Mở cửa du lịch, cần quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hơn

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã mở cửa toàn bộ du lịch từ ngày 15/3. Các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần đầu tư chuyên nghiệp, có thông điệp mới cho công tác quảng bá, xúc tiến.
Để mở cửa du lịch quốc tế, các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục càng đơn giản càng tốt Để mở cửa du lịch quốc tế, các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục càng đơn giản càng tốt

Thủ tục nhập cảnh càng đơn giản càng tốt

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, sau hơn 2 năm gồng mình ứng phó với Covid-19, rất nhiều nước đã và đang triển khai mạnh mẽ chính sách nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa đi lại và thúc đẩy du lịch quốc tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Hiện nay có khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh, miễn xét nghiệm RT-PCR, miễn cách ly đối với khách quốc tế để kích cầu du lịch.

Tại Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam quyết định mở cửa toàn bộ du lịch từ 15/3 không phải là một "sự chạy đua", mà là lộ trình rất thận trọng, được đưa ra trên cơ sở nền tảng vững chắc và những kết quả quan trọng trong quá trình ứng phó với Covid-19. “Việt Nam mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch có nghĩa là chúng ta chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3, như trước khi có dịch Covid-19”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệp mở cửa du lịch quốc tế của Australia, đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho hay, quốc gia này có chính sách nhập cảnh rất thận trọng. Tuy nhiên, từ năm 2021, Australia đã có chính sách sống chung với Covid và mở cửa theo lộ trình. Tháng 4/2021, “xứ sở chuột túi” mở cửa đối với du khách New Zealand, từ tháng 11/2021 mở cửa với Singapore và từ tháng 12/2021 với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt trên 95%, từ ngày 21/2, Australia mở cửa hoàn toàn với tất cả các quốc gia. Hiện mọi du khách quốc tế đến Australia không phải cách ly, không cần đeo khẩu trang, thủ tục đơn giản với 2 loại giấy tờ gồm: giấy chứng nhận tiêm vắc-xin và giấy chứng nhận có kết quả âm tính với Covid. Nếu là test nhanh thì có hiệu lực trong 24 giờ, với PCR hiệu lực trong 72 giờ.

Đặc biệt, để hấp dẫn du khách quốc tế, Australia đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, từ năm 2021 đến hết tháng 1/2022, Australia đã chi khoảng 40 triệu USD quảng bá du lịch ở nhiều nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ sự thành công của Australia, đại sứ Nguyễn Tất Thành kiến nghị thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam càng đơn giản càng tốt, bởi đây là lý do vì sao Australia thu hút được đông đảo du khách trong thời gian ngắn. Australia cũng là một trong 5 thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất, với trung bình từ 500.000 đến 600.000 du khách/năm.

Mở cửa toàn diện, nhất quán, ổn định

Trong khi đó, chia sẻ tiềm năng và gợi ý phương cách cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thu hút du khách Ấn Độ, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu bật mí, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở Ấn Độ đều có quỹ thưởng cuối năm cho nhân viên hoặc dùng quỹ này tổ chức cho nhân viên đi du lịch với khoản chi phí từ 10 đến 50 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, tại Ấn Độ có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour du lịch kết hợp tổ chức đám cưới, với khoảng 1.000 đám cưới mỗi năm. Do đó, các công ty du lịch có thể tiếp cận, làm việc với các tập đoàn lớn của Ấn Độ hoặc các doanh nghiệp chuyên tổ chức tour đám cưới để đưa du khách đến Việt Nam.

Chính phủ cần sớm ban hành văn bản quy định đầy đủ, chi tiết về mở cửa du lịch và mở cửa toàn diện, nhất quán, ổn định. Cùng với đó, đầu tư vào quỹ marketing truyền thông điểm đến, nâng cao thương hiệu quốc gia.

Mặt khác, người Ấn Độ thường đi du lịch theo nhóm lớn vài chục người, cả đại gia đình 3 thế hệ, họ có tâm lý thích mặc cả, do đó, các doanh nghiệp nên có ưu đãi cho họ. “Thời gian qua, nhu cầu du lịch của người Ấn như chiếc lò xo bị nén lại, hiện Ấn Độ đã mở cửa, du khách không còn bị hạn chế, do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới đây”, đại sứ Phạm Sanh Châu nói.

Chia sẻ về nỗ lực thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines cho hay, với vai trò là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines xác định đầu tư kể cả khi khách chưa khôi phục trở lại.

“Để phục hồi du lịch với các đường bay dài phải mất 3-6 tháng, với đường ngắn cần 1-3 tháng. Tuy nhiên, Vietnam Airlines hiện đã khôi phục lại 60% mạng đường bay quốc tế, với 80% chuyến bay so với năm 2019. Chúng tôi cam kết triển khai ổn định các chuyến bay quốc tế và sẽ mở thêm các đường bay mới từ Singapore đến Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang. Dự kiến, ngày 15/4, Vietnam Airlines sẽ tổ chức Hội thảo tại Singapore để công bố tới đối tác và khách hàng đường bay mới này”, bà Nguyệt thông tin.

Cũng theo bà Nguyệt, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản quy định đầy đủ, chi tiết về mở cửa du lịch và mở cửa toàn diện, nhất quán, ổn định. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu, xem xét các biện pháp nới lỏng chính sách về visa hơn, như tăng số lượng thị trường được miễn thị thực đơn phương, được làm visa online; tăng thời gian hiệu lực của visa, cho phép gia hạn visa ngay trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh.

Cùng với đó, Chính phủ đầu tư vào quỹ marketing truyền thông điểm đến, nâng cao thương hiệu quốc gia. Đồng thời, ở các thị trường lớn cần có văn phòng xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Trước mắt, ít nhất mỗi châu lục cần có một văn phòng này.

Hồng Hạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục