Trao đổi với ĐTCK-online xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai cho biết, Bộ BCVT đang gấp rút soạn thảo Nghị định về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực BCVT, để trong tháng 8 và 9 xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan, sau đó hiệu chỉnh lại và dự kiến trong tháng 10 hoặc tháng 11 trình xin ý kiến Chính phủ. Ông Lai cũng cho biết, Dự thảo Nghị định bao gồm hai nội dung chính, là làm rõ thêm các điều kiện của nhà ĐTNN khi đầu tư vào lĩnh vực BCVT và một số quy định đặc thù trong đầu tư đối với lĩnh vực này. Các điều kiện đối với nhà ĐTNN khi đầu tư vào lĩnh vực BCVT có thể là quy mô vốn, vùng lãnh thổ..., nhưng phải chiếu theo cam kết WTO, các điều kiện thực tế và các văn bản có liên quan. Còn những quy định đặc thù được đưa ra trong Dự thảo Nghị định là nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực BCVT.
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ BCVT, dự báo, trong thời gian tới, hai dịch vụ được các nhà ĐTNN “hào hứng” tham gia có thể sẽ là dịch vụ di động và thuê kênh.
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đối với dịch vụ di động và thuê kênh, những dịch vụ không có hạ tầng mạng, ngay sau khi gia nhập thị trường, doanh nghiệp nước ngoài được phép liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Phần vốn góp nước ngoài trong liên doanh không vượt quá 51%. Sau 3 năm gia nhập, cho phép doanh nghiệp nước ngoài liên doanh và tự do chọn đối tác, phần vốn góp nước ngoài không vượt quá 65%. Còn với các dịch vụ có hạ tầng mạng, ngay sau khi gia nhập, doanh nghiệp nước ngoài được thành lập liên doanh nhưng phần vốn góp không được vượt quá 49%.
Bên cạnh đó, Bộ BCVT cũng đang soạn thảo Nghị định về dịch vụ chuyển phát. Đối với lĩnh vực này, kể từ năm 2012, doanh nghiệp có vốn góp nước ngoài trên 51%, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi nhánh của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, riêng dịch vụ chuyển phát dành riêng, bao gồm vật gửi có trọng lượng dưới 2 kg và giá cước thấp hơn 10 lần cước một bức thư tiêu chuẩn gửi trong nước ở nấc khối lượng đầu tiên và thấp hơn 9 USD gửi đi quốc tế, phía nước ngoài sẽ không được phép tham gia. Còn hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài được phép liên doanh với doanh nghiệp bưu chính trong nước với tỷ lệ vốn góp không quá 51%.
Ngoài việc soạn thảo hai nghị định trên để điều chỉnh hoạt động BCVT tại Việt Nam phù hợp với thực tiễn và theo lộ trình cam kết WTO, Bộ BCVT sẽ tiếp tục soạn thảo một số văn bản như Luật Viễn thông, Luật Tần số, Luật Bưu chính - Chuyển phát. Hiện tại, Bộ đang phát phiếu điều tra nhằm triển khai lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát để xây dựng Luật Bưu chính -Chuyển phát.