Giá nhà chung cư tăng 19 quý liên tiếp
Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, chỉ trong 4 năm gần đây, giá chung cư đã tăng tới 77%. Cụ thể, quý IV/2023, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư là 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý I/2019.
Còn theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong năm 2023, căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt là các khu vực trung tâm. Riêng tại TP.HCM, nhà chung cư tăng giá chủ yếu ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức với giá bán sơ cấp hơn 60 triệu đồng/m2.
Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà, giá căn hộ tăng nhanh thời gian qua là thị trường lệch pha về sản phẩm cao cấp, hạng sang; thiếu sản phẩm nhà ở thực, vừa túi tiền. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thẳng thắn nói, nhà ở cao cấp lẽ ra chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng trong nhiều năm qua đã áp đảo tới 70 - 80% nguồn cung thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng đầu cơ, găm giữ, đẩy giá bất động sản lên cao.
Đề cập vấn đề giảm giá nhà, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ,
dù điều này được Chính phủ khuyến khích và doanh nghiệp cũng rất muốn giảm giá nhà đề tăng thanh khoản, nhưng câu chuyện giảm giá nhà vẫn cần được cân nhắc cẩn trọng.
“Doanh nghiệp có thể áp dụng các chính sách khuyến mãi, kích cầu trong thời gian ngắn nhằm
hỗ trợ người mua, nhưng về dài hạn, với nhu cầu sở hữu nhà ở thực vô cùng lớn từ thị trường, thì doanh nghiệp cũng phải cân đối lại phương án tài chính có lãi để tồn tại”, ông Châu phân tích.
“Theo quy luật cung - cầu, do thiếu nguồn cung nhà ở trong lúc nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là nhu cầu nhà ở có giá vừa túi tiền, giá nhà tăng liên tục trong những năm qua với mức tăng giá trung bình khoảng 10% mỗi năm”, ông Châu chia sẻ.
Trước thực trạng bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá sản phẩm; có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả đối với việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, giảm giá nhà là bài toán không dễ tìm ra lời giải. Chính ông Châu cũng thừa nhận, có quá nhiều loại chi phí đè nặng lên doanh nghiệp; chi phí xây dựng, nguyên vật liệu, nhân công, chi phí tài chính, chi phí quản lý… đều tăng.
Kỳ vọng khởi sắc từ năm 2024
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa được thông qua sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, rút gọn thủ tục đất đai, tạo cơ hội tiếp cận đất một cách công bằng, minh bạch, góp phần gia tăng quỹ đất cho phát triển nhà giá bình dân, đưa phân khúc này về lại thị trường.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, 3 bộ luật này tạo khung pháp lý quan trọng với nhiều quy định tác động tốt đến thị trường, chủ đầu tư và khách hàng, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ tại Việt Nam.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, hành lang pháp lý rõ ràng, điểm nghẽn được khơi thông và lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm nhiều hơn sẽ tạo động lực thúc đẩy triển khai các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội mới. Một kỳ vọng nữa là khi chính sách hỗ trợ phân khúc nhà ở vừa túi tiền thẩm thấu sâu hơn, nguồn cung cũng sẽ dồi dào hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chủ đầu tư đã và đang thay đổi để thích nghi với thị trường, thông qua việc ra mắt hàng loạt dự án nhà ở vừa túi tiền vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Mới đây, Phú Đông Group chính thức ra mắt Dự án Phú Đông SkyOne (Bình Dương) với quy mô 780 căn hộ, có giá chỉ từ 1,3 tỷ đồng/căn. Công ty Bất động sản Phát Đạt sau nỗ lực tái cấu trúc cũng đang tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực của khách hàng để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất.
Thậm chí, một số doanh nghiệp ngoại cũng xem đây là phân khúc “sáng giá” khi quyết định rót vốn đầu tư ở Việt Nam. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư TTCapital cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia và Koterasu Group đã ra mắt liên doanh hợp tác chiến lược, đồng hành dài hạn trong việc phát triển các dự án bất động sản vừa túi tiền.
Hai doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD cho TTCapital trong vòng 5 năm tới, mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ vừa túi tiền. Dự án đầu tiên mà liên doanh đầu tư đặt tại tỉnh Bình Dương, với quy mô khoảng 2.000 căn hộ, giá dưới 35 triệu đồng/m2 (dưới 2 tỷ đồng/căn). Đại diện liên doanh chia sẻ, phải ưu tiên tìm quỹ đất tại các tỉnh lân cận TP.HCM mới đảm bảo được yếu tố về giá mềm và pháp lý dự án.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Group nhận định, giai đoạn 2024 - 2025, khi thị trường bước sang chu kỳ mới, bất động sản nhà ở sẽ là phân khúc hồi phục đầu tiên. Vì vậy, việc tập trung vào bất động sản nhà ở, đặc biệt là những dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, phân khúc chung cư trung cấp và bình dân là khả quan, phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, việc phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu, kéo giảm mặt bằng giá nhà ở của toàn thị trường. Nếu cả thị trường chung tay và các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường, thì loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển song song với nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có khái niệm chính thức về nhà ở vừa túi tiền. Để thực hiện được điều này, ông Đính cho rằng, cần đưa ra định nghĩa chính thức về nhà ở vừa túi tiền; đồng thời có các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua, hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành dự án hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối. Khi khoảng cách không còn là vấn đề, thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm ra ven đô là tất yếu.