Mô hình khu kinh tế được nhiều địa phương ưu tiên để tăng lợi thế cạnh tranh

Nhiều địa phương đang đề xuất bổ sung quy hoạch khu kinh tế, coi đó là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Mô hình khu kinh tế được nhiều địa phương ưu tiên để tăng lợi thế cạnh tranh

Ưu tiên đầu tư khu kinh tế

Mô hình khu kinh tế được nhiều địa phương ưu tiên lựa chọn để thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đại biểu Quốc hội khi đề cập tới công tác quản lý nhà nước về các khu kinh tế - một trong các nội dung được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV.

Thực tiễn phát triển các khu kinh tế đã được thành lập, như Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Đình Vũ - Cát Hải… đã chứng minh việc hình thành các khu kinh tế mở ra nhiều cơ hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển thông qua cơ chế ưu đãi đầu tư, hệ thống hạ tầng đồng bộ và có điều kiện để phát triển tập trung công nghiệp quy mô lớn.

Hiện nay, mô hình khu kinh tế vẫn tiếp tục được ưu tiên phát triển tại nhiều địa phương để tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Ví dụ, Tỉnh Quảng Ninh đã có 5 khu kinh tế được thành lập, trong đó có 3 khu kinh tế cửa khẩu và hai khu kinh tế ven biển. Hải Phòng đã thành lập khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và đề xuất thành lập thêm khu kinh tế ven biển thứ hai. Một số địa phương phía nam, như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre cũng đề xuất bổ sung quy hoạch khu kinh tế.

Hiện nay, phần lớn các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn đa số đều lựa chọn các khu công nghiệp, khu kinh tế là địa điểm đầu tư. Ví dụ Samsung, LG, Lego, Pandora, Formosa…

Phân cấp triệt để cho địa phương

Đã phân cấp thẩm quyền triệt để cho các địa phương quyết định định hướng và huy động nguồn lực phát triển các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo. Các nội dung này đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 35//2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Cụ thể, các địa phương có thẩm quyền chủ trì xây dựng và chỉ đạo thực hiện phương án phát triển khu kinh tế trên địa bàn; tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế…

Các địa phương có quyền quyết định sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu kinh tế.

Chính quyền địa phương cũng có quyền chỉ đạo thực hiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu chức năng trong khu kinh tế trong thời gian chưa thành lập ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư; Ban hành các chính sách ưu đãi và khuyến khích cụ thể phù hợp với quy định của pháp luật đối với việc ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ, lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi.

Các địa phương cũng có thẩm quyền ban hành điều kiện và tiêu chí đối với các doanh nghiệp nhà đầu tư được ưu tiên thuê đất, thuê lại đất theo quy định của pháp luật…

Kết quả đạt được là thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; góp phần tích cực và công tác bảo vệ môi trường và thực hiện định hướng tăng trưởng xanh…

Cần có Luật khu công nghiệp và khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nghiên cứu xây dựng Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế, đảm bảo thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa,hiện đại hóa trong tình hình mới; đồng thời đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh.

Cơ sở của đề xuất này chính là những hạn chế của phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến. Như, chất lượng hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế.

Theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những nguyên nhân chính là thể chế và pháp luật có liên quan đến khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ và chưa có đột phá để thích ứng với yêu cầu phát triển, tạo hướng đi mới cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tính pháp lý về quy định khung đối với khu công nghiệp, khu kinh tế chưa cao, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động khu công nghiệp, khu kinh tế tản mạn, chưa đủ mạnh, mới dừng lại ở cấp Nghị định. Trong khi đó, hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, được quy định ở cấp luật, như quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở, lao động…

Hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam nói chung và của khu công nghiệp, khu kinh tế nói riêng, còn chưa hiệu quả, chưa tạo sự khác biệt để định hướng dòng đầu tư.

Tại địa phương đã hình thành hệ thống ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tuy nhiên, quy định về vị trí chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa rõ, thiếu ổn định, thiếu nhất quán, chưa được phân cấp đầy đủ và chưa tạo được căn cứ pháp lý hoàn chỉnh để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa - tại chỗ của Chính phủ.

Vì vậy, trong thời gian tới, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế là cần thiết.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho địa phương, bảo đảm phát huy hiệu quả mô hình “một cửa, tại chỗ” trong quản lý đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tính đến nay, cả nước có 26 khu kinh tế cửa khẩu thuộc 21/25 tỉnh biên giới đất liền, với tổng diện tích khoảng gần 775,8 nghìn hecta; 18 khu kinh tế ven biển đã thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn hecta (chiếm 1,68% tổng diện tích cả nước) thuộc 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển.

Khu kinh tế chuyên biệt là loại hình khu kinh tế mới được bổ sung tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nên đến nay chưa có khu kinh tế chuyên biệt được thành lập.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục