Minh Phú quyết hủy niêm yết quá dễ, vì sao?

(ĐTCK) Số cổ đông nhỏ tham dự Đại hội sở hữu 14,3 triệu cổ phần, bằng 20,45% vốn điều lệ.
Minh Phú quyết hủy niêm yết quá dễ, vì sao?

Minh Phú quyết hủy niêm yết quá dễ, vì sao?  ảnh 1Với tỷ lệ sở hữu tập trung như hiện nay, hẳn MPC không mất nhiều tiền để mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ

 

Quyết định hủy niêm yết của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã được ĐHCĐ thông qua dễ dàng, với tỷ lệ tán thành của cổ đông không phải cổ đông lớn/tổng số cổ phần của cổ đông không phải cổ đông lớn là 79%. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn về việc MPC đã có sự chuẩn bị từ trước, để đảm bảo tờ trình hủy niêm yết được thông qua tại ĐHCĐ năm nay.

Trong bài viết “Minh Phú: Dấu hỏi từ ý định hủy niêm yết” đăng trên ĐTCK số 57, phóng viên đã ghi nhận nghi ngờ từ giám đốc một công ty chứng khoán rằng “khi đưa ra ý định hủy niêm yết, có thể các cổ đông lớn của MPC đã có sự chuẩn bị bằng việc để một bên thứ ba làm cổ đông nhỏ mua gom đủ số cổ phần có quyền biểu quyết. Chỉ cần vài cổ đông sở hữu dưới 5% cổ phần biểu quyết là đủ tỷ lệ 50% cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua theo quy định. Thanh khoản của MPC trên sàn hiện rất thấp cho thấy sở hữu cổ phiếu rất tập trung”.

Nếu nhìn vào con số thống kê trong biên bản ĐHCĐ của MPC, có thể thấy, phán đoán này hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, MPC có 1.770 cổ đông, nhưng chỉ 30 người tham dự Đại hội đã sở hữu 67,4 triệu cổ phần, chiếm tới 96,34% vốn điều lệ của Công ty. Trong đó, cổ đông lớn chiếm 75,9% vốn điều lệ có mặt đầy đủ tại Đại hội. Số cổ đông nhỏ tham dự Đại hội sở hữu 14,3 triệu cổ phần, bằng 20,45% vốn điều lệ.

Ở nội dung thông qua quyết định hủy niêm yết và ủy quyền cho HĐQT lên phương án hủy niêm yết trong năm 2013, tổng số cổ phần của cổ đông nhỏ tán thành thông qua là 13,3 triệu cổ phần, chiếm 79% tổng số cổ phần cổ đông nhỏ của MPC, số cổ phần không thông qua chỉ có 1 triệu. Bất ngờ ở chỗ là các cổ đông nhỏ đã thông qua quyết định hủy niêm yết khá dễ dàng, bởi trong phần thảo luận, câu hỏi về việc hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ MPC như thế nào, kế hoạch chào mua cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ ra sao vẫn chưa được Đoàn chủ tịch Đại hội trả lời một cách cụ thể. Câu trả lời mà cổ đông nhận được từ Đoàn chủ tịch chỉ dừng lại ở cam kết: “Việc hủy niêm yết không chỉ đảm bảo quyền lợi của cổ đông lớn mà còn phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi của tất cả các cổ đông của Minh Phú. Qua trao đổi với các cổ đông lớn là các quỹ đầu tư, các công ty tư vấn tài chính, họ góp ý nên hủy niêm yết vì giá cổ phiếu của Minh Phú hiện nay trên thị trường chưa phản ánh đúng giá trị thực của Minh Phú. Sau khi phát hành xong 30 triệu cổ phiếu với giá đảm bảo tốt nhất quyền lợi của tất cả các cổ đông đến thời gian thích hợp, Công ty sẽ xin ý kiến cổ đông niêm yết lại. Về việc chào mua cổ phiếu quỹ, giá thế nào, số lượng bao nhiêu, thời gian nào mua, Công ty sẽ thông báo cho tất cả các cổ đông được biết”. Như vậy, MPC vẫn chưa đưa ra được thông tin cụ thể nào liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ khi Công ty hủy niêm yết.

Trong một kịch bản đẹp, MPC hủy niêm yết, phát hành thành công và tái cơ cấu sau đó niêm yết trở lại với mức giá cao hơn, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu lâu dài có thể hưởng lợi hơn là bán ra ở thời điểm này. Nhưng cổ đông phải đợi bao lâu để MPC niêm yết trở lại vẫn là dấu hỏi.

Cổ đông nhỏ lẻ của MPC, nhất là những người không thông qua quyết định hủy niêm yết sẽ bán cổ phiếu trên sàn với giá 26.000 đồng/CP hay chờ đợi MPC chào mua cổ phiếu quỹ với giá bằng giá trị sổ sách, cao hơn thị giá hiện nay, trước khi hủy niêm yết? Với tỷ lệ sở hữu tập trung như hiện nay, hẳn MPC không tốn quá nhiều tiền để mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ với giá cao hơn thị giá hiện nay, vì số lượng cổ phiếu nhỏ lẻ bên ngoài không còn lớn.

Những cổ đông nhỏ lẻ bỏ phiếu cho quyết định hủy niêm yết hẳn biết rõ quyền lợi của họ nằm ở đâu, nhưng những cổ đông nhỏ lẻ còn lại thật khó khi quyết định bán hay mua cổ phiếu MPC ở thời điểm này.                    

Minh An
Minh An

Tin cùng chuyên mục