Bên cạnh đó, công ty còn giới thiệu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong nhà máy thông minh cho phép học hỏi nhằm tối ưu hoá hiệu năng của quy trình sản xuất, kết hợp robot giúp sản xuất tự động, giúp giảm thiểu tối đa lỗi trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hệ thống robot với trí tuệ nhân tạo của Mitsubishi Electric hiện bao gồm các robot cảm biến lực và cảm biến hình ảnh.
Robot trang bị cảm biến lực cho phép hiện thực hoá các quy trình sản xuất phức tạp, đồng thời liên tục thu thập lại kết quả để đo lường và cải tiến dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, robot còn trang bị cảm biến hình ảnh với camera quan sát giúp tiết kiệm thời gian lắp đặt robot vào dây chuyển sản xuất lớn, đem lại sự chính xác cao và giảm thời gian cấu hình đến 16 lần.
Đặc biệt, khi robot kết nối với dữ liệu đám mây, robot cho phép sản xuất sản phẩm tuỳ biến theo nhu cầu cá nhân trong thời gian thực.
Với hệ thống mạng lưới internet tích hợp trong e-F@ctory cùng trung tâm máy tính có nhiệm vụ phân tích và phản hồi, các nhà sản xuất có thể điều khiển, kiểm soát nhà máy từ xa thông qua chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay.
Quan trọng hơn hết, robot còn đảm bảo tính an toàn cho con người và cơ sở sản xuất. Cụ thể, robot có thể nhận biết sự xuất hiện của con người để tạm dừng hoạt động cho đến khi con người ra đến khu vực an toàn.
Khái niệm e-F@ctory đã được Mitsubishi Electric giới thiệu từ năm 2003 và triển khai cộng tác với hơn 610 đối tác trên toàn thế giới cũng như áp dụng cho hơn 7.700 dây chuyền sản xuất. Phòng thí nghiệm và thực hành e-F@ctory cũng được Mitsubishi Electric Việt Nam đặt tại Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, thuộc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM.