Mở cánh cửa phát triển Phú Yên

Nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên đặt mục tiêu mở toang “tứ diện” để mở rộng giao thương. Để làm được điều này, Phú Yên rất cần nguồn lực đầu tư, trong đó, có những nhà đầu tư tâm huyết, xứng tầm để chung tay đưa mục tiêu đó thành hiện thực.
Ông Hoàng Trung Hải thăm công trường dự án Hầm Đèo Cả khi giữ cương vị Phó thủ tướng Chính phủ Ông Hoàng Trung Hải thăm công trường dự án Hầm Đèo Cả khi giữ cương vị Phó thủ tướng Chính phủ

Từ cái tâm của người con quê hương

Đến nay, Phú Yên đã không còn bị chia cắt bởi những ngọn đèo, mà còn tự hào là địa phương sở hữu hai hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam. Niềm tự hào đó gắn liền với cái “tâm” và “tầm” của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, mà người dẫn đường không ai khác là doanh nhân Hồ Minh Hoàng, một người con của đất Phú Yên.

Thoáng đó đã gần 10 năm kể từ ngày ý tưởng xuyên núi mở hầm, chinh phục ngọn đèo Cả hiểm trở manh nha trong tâm trí người thanh niên đất Phú Yên. Lớn lên trên vùng đất nghèo khó, bị chia cắt bởi những con đèo, người con đất Phú Yên này mong muốn một ngày nào đó sẽ mở toang cửa, đưa tỉnh nhà giao lưu với bốn phương.

Mười năm không phải quá dài cho một đời người, nhưng lại không phải là ngắn cho việc biến giấc mơ của bao con người Phú Yên thành hiện thực.

Người thanh niên ấy không ai khác là ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, người được mệnh danh là “vua hầm” của Việt Nam. Danh xưng “vua hầm” ấy không ngẫu nhiên tự có, mà gắn liền với những công trình do ông và cộng sự đã thi công, từ hầm Cổ Mã đến hầm Hải Vân II.

Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiếp xúc với ông. Khi ấy, hầm Đèo Cả hiện đại bây giờ mới chỉ là tập đề án và những phép tính trên giấy. Lúc ấy, ông Hoàng đau đáu một niềm tin, một khát vọng thay đổi quê hương mình.
Ông chỉ nghĩ đơn giản là đời con cháu mình sẽ không còn trở ngại khi muốn bước chân ra khỏi đất Phú Yên, phải đi qua những con đèo. Ông chỉ ước mơ rằng, mỗi người dân Phú Yên sẽ tận hưởng một cuộc sống ấm no hơn khi kinh tế địa phương phát triển. Ông đặt niềm tin rằng, chỉ cần không bị địa hình cô lập, tất yếu, Phú Yên sẽ phát triển mạnh.   
Tương lai của Phú Yên phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm huyết để chắp cánh cho xứ hoa vàng - cỏ xanh vươn xa.
Có lần ông từng nói, muốn kinh tế phát triển, điều đầu tiên là phải có những con đường, muốn quê hương phát triển, cái cần nhất là hạ tầng đồng bộ, giao thương tốt.

“Phú Yên quê mình đẹp lắm, nhưng để biến cái đẹp đó thành kinh tế thì quan trọng nhất là làm sao để người nơi khác đến ngắm, người nước ngoài đến thưởng thức.

Muốn người ta đến với mình, thì phải mở đường cho người ta đi. Đường bộ thì qua núi, qua đèo, hàng không thì chưa có chuyến bay, làm sao du khách đến với tỉnh mình được, làm sao du lịch phát triển được”, ông Hoàng trăn trở.

Khát vọng là động lực, niềm tin là sức mạnh, những yếu tố đó giúp ông Hoàng tự tin với con đường mà mình đã chọn. Ông tin rằng, mọi việc xuất phát từ cái tâm thì mọi người sẽ ủng hộ, mà khi mọi người ủng hộ thì không có việc gì không thể làm được. Chính điều đó khiến ông đưa ra ý tưởng “chinh phục đèo” mà trước kia nhiều người cho rằng là điều bất khả thi.

Ý tưởng vượt tầm ấy nay đã thành hiện thực và hạnh phúc nhất chính là ông đã biến ước mơ của 10 năm trước thành hiện thực, đem lại cơ hội phát triển cho vùng đất Phú Yên, đem lại sự cải thiện về kinh tế - xã hội cho người dân quê hương.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt chia sẻ, chính quyền và người dân tỉnh Phú Yên rất hiểu muốn phát triển, muốn tạo lợi thế cạnh tranh trong kêu gọi đầu tư thì mình phải kiện toàn hệ thống hạ tầng; hạ tầng tốt, doanh nghiệp đầu tư mới hiệu quả. Nhưng điều kiện nội lực địa phương còn nhiều khó khăn, khát vọng có thừa, nhưng lực bất tòng tâm.

“Phú Yên rất cần những người con quê hương như anh Hoàng và hy vọng trong tương lai sẽ còn nhiều người như thế. Từ cái tâm muốn góp sức, chia sẻ với quê hương đến những hành động hiện hữu, tôi tin rằng, Phú Yên sẽ vươn mình nhanh chóng nếu được sự ủng hộ từ cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Việt nói.

Vươn tầm thành nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất Việt Nam

Tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả vừa diễn ra, ông Hoàng cho biết, từ Dự án hầm Đèo Cả đến Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tổng vốn đầu tư các dự án hạ tầng của Công ty hiện nay lến đến gần 50.000 tỷ đồng.

“Sự tín nhiệm của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cùng các bộ, ngành liên quan đã giao chúng ta tham gia nhiều dự án hạ tầng quan trọng, điều đó khẳng định chúng ta đang đi đúng hướng, chất lượng công trình của chúng ta được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Chúng ta vinh dự với điều đó, nhưng cũng là thách thức. Thách thức ở đây chính là làm thế nào để xứng đáng với niềm tin đã được trao, xứng đáng với vóc dáng của một trong những nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất nước hiện nay”, ông Hoàng phát biểu.

Ông Hoàng cũng cho biết: “Điều tâm đắc nhất của tôi chính là sự tôi luyện trên từng dự án đã cho ra đời một thế hệ kỹ sư tài năng trong lĩnh vực cầu đường. Hạnh phúc nhất mà tôi cảm nhận được chính một thế hệ nhà thầu Việt Nam đã hình thành và lớn mạnh, có thể đảm nhận được những công trình lớn mà trước đây, chúng ta phải thuê nước ngoài”.

Điều mà vị Chủ tịch của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả suy nghĩ cũng chính là nhìn nhận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cách đây 3 năm, thời ông còn là Phó thủ tướng.

Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, sự khác biệt lớn nhất của Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả chính là sản phẩm của người Việt, do người Việt làm ra, từ trí tuệ, công sức, máy móc thiết bị là của người Việt.

Ông Hải khẳng định, khi Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả hoàn thành, sẽ hình thành một thế hệ nhà thầu trong nước có thể đảm nhận nhiều dự án hạ tầng lớn hơn, chất lượng không thua kém các nhà thầu quốc tế.

Góc phố Trần Hưng Đạo, TP. Tuy Hòa, Phú Yên sừng sững một tòa nhà 9 tầng, là trụ sở của Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch - công ty mà ông Hồ Minh Hoàng cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, doanh nghiệp đã góp vốn cùng các đối tác thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả.

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp địa phương, dưới sự lãnh đạo của ông Hoàng, trải qua sự tôi luyện trên từng km đường hầm, từng cây số các tuyến đường, đến nay, Hải Thạch đã vươn mình ra biển lớn, trở thành một nhà thầu tầm cỡ trong lĩnh vực cầu đường và hầm.

Hình ảnh người công nhân mang trên mình chiếc áo với dòng chữ “Hải Thạch” hoặc “Cầu đường Sài Gòn” ngày đêm miệt mài trên công trường hầm đường bộ qua Đèo Cù Mông sắp được thông kỹ thuật vào đầu tháng 2 tới, hoặc nơi hầm Hải Vân 2 đang tiến từng mét khoan hoặc nơi công trường đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn… không còn quá xa lạ đối với nhiều người đến thăm dự án. Hình ảnh đó thay cho lời khẳng định rằng, một thế hệ nhà thầu nội đã hiện hữu trên khắp đất nước. Hình ảnh đó cũng khẳng định rằng, đất Phú Yên không phải thiếu nhân tài.

Từ hình ảnh ông Hoàng, hình ảnh của Công ty Hải Thạch, hay hình ảnh của Công ty Đèo Cả, đã truyền tải một thông điệp về nội lực của tỉnh Phú Yên. Doanh nghiệp là tài sản quý của địa phương, doanh nghiệp có thể quy mô còn nhỏ, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp phải có cái tâm lớn, khát vọng phải cao, dám nghĩ dám làm.

Và khi tâm lớn thì con đường đến cái “tầm” vĩ đại không xa. Phú Yên vẫn còn đó nhiều cánh cửa để đợi người mở, trong đó có cảng Bãi Gốc, cảng Vũng Rô, các tuyến quốc lộ liên kết Tây Nguyên… Tương lai của Phú Yên phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đương thời để chắp cánh cho xứ hoa vàng - cỏ xanh vươn xa…

Hoàng Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục