Theo báo cáo cập nhật mới đây của Mirae Asset Việt Nam, ngành dệt may ghi nhận sự phân hóa rõ rệt trong 4 tháng đầu năm. Mảng may mặc thể hiện sức bật mạnh mẽ với giá trị xuất khẩu tăng 12,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt trong tháng 4, khi Chính phủ Mỹ công bố các mức thuế mới với đối tác thương mại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 17,7%, cao hơn mức bình quân từ đầu năm.
Trong khi đó, mảng sợi lại gặp nhiều khó khăn, khi xuất khẩu giảm 1,2% so với cùng kỳ, chủ yếu do thị trường Trung Quốc suy yếu. Xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 45,3% tổng kim ngạch sợi, giảm 7,3%, trong khi xuất sang Hàn Quốc giảm 18,7%. Tuy vậy, nhu cầu trong nước đang tăng lên, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành dệt tăng 10,5% và lao động ngành này tăng 6,9%, giúp phần nào bù đắp cho sự suy giảm bên ngoài.
|
Trong thời gian tới, kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến triển vọng của ngành dệt may. Mặc dù cuộc gặp đầu tiên diễn ra tích cực, nhưng Mirae Asset cho rằng, mức thuế cơ sở 10% khó có thể thương lượng được. Việt Nam thực sự có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, khó có thể trung hòa trong thời gian ngắn.
Bất kể mức thuế dự kiến của Hoa Kỳ có thể ở mức cao hơn nhiều so với 10%, song theo đánh giá của nhóm phân tích, lợi thế so với các đối thủ vẫn là yếu tố then chốt hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam tại thị trường này.
Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Hoa Kỳ hiện đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài, khi cả hai bên liên tục áp đặt mức thuế cao lên hàng hóa của nhau. Ngay cả khi hai bên đã đạt được thỏa thuận tạm dừng áp thuế trong 90 ngày với cam kết cắt giảm đáng kể từ cả hai phía, nhưng theo đánh giá của Mirae Asset, khả năng hàng dệt may Trung Quốc lấy lại thị phần tại thị trường Mỹ là rất thấp. Xu hướng suy giảm thị phần được dự báo sẽ tiếp tục, mở ra dư địa tăng trưởng cho các đối thủ cạnh tranh, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Trung Quốc sau các đợt tăng thuế đã góp phần thúc đẩy làn sóng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi quốc gia này. Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang ngày càng rõ nét và Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế chiến lược.
Tại khu vực Nam Á, Bangladesh gần đây ghi nhận mức cải thiện nhẹ về thị phần tại thị trường Mỹ, đạt 7,4% trong quý I/2025 (so với 7% cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, căng thẳng chính trị trong nước vẫn là điểm nghẽn lớn khi các vụ bắt giữ và bạo lực dân sự liên tục diễn ra. Ngoài ra, bất ổn kéo dài tại Myanmar cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh biên giới của Bangladesh, yếu tố tiềm ẩn rủi ro với chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất.
Tình hình tại tiểu lục địa Ấn Độ - Pakistan thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Dù lệnh ngừng bắn đã được thiết lập nhờ sự can thiệp của Mỹ, căng thẳng giữa hai quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới này vẫn ở mức cao. Nguy cơ chiến tranh tái bùng phát khiến các cơ sở hạ tầng trọng yếu như cảng biển, điện lưới và hệ thống vận tải có thể trở thành mục tiêu tấn công, làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Tâm lý lo ngại của khách hàng cũng gia tăng, đẩy nhanh khả năng chuyển dịch đơn hàng ra khỏi khu vực này.
Với đà tăng trưởng hiện tại, Mirae Asset dự báo trong quý II, công ty sợi và may mặc Việt Nam sẽ hoạt động tốt khi các đơn hàng chuyển ra khỏi Trung Quốc và khách hàng cố gắng khai thác thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày. Trong đó, công ty may mặc như CTCP May Sông Hồng (MSH) và CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) được đánh giá sẽ được hưởng lợi đầu tiên và có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ các đơn hàng may mặc đang cấp bách.
MSH ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I/2025 với doanh thu tăng 34,5% và lợi nhuận sau thuế tăng 82,8% so với cùng kỳ, đạt 87,2 tỷ đồng. Công ty có danh mục khách hàng lớn như Walmart, Nike và Target, đồng thời đang đẩy mạnh sản xuất với nhà máy mới tại Xuân Trường. Mirae Asset dự báo, MSH có thể đạt doanh thu 5.500 tỷ đồng trong năm nay, lợi nhuận sau thuế khoảng 455,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, TNG cũng duy trì tăng trưởng ổn định với doanh thu quý I tăng 11,6%, lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 1,3% lên 53,5 tỷ đồng. Với danh mục khách hàng đa dạng và khả năng hoạt động gần như toàn công suất đến tháng 8, TNG được kỳ vọng đạt doanh thu 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 345,7 tỷ đồng trong năm 2025.
Với mảng sợi, dù vẫn còn nhiều áp lực xuất khẩu, nhưng vẫn xuất hiện những điểm sáng tích cực. Nhóm phân tích tin rằng, nhu cầu sợi trong nước sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định tương ứng với sự tăng trưởng của mảng dệt, phần nào bù đắp cho nhu cầu suy yếu tại thị trường Trung Quốc.
CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) được Mirae Asset kỳ vọng có sự tăng trưởng đột biến nhờ nhà máy Unitex đi vào hoạt động trong năm nay, nâng sản lượng lên 52.000 tấn. Doanh thu 2025 dự kiến tăng hơn 131% so với năm trước, đạt 2.806 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 319 tỷ đồng, gấp gần 27 lần năm 2024.
Tổng CTCP Phong Phú (PPH) cũng duy trì hiệu quả hoạt động với doanh thu quý I tăng 20,5%, lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỷ đồng. Công ty tiếp tục mở rộng sản phẩm khăn và dệt gia dụng, trong khi mảng hợp tác với Coats vẫn đóng vai trò chủ lực. Năm 2025, doanh nghiệp được dự báo mang về 2.251,2 tỷ đồng doanh thu và 374,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.