Với các thông tin khá tích cực, nhất là các chỉ đạo quyết liệt về nâng hạng thị trường, ông có dự báo gì về diễn biến chính của TTCK năm 2025?
Năm 2024, TTCK Việt Nam chủ yếu dao động trong khoảng biên độ 1.200 - 1.300 điểm. Sự dao động trong biên độ nhỏ này phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước những biến động kinh tế, chính trị đang rất khó lường trên toàn cầu.
Nhìn nhận trên góc độ phân tích kỹ thuật, chúng ta có thể thấy đây là dấu hiệu thị trường tích lũy suốt cả năm nay. Và chắc chắn rằng, sẽ không có thị trường nào tích lũy đi ngang mãi. Đằng sau sự tích lũy lâu dài trong năm 2024, TTCK Việt Nam có thể chuẩn bị cho một xu hướng mới mạnh mẽ trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tôi cho rằng, ngắn hạn việc tích lũy quá lâu như vậy có thể gây ra một số điều chỉnh, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ, đặc biệt là các chiến lược về nâng hạng thị trường, sẽ hỗ trợ dòng tiền mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đầu tư từ các quỹ quốc tế và nhà đầu tư tổ chức.
Từ góc nhìn cá nhân, tôi duy trì quan điểm tích cực về xu hướng trung và dài hạn của TTCK Việt Nam. Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng hạng thị trường sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi là những động lực chính cho sự phát triển bền vững của thị trường. Tuy nhiên, có thể TTCK Việt Nam sẽ cần phải trải qua một đợt điều chỉnh để hấp thụ dòng tiền và ổn định tâm lý trước khi VN-Index bước vào xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2025 trở đi.
|
Ông Đỗ Hồng Anh |
Năm 2025 có phải là một năm sôi động của thị trường niêm yết mới – nơi các doanh nghiệp nỗ lực lên sàn để tìm kiếm cơ hội huy động vốn?
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm sôi động cho thị trường niêm yết mới. Trước hết, từ góc độ cung cầu, TTCK Việt Nam đang rất cần những "món ăn" mới để đa dạng hóa và làm phong phú danh mục đầu tư.
Đồng thời, trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng dòng vốn từ thị trường chứng khoán để thúc đẩy phát triển và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Thêm vào đó, sự quan tâm ngày càng lớn của Chính phủ đối với việc phát triển thị trường chứng khoán cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn. Với các chính sách hỗ trợ và cam kết cải thiện môi trường đầu tư, không có lý do gì để các doanh nghiệp không tìm kiếm cơ hội niêm yết, mở ra những tiềm năng tăng trưởng và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh.
Với nhóm niêm yết mới, cơ hội thu hút dòng vốn ngoại có khả thi?
Chắc chắn, các doanh nghiệp niêm yết mới có khả năng thu hút dòng vốn ngoại cao, đặc biệt khi họ sở hữu tiềm năng tăng trưởng vững mạnh.
Một doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt và triển vọng phát triển rõ ràng sẽ luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước chứ không chỉ là dòng vốn ngoại.
Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải thoả mãn những điểm gì?
Về các yếu tố cần thỏa mãn để thu hút dòng vốn ngoại, tôi cho rằng mỗi tổ chức sẽ có khẩu vị đầu tư riêng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào thể hiện sự sẵn sàng tiếp nhận dòng vốn ngoại sẽ được ưu tiên hơn là điều chắc chắn.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp làm tốt việc công bố báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế như IFRS, cung cấp thông tin song ngữ, cùng với việc thiết lập hệ thống quản trị minh bạch và mô hình kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có uy tín và sức hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Vậy còn cơ hội niêm yết trên thị trường quốc tế?
Chắc chắn, niêm yết trên thị trường quốc tế là một đích đến tuyệt vời cho các doanh nghiệp có định hướng phát triển toàn cầu. Điều này không chỉ giúp họ mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn mà còn nâng cao uy tín thương hiệu trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để thực hiện việc này, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kiểm toán và quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ có hệ thống quản lý minh bạch, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, và thực hiện các cam kết về phát triển bền vững.
Là một nhà đầu tư, tôi hy vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể niêm yết thành công trên các sàn giao dịch quốc tế như NASDAQ hay các thị trường lớn khác, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Với các doanh nghiệp niêm yết mới, nếu gọi tên 3 điểm nhất thiết phải quán triệt và làm tốt, đó là gì?
Thứ nhất, sự minh bạch là yếu tố then chốt mà các doanh nghiệp cần quán triệt. Minh bạch trong việc điều hành và quản trị doanh nghiệp, minh bạch trong công tác công bố thông tin… là yếu tố then chốt giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá chính xác giá trị doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải cung cấp các báo cáo quản trị, tài chính đầy đủ và kịp thời, đồng thời nên cập nhật thông tin về hoạt động và chiến lược kinh doanh của mình thường xuyên để nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình tài chính và triển vọng phát triển của doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp cần cho thấy sự chuyên nghiệp và cầu thị trong việc cung cấp thông tin cũng như tiếp nhận thông tin. Doanh nghiệp nên cung cấp báo cáo tài chính song ngữ để không chỉ phục vụ nhà đầu tư trong nước mà còn thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Dữ liệu doanh nghiệp cần phải rõ ràng, dễ hiểu.
Việc thường xuyên tổ chức các cuộc gọi hoặc hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến để giải thích về kết quả kinh doanh và định hướng phát triển cũng sẽ giúp xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư với doanh nghiệp.
Thứ ba, doanh nghiệp niêm yết nên xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing mạnh mẽ cho cổ phiếu là cần thiết để tạo sức hút đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp cần xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ không chỉ qua sản phẩm và dịch vụ mà còn thông qua cách thức giao tiếp với thị trường.
Một chiến lược marketing bài bản cho cổ phiếu sẽ giúp nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về giá trị và tiềm năng của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc tham gia tích cực vào các sự kiện thị trường, hội thảo đầu tư và truyền thông xã hội cũng sẽ giúp tăng cường sự hiện diện và uy tín của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư.