Mở đường cho làn sóng mới đầu tư từ Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Ấn Độ đầu tư sang Việt Nam không nhiều, song các thông tin gần đây cho thấy, có thể, một làn sóng đầu tư mới đang được khai mở.
Sản xuất tại Nhà máy Đường Sơn Hòa (Phú Yên). Ảnh: Dũng Minh Sản xuất tại Nhà máy Đường Sơn Hòa (Phú Yên). Ảnh: Dũng Minh

Khai mở làn sóng mới

Lại một lần nữa, những kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ sang Việt Nam đã được đặt ra. Đó là khi Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu chia sẻ về những kế hoạch đầu tư mới của các nhà đầu tư Ấn Độ.

Một là kế hoạch của tỷ phú Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani, người giàu thứ hai Ấn Độ và thứ 24 thế giới, với khối tài sản lên tới 71 tỷ USD. Chưa có bất cứ kế hoạch cụ thể nào được đưa ra, song vị tỷ phú này, trong cuộc tiếp xúc với Đại sứ Phạm Sanh Châu cách đây chưa lâu đã bày tỏ mong muốn đầu tư dài hạn và quy mô lớn ở Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, hải cảng và cảng hàng không.

“Nếu trở thành hiện thực, kế hoạch đầu tư của Adani sẽ mở đường cho làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ vào Việt Nam”, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói, đồng thời kỳ vọng rằng, đây có thể trở thành bước ngoặt rất lớn, giúp tăng cả chục lần mức đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, ngoài Tập đoàn Adani, rất nhiều nhà đầu tư khác cũng đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến là kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp dược phẩm, với quy mô ban đầu khoảng 500 triệu USD tại Việt Nam.

Liên quan dự án này, các nhà đầu tư Ấn Độ đã có các cuộc trao đổi với một số địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… để tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Theo chia sẻ của ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm SMS, nếu dự án này được xây dựng thành công, thì sẽ trở thành “đòn bẩy” để biến Việt Nam trở thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu Đông Nam Á.

Chưa có thông tin chi tiết về các kế hoạch đầu tư mới của doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, song nhiều khả năng, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sẽ có những thỏa thuận hợp tác được ký kết. Và điều này, dù có thể chưa đủ sức tạo thành làn sóng, nhưng cũng mang lại một “làn gió mới” trong hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ, vốn khá “khiêm tốn” trong thời gian qua.

Thực tế, đã có một thời, rất nhiều kỳ vọng cũng đã được đặt ra về một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Ấn Độ. Khi đó, Tập đoàn Tata có kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD vào một dự án thép ở miền Trung Việt Nam. Cũng Tata, nhưng là Tata Power, vào năm 2013 đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho đầu tư Dự án Nhiệt điện Long Phú 2, vốn đầu tư 2 tỷ USD, theo hình thức BOT. Cuối năm đó, Tata Power đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Công thương về việc triển khai dự án này. Sau đó không lâu, Tata Power lại bày tỏ mong muốn được đầu tư Dự án Nhiệt điện Long Phú 3, cũng như các dự án điện gió ở tỉnh Sóc Trăng.

Chỉ tiếc rằng, Tata sau đó đã rút khỏi dự án thép ở Việt Nam. Còn với các dự án điện, cho đến thời điểm này, không có bước tiến nào rõ rệt hơn.

Cũng vì những lý do đó, nếu “kiểm đếm” các dự án quy mô lớn của Ấn Độ tại Việt Nam thì chỉ có thể nhắc tới Dự án Nhà máy Đường Sơn Hòa, vốn đầu tư 94,5 triệu USD tại Phú Yên, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Infra 1 tại Ninh Thuận, 71,9 triệu USD, hay Dự án Tata Coffee tại Bình Dương, vốn đầu tư 67,5 triệu USD.

Mặc dù có 315 dự án đầu tư tại Việt Nam, nhưng do quy mô bình quân thấp, chỉ 2,9 triệu USD/dự án, thấp hơn cả quy mô dự án bình quân chung của cả nước (11,7 triệu USD), nên tổng vốn đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam mới đạt trên 991 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, 11 tháng năm nay, vốn đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam chỉ là 16,78 triệu USD.

Tìm cách “bắt tay” với đối thủ

Một điểm thú vị trong mối quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Ấn Độ là cả hai vừa là đối tác, nhưng cũng cạnh tranh quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư quốc tế.

Ngoài Tập đoàn Adani, rất nhiều nhà đầu tư khác của Ấn Độ cũng đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến là kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp dược phẩm, với quy mô ban đầu khoảng 500 triệu USD tại Việt Nam.

Những năm gần đây, Ấn Độ nổi lên là một địa điểm đầu tư hấp dẫn ở khu vực châu Á, với nhiều chính sách rất “hời”. Chẳng hạn, hồi giữa năm ngoái, Ấn Độ công bố sẽ dành khoảng 5,5 tỷ USD để hỗ trợ 5 công ty sản xuất điện thoại di động có vốn đầu tư lũy kế trong 4 năm, tính từ tháng 4/2020 trên 133 triệu USD và có doanh thu tăng trưởng nhất định qua từng năm. Khoản hỗ trợ này sẽ được chi trả bằng tiền mặt, cho các dòng sản phẩm cao cấp, có giá trị trên 200 USD/chiếc.

Khi đó, hàng loạt nhà đầu tư lớn, bao gồm cả Samsung, Apple và các đối tác sản xuất như Foxconn, Wistron, Pegatron... đều đã “đâm đơn” để có thể nhận được hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ trong việc sản xuất điện thoại di động. Và đó là lý do đã có những câu hỏi được đặt ra là, liệu Samsung có dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang Ấn Độ hay không?

Dù câu trả lời từ phía Samsung là “không có chuyện đó”, nhưng rõ ràng, Việt Nam cũng vẫn phải dè chừng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt như hiện nay.

Chính phủ Ấn Độ, với chương trình “Make in India”, cũng đã công bố rất nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút đầu tư và đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới. Các chính sách này đã mang lại hiệu ứng tích cực, khi đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất của Ấn Độ không ngừng tăng cao.

Bất chấp đại dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ đã tăng 27%, từ mức 51 tỷ USD vào năm 2019 lên 64 tỷ USD trong năm 2020. Với quy mô vốn lớn như vậy, Ấn Độ đã trở thành nước tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 thế giới.

Quy mô thị trường lớn, chính sách hấp dẫn là lý do Ấn Độ hút được dòng vốn lớn. Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ, theo đó, cũng có cơ hội tăng lên. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Việt Nam mới có 9 dự án đầu tư sang Ấn Độ, với tổng vốn đăng ký 6,03 triệu USD. Các dự án đầu tư sang Ấn Độ của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, nên khó có cơ hội chen chân vào chiến lược “Make in India”.

Nhưng “nhìn” Ấn Độ, Việt Nam cũng sẽ biết thêm cách để “chơi” với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi Việt Nam cũng đang thực thi chiến lược “Make in Vietnam”.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục