Chẳng hạn, Indonesia không công bố nợ nước ngoài, gây nên nhiều đồn đoán trong dư luận. Mãi sau khi tin đồn về khoản nợ này quá lớn, lớn hơn thực tế rất nhiều, Chính phủ Indonesia mới công bố số nợ thật (cuối tháng 9/1997 là 117 tỷ USD). Nhưng đã quá muộn! Mọi người tin vào tin đồn, mà không tin vào con số công bố. Họ đổ xô đi mua USD, vàng, làm giá trị đồng bản tệ (rupiah) rơi tự do. Câu chuyện này vẫn mang tính thời sự với Việt Nam hiện nay.
Chúng ta từng nghe một quan chức của Bộ Công Thương tuyên bố sẽ không tăng giá xăng dầu, nhưng chỉ mấy ngày sau giá xăng đã được điều chỉnh tăng. Chúng ta cũng được Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không thay đổi chính sách tiền tệ cho đến hết năm 2009, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, chính sách đã có sự thay đổi lớn. Ngay lúc tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng, nhưng cơ quan này tiếp tục tuyên bố không phá giá VND. Trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố, tin đồn sẽ tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, tỷ giá USD/VND điều chỉnh tăng lên 18.500 (trần) và thu hẹp biên độ tỷ giá xuống 3% đã xuất hiện. Sau đó, sự thực diễn ra đúng như vậy, không sai chút nào.
Những sự kiện đó khiến mọi người hiểu rằng, tại sao có tin đồn và tin đồn được người ta tin tưởng. Khi lòng tin vào những thông tin chính thức bị khủng hoảng, khi chính sách bị rò rỉ từ chính những người làm chính sách, thì tin đồn dường như được nhiều người tin hơn tin chính thống. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước khi tìm và diệt tin đồn thì cần tạo dựng lòng tin vào sự minh bạch, chân thật của thông tin chính thống.