Điều này đã tác động không nhỏ tới hoạt động của các PMU thuộc ngành giao thông - vận tải (GTVT). Tuy chưa đến mức chấn động, nhưng sự lúng túng trong hoạt động thì đã xuất hiện tại các sở quản lý chuyên ngành giao thông của các địa phương.
Trao đổi với phóng viên trong buổi làm việc vào ngày 8/5/2007, ông Phạm Quang Hải, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết, ông rất băn khoăn trước quyết định về việc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành không được làm chủ đầu tư các dự án triển khai trong lĩnh vực đó. Vấn đề nghe qua tưởng đơn giản, nhưng thực tế, nếu thực hiện đúng tinh thần của các văn bản chỉ đạo nêu trên, thì ách tắc có thể sẽ xảy ra.
Ông Hải cho rằng, theo phân cấp quản lý hiện nay, các tuyến tỉnh lộ do cơ quan sở GTVT địa phương quản lý (cơ quan thụ hưởng) và vì thế, đối chiếu với các quy định trên, các cấp chính quyền địa phương sẽ làm chủ đầu tư (UBND tỉnh làm cấp ra quyết định đầu tư, sở GTVT làm chủ đầu tư đối với các dự án xây dựng các tuyến tỉnh lộ; UBND huyện ra quyết định đầu tư và phòng GTVT làm chủ đầu tư đối với các dự án xây dựng các tuyến đường có cấp thấp hơn). Nghĩa là, các sở GTVT vừa là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về lĩnh vực GTVT, vừa là cơ quan thụ hưởng dự án. Có thể diễn đạt vấn đề này một cách đơn giản hơn, là ở các cơ quan cấp trên, dưới Bộ GTVT có Cục Đường bộ Việt Nam , nhưng dưới sở GTVT thì không có cơ quan nào có chức năng tương tự. Các khu đường bộ tại các khu vực đã thay mặt Cục Đường bộ Việt Nam quản lý hệ thống quốc lộ, nhưng phần đường còn lại (bao gồm hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông nông thôn) đều được giao cho sở GTVT quản lý khai thác, duy tu...
Trả lời câu hỏi: sự sai biệt trong các văn bản hướng dẫn đã được cơ quan sở phát hiện lâu chưa và cần có giải pháp gì để khắc phục, ông Hải cho biết, với vai trò của cấp sở, chức năng đã được quy định cụ thể và rằng, đã có những kiến nghị cụ thể lên cấp trên, nhưng không thể khoanh tay ngồi chờ, bởi trong thời điểm hiện nay, việc tăng cường hiệu quả đồng vốn đầu tư phải được coi là tối thượng.
Với sự phức tạp như trên, nhiều ý kiến cho rằng, có thể giải quyết bằng cách giao cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam (không phân biệt quốc lộ hay hương lộ) và họ hoàn toàn có thể tiến hành các dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới với tư cách là chủ đầu tư. Cơ quan Bộ GTVT và các cơ quan cấp dưới là các sở GTVT sẽ chỉ thực hiện vai trò cơ quan quản lý nhà nước đơn thuần mà thôi. Để thực hiện định hướng như vậy, cùng với việc tách các PMU cấp trung ương ra khỏi cơ quan Bộ GTVT, các ban quản lý dự án giao thông trực thuộc các sở cũng sẽ phải “tự biến đổi” thành các công ty tư vấn quản lý dự án. Tuy nhiên, đó chỉ là các ý kiến đề xuất, hiện nay, việc triển khai các dự án xây dựng đường bộ tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Bình, vẫn được triển khai... như cũ!
Như vậy, có thể hiểu rằng, sự đổi mới trong phân cấp mới chỉ dừng ở cấp trên, mà chưa được vận dụng cụ thể thông qua công tác quản lý dự án tại các địa phương. Hiện nay, Sở GTVT Quảng Bình đang triển khai 4 dự án theo cơ chế vận hành cũ và tất nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về sự đúng - sai trong trình tự thực hiện. Tuy vậy, dù đúng hay sai, yêu cầu phát triển kinh tế địa phương đối với các dự án trên là không thể chậm trễ, nên họ vẫn phải vừa làm vừa nghe ngóng, nếu sai thì rút kinh nghiệm, còn đúng thì sau này cứ thế mà làm!
Các văn bản quy định về một việc nào đó được các cơ quan khác nhau ban hành sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Chỉ có những người trực tiếp thực hiện mới thực sự là những người đau đầu khi cứ phải đánh vật với những quy định chồng chéo trong văn bản.