Mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại: Gỡ “treo” cho 343 dự án tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM hiện có 343 dự án nhà ở thương mại dưới 20 ha không có đất ở. Việc thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại đã mở ra một nguồn lực rất lớn cho Thành phố.
Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất sẽ tháo gỡ cho 343 dự án tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất sẽ tháo gỡ cho 343 dự án tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Thông tin tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 2/4, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định quan trọng, giúp TP.HCM khơi thông được nguồn lực đất đai, giải quyết các dự án tồn đọng.

Đầu tiên là Nghị định số 75/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Theo đó, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, cấp phép cho tổ chức kinh doanh bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, theo thống kê ban đầu, trên địa bàn Thành phố có 343 dự án nhà ở thương mại dưới 20 ha, nhưng không có đất ở.

“Nếu không có Nghị định thí điểm này, toàn bộ các dự án trên sẽ bị tắc. Doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện các bước chấp thuận chủ trương đầu tư và các bước điều chỉnh quy hoạch và triển khai dự án”, ông nói.

Theo ông Toàn Thắng, cơ chế thí điểm này có hiệu lực trong vòng 5 năm, đã mở ra một nguồn lực rất lớn để Thành phố tổ chức thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

Chính sách quan trọng thứ hai là Nghị định số 76/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 170 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Đối với TP.HCM, có 3 dự án được tháo gỡ, gồm: Khu đất 30, 224 ha phường Bình Khánh, TP.Thủ Đức (tên thương mại The Water Bay), khu đất 30,106 ha Nam Rạch Chiếc (dự án Lakeview City) và dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn, quận 4 (tên thương mại The Tresor).

Ông Nguyễn Toàn Thắng đánh giá tất cả những dự án này đã có kết luận của thanh tra, kiểm tra và kể cả điều tra. “Nếu không có Nghị định này, chúng ta sẽ không tháo gỡ và giải quyết cấp sổ hồng cho người mua nhà”.

Sau khi áp dụng cho 3 dự án trên, nếu được mở rộng các đối tượng sẽ tháo gỡ rất nhiều dự án đã tồn đọng nhiều năm tại Thành phố.

Thông tin về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, số lượng giấy chứng nhận đã cấp trong quý I/2025 là trên 100.000 giấy. Số lượng hồ sơ mua bán trên địa bàn đã tăng rất nhiều, tăng 16%. Điều này góp phần tăng nguồn thu từ thuế thu nhập của người mua bán.

“Hiện nay, số thu này chúng ta đã đạt được trong quý I là trên 2.200 tỷ đồng, so với quý I/2024, tăng khoảng 543 tỷ đồng”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói, đồng thời cho biết cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ này trong quý II để đảm bảo nguồn thu.

Về kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm, ông Thắng cho biết hiện tiến độ thủ tục đấu giá 3 lô đất ký hiệu 1-2, 1-3 và 3-5 đang ở bước trình duyệt phương án giá và trình duyệt chủ trương. Sau đó, Thành phố sẽ thuê tư vấn để lập giá khởi điểm và tổ chức đấu giá. Dự kiến công tác đấu giá đất có thể bắt đầu từ tháng 7/2025.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục