Mở rộng dư địa tăng trưởng qua M&A, chiến lược của nhiều doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mua bán - sáp nhập (M&A) là phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để mở rộng quy mô hoạt động cũng như dư địa tăng trưởng.
“Nhảy vào những ngành đang tăng trưởng” là chiến lược của Digiworld từ khi thành lập đến nay “Nhảy vào những ngành đang tăng trưởng” là chiến lược của Digiworld từ khi thành lập đến nay

Đòn bẩy tăng trưởng

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một thị trường M&A sôi động và hấp dẫn, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, như bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, dịch vụ, công nghiệp...

Trong số những tên tuổi đình đám trên thị trường M&A Việt Nam, không thể không nhắc đến Vingroup, với nhiều thương vụ có giá trị lớn. Đơn cử, tập đoàn này mua lại hệ thống siêu thị Ocean Mart từ Ocean Group với giá 1.800 tỷ đồng, bước đệm xây dựng chuỗi siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ và sau đó bán 80% cổ phần VinCommerce (đơn vị quản lý chuỗi này) cho Masan với giá 1 tỷ USD năm 2019…

M&A là một trong các chiến lược hoạt động của Tập đoàn Masan, với nhiều thương vụ “bom tấn” được thực hiện. Chẳng hạn, De Heus Group (Hà Lan) mua lại toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan với giá 600 - 700 triệu USD; SK Group (Hàn Quốc) mua lại 16,26% cổ phần của Masan tại VinCommerce với giá 410 triệu USD; hay Masan bỏ ra 280 triệu USD để mua lại 85% cổ phần của Phúc Long.

Tập đoàn KIDO cũng là một trong những “tay chơi” nổi bật trên thị trường M&A, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận thông qua chiến lược M&A (mở rộng quy mô, đảm bảo tăng trưởng). Nhiều thương vụ gây tiếng vang đã được doanh nghiệp này thực hiện như mua lại Kem Wall’s từ tay Unilever; mua chi phối các doanh nghiệp trong ngành dầu ăn như TAC, Vocarimex và Golden Hope Nhà Bè (sau đó đổi tên thành Kido Nhà Bè)…

Mới đây, tập đoàn này công bố chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua 68% cổ phần của Công ty Thọ Phát – đế chế bánh bao số 1 Việt Nam. Ông Trần Lệ Nguyên, CEO KIDO cho biết, mua lại cổ phần của Thọ Phát là chiến lược quan trọng giúp KIDO mở rộng danh mục thực phẩm tại thị trường Việt Nam. Năm 2023, mảng bánh (gồm cả Thọ Phát) của KIDO sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lãi sau thuế.

Trước đó, KIDO mua 32% cổ phần Hùng Vương Plaza từ VinaCapital, củng cố thế mạnh của doanh nghiệp trên thị trường bán lẻ.

“Nhảy vào những ngành đang tăng trưởng” là chiến lược ông Đoàn Hồng Việt, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) áp dụng cho công ty từ khi thành lập đến nay. Bên cạnh lựa chọn các ngành hàng tăng trưởng bằng con mắt “tinh đời”, thì chiến lược M&A cũng đang được vị doanh nhân này tăng cường sử dụng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai chữ số hàng năm của Digiworld.

Ông Việt cho biết, Công ty đang có kế hoạch M&A thêm một số thương vụ, mục tiêu vẫn là để giải quyết bài toán tăng trưởng nhanh hơn, mở rộng danh mục sản phẩm phân phối, chẳng hạn như thương vụ M&A Công ty Achison.

Năm 2022, Digiworld hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần Achison, một công ty chuyên phân phối các sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp như đồng phục bảo hộ, thiết bị phòng sạch, đá mài, đá cắt, máy đánh bóng…

Duy trì đà tăng trưởng thông qua M&A cũng là hướng đi của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE). Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase tiết lộ, Công ty mới mua một công ty con tại Long An và công ty này sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung trong thời gian tới.

Trước đó, thị trường liên tục nhận thông tin Biwase liên tục nâng tỷ lệ sở hữu tại nhiều công ty ngành nước, như từ 24,5% lên 38,06% cổ phần của Cấp thoát nước Long An; đưa Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty cổ phần Công trình đô thị Châu Thành vào danh mục công ty con của Biwase.Tính đến hết 30/9/2023, Biwase là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một, Công ty Ecorbit và có 7 công ty con, 6 công ty liên kết. Biwase ngày càng vươn ra các thị trường ngoài Bình Dương.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, M&A là cách nhanh nhất để doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô phát triển.

Trước đó, Haxaco đã thành công khi M&A Công ty cổ phần PTM, Công ty cổ phần Dịch vụ và xe khách miền Tây (Mitaco), Công ty cổ phần Ô tô An Thái. Hiện các công ty con này đều hoạt động kinh doanh tốt và có lợi nhuận khả quan.

Ông Dũng chia sẻ, sắp tới, Haxaco thực hiện M&A một vài công ty để phát triển hệ sinh thái theo tiêu chí bền vững.

Thiếu vắng thương vụ đình đám

Trong giai đoạn này, nhiều thương vụ M&A vẫn âm thầm chuyển động, nhưng quy mô thương vụ chưa có nhiều điểm nhấn, bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước tác động (từ lạm phát, lãi suất, tỷ giá trên thế giới tác động, đến các vấn đề khủng hoảng thị trường trái phiếu trong nước, vướng mắc thủ tục pháp lý của nhiều dự án bất động sản…).

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) chia sẻ, ngành đói vốn nhất là bất động sản, buộc phải bán dự án nhưng hầu hết các doanh nghiệp đang trong trạng thái “thủ”, dù có những giao dịch M&A nhưng ít. Có một số dự án mang tính chất “tay phải bỏ tay trái”, công ty đại chúng bán cho công ty chủ tịch…

Điều này phần nào thể hiện qua việc dư nợ lớn của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa giảm, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn bán “cắt lỗ”.

Ghi nhận của nhóm phóng viên, thực tế, nhiều “đại gia”, với dòng tiền dồi dào vẫn đang tích cực săn tìm quỹ đất lớn - tốt, quỹ đất khu công nghiệp… Bởi với họ, thời điểm này mua với giá chiết khấu 20 - 30% là đủ hấp dẫn, điều kiện là pháp lý thông thoáng.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương vụ bán vốn của VPBank cho SMBC là thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, có giá trị 1,5 tỷ USD. Ngoài ra còn có thương vụ Eximbank, hay PGBank… Đây là những thương vụ tiến hành từ năm trước và ghi nhận trong năm nay. Thị trường đang kỳ vọng vào việc tái khởi động kế hoạch bán vốn của các ngân hàng quốc doanh nhưng diễn biến thông tin chưa rõ ràng. Trong ngành logistics, nổi bật với thương vụ Viconship thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ của Gemadept...

Theo ông Khánh, có thách thức cho các thương vụ M&A bị tác động bởi diễn biến chung của nền kinh tế (lãi suất cao, USD tăng giá khiến dòng vốn luân chuyển về thị trường Mỹ), xu hướng giảm điểm thị trường chứng khoán khiến mặt bằng định giá xuống vùng thấp hơn so với trước. Khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu cũng làm suy giảm dòng tiền ở nhiều “tay chơi” quen thuộc.

Dĩ nhiên, thị trường luôn có cơ hội. Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp sản xuất đầu ngành, có sức chống chọi tốt, nợ vay không lớn, có tín nhiệm cao với các tổ chức tín dụng hoàn toàn có đủ nguồn lực để thực hiện các thương vụ M&A nhằm mở rộng thị phần.

Năm 2024, hoạt động M&A dự báo sôi động hơn, biến số quan trọng là lãi suất. Nếu lãi suất cho vay tiếp tục giảm sẽ là điều kiện thuận lợi.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào ngày mai (28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách mời tham dự và cùng nhau thảo luận về các cơ hội M&A tại Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp, nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là khách tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 507455

Hải Minh - Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục