉ được còn 3/4 hay 1/2, vì giá căn hộ đã giảm.

Mọi người có biết làm thế nào để trong năm 2013, thanh khoản tăng trung bình 2% mỗi quý không? X hỏi. Trước kia, không được làm nghề, chỉ nhận tiền, thì nay môi giới phải gọi hàng nghìn cú điện thoại bàn mới nhận được vài lời đồng ý đến tham gia lễ bán hàng. Trong nhóm đến bán hàng thì thời gian thuyết phục của một môi giới, có mặc áo vét đen hẳn hoi, cũng phải mất đến hàng tuần để quyết. Người mua đã quyết, nhưng chưa đặt tiền vì còn để… bố mẹ tham quan.

Tuy vậy, X là người bình thường tích cực. Sang năm 2014, X tin rằng X và đám bạn môi giới của mình thúc đẩy thanh khoản tăng thêm trung bình 5% mỗi quý như chu kỳ bất động sản hồi phục diễn ra sớm hơn ở TP. HCM đã thể hiện.

Để làm việc đấy, X mong muốn nhờ tôi kêu gọi mọi người hãy gọi X là nhà môi giới và được lên thảo luận ở các diễn đàn bất động sản…

T.N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục