Mở hết van, tín dụng vẫn khó đạt

(ĐTCK) Để kích cầu tín dụng trong 40 ngày còn lại của năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở điều kiện cho phép các NHTM đẩy mạnh vốn ra thị trường, kể cả cho DN nó nợ xấu được vay mới, nếu xét thấy dự án sản xuất - kinh doanh khả thi. Thế nhưng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính - ngân hàng, là quá xa xời.
Đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng tại Eximbank mới đạt gần 8% so với chỉ tiêu cả năm 15% Đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng tại Eximbank mới đạt gần 8% so với chỉ tiêu cả năm 15%

Mở hết van, tín dụng vẫn khó đạt ảnh 1

Đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng tại Eximbank mới đạt gần 8% so với chỉ tiêu cả năm 15%

Cho phép vẫn không dám thực hiện

Nếu như trước đây, việc cho vay DN tại một ngân hàng để trả nợ cho chính ngân hàng đó hoặc trả nợ cho một ngân hàng khác được coi là hành vi đảo nợ và bị NHNN nghiêm cấm, thì nay với Công văn 7558 ban hành ngày 14/10/2013, NHNN lại cho phép các NHTM được cho DN có nợ xấu vay vốn, nếu xét thấy dự án sản xuất - kinh doanh khả thi. Vì thế, Công văn 7558 được xem là điều kiện theo hướng mở cho các NHTM đẩy vốn cho vay. Thế nhưng, qua trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết, hạ chuẩn cho vay trong điều kiện hiện nay là điều hết sức nguy hiểm.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo Ban điều hành kiên quyết không hạ chuẩn cho vay, cho dù tín dụng tăng trưởng ở mức thấp và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu đề ra. Bởi nếu cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao có thể để lại hậu quả nợ xấu trong tương lai.

Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đưa ra cho năm nay, 10 tháng đầu năm, toàn ngành ngân hàng chỉ mới thực hiện được xấp xỉ 8%. Chủ trương của NHNN là chỉ đạo các NHTM đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng yêu cầu chất lượng tín dụng vẫn được đặt lên hàng đầu để hạn chế tình trạng nợ xấu. Theo ông Dũng, đó là một vấn đề hết sức khó khăn cho các ngân hàng. Bởi nếu muốn tăng trưởng được tín dụng trong lúc này thì cần phải nới lỏng điều kiện cho vay, song nới lỏng tín dụng, khó tránh khỏi nguy cơ nợ xấu gia tăng.

“Đọc Công văn 7558, tôi lạnh cả xương sống, vì trước đây chỉ cần đảo nợ cũng đã là vấn đề nghiêm trọng, vì như thế sẽ làm cho nợ xấu gia tăng, nhưng nay NHNN đã mở hết cửa khi cho ngân hàng tăng tín dụng cho DN có nợ xấu được vay.

Thế nhưng, thực tế là chưa một ngân hàng nào dám cho doanh nghiệp có nợ xấu vay theo nội dung của công văn trên”, ông Dũng nói và cho rằng, ngân hàng không thể cho DN đang có nợ xấu đầm đìa vay vốn, cho dù có dự án kinh doanh khả thi. Vì nếu rót thêm vốn cho các DN đã có lịch sử “đen”, chưa chắc họ đã sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư sản xuất - kinh doanh hay là đi trả nợ cũ thì rất nguy hiểm cho các ngân hàng.

Cùng quan điểm với ông Dũng, một lãnh đạo cấp cao của BIDV phân tích, trao vốn cho những DN này chưa hẳn đã giúp ngân hàng tăng trưởng được tín dụng, tăng trưởng được lợi nhuận. Ngược lại, nợ xấu sẽ tăng nhanh, kéo theo dự phòng tăng, ăn mòn lợi nhuận.

Nghiêm trọng hơn, DN không những trả được nợ của khoản vay cũ, mà ngay cả khoản vay mới cũng “rơi” vào nhóm nợ nguy hiểm (nhóm 3 - 5). Khi đó, ngân hàng không những thiệt đơn, mà còn bị thiệt “kép” khi nợ xấu tăng.

Phó giám đốc NHNN TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn của DN trong mùa sản xuất - kinh doanh cuối năm nay, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố dự kiến đưa ra lượng vốn từ 40.000 - 45.000 tỷ đồng, với lãi suất không quá 9%/năm. Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận, để đạt được mục tiêu tín dụng là rất khó, vì sức mua và tồn kho vẫn là rào cản lớn đối với hoạt động cho vay.

 

Hết giải pháp kích cầu tín dụng?

Tại cuộc họp với nhóm G14 (14 NHTM) mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng yêu cầu các ngân hàng phải có giải pháp phát triển tín dụng trong những tháng cuối năm 2013. Vì đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ mới đạt gần 8%. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng G14 thừa nhận, dù đã áp dụng hết các giải pháp, nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng.

Các ngân hàng trong nhóm G14 đều cho rằng, để có thể kích cầu tín dụng, các ngân hàng đã từng bước cắt giảm lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ…, nhưng dư nợ vẫn không cải thiện được nhiều, do nhu cầu vốn DN không tăng.

Chẳng hạn, tại Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, đến cuối tháng 10/2013, dư nợ tín dụng mới chỉ đạt mức tăng trưởng gần 8% so với chỉ tiêu đưa ra năm nay là 15%. Theo ông Dũng, chỉ trong 40 ngày còn lại của năm 2013, sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như kế hoạch xây dựng, vì không có cách nào đẩy được dư nợ trước bối cảnh thị trường đang có khó khăn hiện nay.

“Nhiều người cho rằng, ngân hàng thừa vốn, trong khi doanh nghiệp không được vay. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, có thể thấy, tình trạng thừa tiền đang là áp lực lớn cho ngân hàng. Chi phí huy động vốn thực tế hiện nay là 7 - 8,5%/năm, trong khi cho vay ra chỉ 6 - 8%/năm.

Với tổng huy động vốn 81.000 tỷ đồng hiện nay, Eximbank đã phải chi ra khoảng 6.000 - 6.500 tỷ đồng tiền lãi cho người gửi tiền. Vì thế, nếu không cho vay ra, ngân hàng sẽ ‘chết’, nhưng nếu ồ ạt đẩy mạnh vốn cho vay, không kiểm soát được rủi ro thì càng nguy hiểm hơn. Trong khi, DN tốt có phương án kinh doanh lại không muốn vay, còn cho DN có nợ xấu vay thì ngân hàng không thể trao vốn”, ông Dũng nói thêm.

Cũng theo Chủ tịch HĐQT Eximbank, lãi suất cho vay ngày càng được các ngân hàng điều chỉnh giảm, có trường hợp DN trong lĩnh vực xuất khẩu được hưởng lãi suất chỉ 6 - 6,5%/năm, trong khi đó lãi suất huy động vẫn 7 - 8%/năm. Tuy vậy, Ngân hàng không thể giảm mạnh lãi suất huy động, vì để giữ thanh khoản, vẫn phải áp dụng mức lãi suất huy động theo mặt bằng chung.

Tổng giám đốc MeKong Bank, ông Tay Han Chong cho hay, tăng trưởng tín dụng cốt lõi của MeKongBank trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 13%, cao hơn so với toàn ngành.

Nhu cầu về vốn của DN mặc dù tăng chậm, nhưng vẫn có dấu hiệu tăng trong năm 2013, nhất là thời điểm cận Tết, khi nhu cầu về các khoản vay theo mùa của DN được dự báo sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, các DN cần nghiên cứu môi trường kinh doanh tổng thể trước khi quyết định đầu tư cho dài hạn.

“Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang dần được cải thiện, mặc dù mức lạm phát được tiết chế, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP còn chậm.

Nền kinh tế đang trên đà ổn định, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Ngân hàng, bất động sản, tàu biển và các công ty nhà nước vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.

Triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa có gì nổi bật. Nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng rất chậm, châu Âu có một vài dấu hiệu tươi sáng hơn, Trung Quốc dường như đang phục hồi tốt, còn châu Á nói chung không kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh như hồi 5 năm trước. Vì vậy, tôi hy vọng, DN sẽ có sự cải thiện dần dần, nhưng các DN thuộc các ngành khác nhau sẽ có mức độ hồi phục và cải thiện khác nhau”, ông Tay Han Chong nói.

Trên thực tế, các giải pháp kích cầu về tín dụng đã được đẩy mạnh thời gian qua, song do sức mua thị trường yếu đã ảnh hưởng đến đầu ra của DN khiến tín dụng khó tăng, nợ xấu lên cao… càng làm cho hoạt động tín dụng trở nên khó khăn hơn.            

>> Mục tiêu chính sách tiền tệ 2014: Khó!

>>MeKong Bank thay Chủ tịch HĐQT

>>MeKong Bank dự kiến đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận

>>Eximbank mua lại cổ phiếu để làm gì?

>>Chuyện gì đang xảy ra tại Eximbank?

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục