Mở ra những cánh cửa mới với nguồn vốn ngoại

(ĐTCK) Ba luật được sửa đổi gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cùng có hiệu lực từ 1/1/2021, được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng dòng vốn ngoại mới đổ vào Việt Nam.

Đồng bộ giải pháp

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Quốc hội, Chính phủ đã rốt ráo triển khai nhiều bước đi quyết liệt nhằm đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ, khả thi cho quyết tâm thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ở tầm Quốc hội, sau khi thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) vào cuối năm 2019, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua hai luật quan trọng có tác động lớn đến đời sống doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Một điểm đáng chú ý trong các nội dung mới của cả 3 luật này là sự phối hợp đồng bộ trong thực thi cả giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Tính đồng bộ này không chỉ thể hiện qua các nội dung của các luật, mà còn ở cả hệ thống văn bản hướng dẫn, đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Từ quy định của 3 luật, trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn luật.

Liên quan đến quy định của pháp luật chứng khoán, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn thiện, cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ quy định cho phép doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tự quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài (quy định hiện hành tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room đối với những công ty hoạt động trong các ngành, lĩnh vực không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần).

Tuy quy định này hiện còn có những ý kiến trái chiều do quan ngại pháp luật can thiệp vào quyền của doanh nghiệp, nhưng với mục tiêu làm cho quy định về nới room trở nên minh bạch và dễ áp dụng hơn với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nới room thay vì có bước đi thụt lùi trong nới room (điều chỉnh room xuống dưới 49%, rõ ràng ý tưởng của nhà quản lý là đáng ghi nhận.

Vấn đề còn lại là cách nào vừa khích lệ các doanh nghiệp nới room lên trên mức 49%, nhưng quy định của pháp luật không can thiệp sâu vào quyền quyết định của doanh nghiệp.

Để minh bạch hóa hoạt động nới room của doanh nghiệp, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính, UBCK đề xuất, công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành nghề kinh doanh và thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày UBCK xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng.

Các công ty đại chúng chưa thực hiện báo cáo UBCK về tỷ lệ sở hữu nước ngoài phải thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày nghị định này có hiệu lực.

Tổ chức kinh tế là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ khi đầu tư, giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) phải thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư trên TTCK như nhà đầu tư nước ngoài.

Tổ chức kinh tế phải thực hiện đăng ký mã số giao dịch chứng khoán thông qua thành viên lưu ký khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán, hoặc thông báo cho thành viên lưu ký trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đạt từ 51% vốn điều lệ trở lên...

Thêm một lối mở cho nhà đầu tư ngoại

Trong khi con đường nới room trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài đang chờ ý kiến góp ý đa chiều từ các thành viên thị trường và các chuyên gia để đảm bảo tính khả thi, thì Luật Doanh nghiệp lần đầu tiên đưa ra quy định mới về phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).

Đây là một hướng tiếp cận mới nhằm cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua TTCK.

Theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành NVDR được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. NVDR có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở.

Người sở hữu cổ phần cơ sở và NVDR đều không có quyền biểu quyết, trừ trường hợp thông qua nghị quyết có tác động bất lợi đến quyền và nghĩa vụ của người sở hữu cổ phần cơ sở.

Quyền biểu quyết của các cổ phần cơ sở được phân bổ cho các cổ đông khác tương ứng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông đó, nhưng đảm bảo quyền biểu quyết của các cổ đông nước ngoài không vượt quá giới hạn tỷ lệ sở hữu theo pháp luật có liên quan…

Để cụ thể hóa nội dung này, Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Quy định mới về NVDR được bổ sung vào Luật Doanh nghiệp là kết quả của quá trình Ban soạn thảo đã lắng nghe ý kiến từ thị trường, từ cộng đồng doanh nghiệp. Trên thực tế, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có nhiều năm nghiên cứu về NVDR trên cơ sở kinh nghiệm triển khai ở một số thị trường, trong đó có Thái Lan.

Đại diện HOSE cho biết, trên cơ sở quy định mới của Luật Doanh nghiệp, việc triển khai NVDR tại Việt Nam là khả thi. Qua đó, công cụ này vừa giải quyết được bài toán cải thiện khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua TTCK, vừa đáp ứng được yêu cầu kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư trong nước.

“Việc Luật Doanh nghiệp lần đầu tiên cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết ở Việt Nam là một điểm mới đáng mừng. Khi áp dụng cơ chế này sẽ góp phần cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho TTCK ngay cả trong bối cảnh cơ chế về nới room có được áp dụng hay không”, ông Nguyễn Văn Mạnh, chuyên gia chứng khoán đánh giá.

Vị chuyên gia này cho rằng, cái hay của NVDR là đáp ứng cả nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp.

Với nhà đầu tư nước ngoài, họ có cơ hội giao dịch NVDR dựa trên những cổ phiếu cơ sở đã hết room và không quan tâm đến tham gia các quyết định tại doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp giữ được quyền kiểm soát công ty, nhưng vẫn có cơ hội thu hút vốn ngoại.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, NVDR sẽ mở thêm kênh huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho doanh nghiệp. Đây là nỗ lực của nhà hoạch định chính sách để tạo thuận lợi cho người kinh doanh trong sử dụng hiệu quả hơn công ty với tư cách là một công cụ huy động vốn để sản xuất - kinh doanh.

Một điểm mới khác của Luật Doanh nghiệp đang được trông đợi sẽ tiếp sức cho sự phát triển của TTCK, qua đó thu hút nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư ngoại là quy định về mở rộng quyền của cổ đông phổ thông.

Theo đó, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông (bỏ điều kiện phải nắm giữ cổ phần liên tục trong thời hạn 6 tháng) có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường các thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp: vi phạm trách nhiệm người quản lý công ty; không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của hội đồng quản trị; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác…

Ngoài ra, cổ đông, nhóm cổ đông này còn có quyền xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin cần thiết theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài trước hoặc trong quá trình khởi kiện.

Thị trường chờ hướng dẫn sớm

Liên quan đến quy định của pháp luật chứng khoán, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán mà Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn thiện, cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ quy định cho phép doanh nghiệp trên sàn chứng khoán tự quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài (quy định hiện hành tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP trao quyền cho doanh nghiệp định đoạt việc nới room đối với những công ty hoạt động trong các ngành, lĩnh vực không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần).

Tuy quy định này hiện còn có những ý kiến trái chiều do quan ngại pháp luật can thiệp vào quyền của doanh nghiệp, nhưng với mục tiêu làm cho quy định về nới room trở nên minh bạch và dễ áp dụng hơn với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nới room thay vì có bước đi thụt lùi trong nới room (điều chỉnh room xuống dưới 49%, rõ ràng ý tưởng của nhà quản lý là đáng ghi nhận.

Vấn đề còn lại là cách nào vừa khích lệ các doanh nghiệp nới room lên trên mức 49%, nhưng quy định của pháp luật không can thiệp sâu vào quyền quyết định của doanh nghiệp.

Với những quy định mới như trên của cả 3 luật, nhà quản lý lẫn các thành viên thị trường đều kỳ vọng sẽ có làn sóng vốn FDI và FII đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Không chỉ vì quy định pháp lý thông thoáng, mà quan trọng hơn là môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang có những lợi thể nổi bật hậu Covid-19, đồng thời các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang được tập trung triển khai.

Đại diện UBCK nhìn nhận, khi cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được quy định minh bạch, thì ngoài ý nghĩa trực diện thu hút thêm dòng vốn ngoại còn góp phần giúp Việt Nam sớm thành công trong nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi, qua đó tạo thêm những điểm hấp dẫn mới cho TTCK trong hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Việc xác định room sẽ thuận lợi hơn

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài hiện được quy định rải rác ở nhiều văn bản như các hiệp định thương mại; các luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…, nên gây khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý trong xác định tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài do phải mất thời gian đối chiếu với nhiều văn bản.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đầu tư đã trao cho Chính phủ thẩm quyền công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Điều này vừa cho phép kịp thời điều chỉnh chính sách khi có các biến động về danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, vừa giúp cho việc công khai danh mục này chuyên nghiệp, minh bạch, tập trung một đầu mối.

Chính phủ đang xây dựng danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài để đảm bảo ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Đầu tư từ ngày 1/1/2021.

Với danh mục này, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận để xác định room, mà không phải mất thời gian đối chiếu với nhiều văn bản quy phạm pháp luật (việc đối chiếu nếu không có chuyên môn và kỹ thuật sâu thì không dễ thực hiện).

Liên quan đến xác định room tại các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán đã định rõ nguyên tắc.

Theo đó, với những nội dung đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành, thì các quy định về room sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Còn các quy định chung mà không được quy định trong pháp luật chuyên ngành, thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật đầu tư. Các nội dung chi tiết đang được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan phối hợp xây dựng, để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi.

Xây dựng chi tiết hướng dẫn về nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCK.
Một trong những hạn chế của Luật Chứng khoán hiện hành là chưa có quy định về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam mang tính đặc thù, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho triển khai các giải pháp để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Để khắc phục tình trạng trên, qua đó mở cửa TTCK cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện từng bước theo lộ trình, điểm mới của Luật Chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, là định ra nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia, hoạt động trên TTCK Việt Nam tuân thủ theo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư… theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Nội dung mới này được cụ thể hóa tại các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi đang được khẩn trương hoàn thiện, để đảm bảo được ban hành và có hiệu lực đồng bộ với thời điểm Luật mới có hiệu lực.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục