Ngay khi nhận được thông tin ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, được cơ quan an ninh kinh tế mời lên làm việc, ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đề nghị và có ngay cuộc họp phối hợp với thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Những phương án dự trù về chuẩn bị cho doanh nghiệp công bố thông tin liên quan đến việc thay đổi chủ tịch đã được tính đến. Thanh tra UBCKNN cũng tăng cường giám sát bán khống, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
“Diễn biến hai phiên giao dịch gần nhất cho thấy bán khống đã không xảy ra, khác hẳn so với thời điểm bắt “bầu Kiên” - đại diện của UBCKNN cho biết - “Chúng tôi tiếp tục giám sát chặt chẽ, nhất là những đầu mối đã từng vi phạm hoạt động này trước dây”.
Phản ứng kịp thời của UBCKNN được giới tài chính đánh giá tích cực. Nhưng ở phía cơ quan chủ quản ngành ngân hàng, nơi trực tiếp quản lý Sacombank và phê duyệt việc bổ nhiệm, chấp thuận từ nhiệm người đứng đầu hội đồng quản trị các tổ chức tín dụng, đã không có một tín hiệu nào nhằm minh bạch thông tin cho thị trường.
Chỉ đến khi Sacombank gặp gỡ báo chí, mới thấy một trong những phó giám đốc chi nhánh NHNN TPHCM, phát biểu NHNN đã chuẩn bị đủ lượng tiền mặt cần thiết tới 28.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ Sacombank chi trả người gửi tiền trong trường hợp cần thiết.
Ở đây dư luận có hai bản khoăn. Thứ nhất “trường hợp cần thiết" cụ thể là gì?
Thông thường việc từ nhiệm của chủ tịch một ngân hàng không tác động nhiều tới người gửi tiền, khách hàng. Ổng Phạm Hữu Phú, tân Chủ tịch Sacombank, trả lời các phương tiện truyền thông rằng ông Thành đã từng đề nghị được rút khỏi chức vụ từ ngày 27-7-2012 vì lý do cá nhân.
Ý định từ nhiệm và chuyển giao quyền lực cho những thành viên hội đồng quản trị mới của ông Thành, do đó, không bất ngờ nếu không có yếu tố mới là chuyện phải “làm việc” với cơ quan điều tra. Thứ hai, vì sao 28.000 tỉ đồng?
Một quan chức NHNN không muốn nêu tên giải thích: “Đấy chỉ là cách nói để trấn an người gửi tiền. NHNN luôn chuẩn bị đủ về mặt cơ sở để đề phòng mọi tình huống, song các ngân hàng phải tự lực là chính”.
Giới ngân hàng phỏng đoán có thể NHNN rút kinh nghiệm từ sự kiện ACB mới đây và đã đưa ra một cơ số tương tự. Chúng tôi nghiêng về ý kiến này.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh tính chất hai vụ việc ở ACB và Sacombank khác nhau cả về mức độ lẫn quy mô ảnh hưởng tới thị trường. Mặt khác cách hành xử, cũng như kinh nghiệm và sự chuẩn bị “chống khủng hoảng” (nếu có) ở hai ngân hàng cũng hoàn toàn không giống nhau.
Nhìn rộng ra, thị trường tài chính đang ở trong thời điểm vô cùng nhạy cảm, nơi sự minh bạch và công khai luôn được đòi hỏi ở mức độ cao nhằm củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong điều kiện kinh tế khó khăn. Một tiếng nói chính thức từ cơ quan quản lý không những là cần thiết, mà đang trở thành một yêu cầu phải được đáp ứng của dư luận.
Khi xảy ra vụ “bầu Kiên" trước đây, phải đợi đến khi đại biểu Quốc hội chất vấn, Thống đốc NHNN mới khẳng định ông Kiên bị bắt không ảnh hường tới người gửi tiền ở ACB. Giả sử đại biểu Quốc hội không lên tiếng, liệu Thống đốc có đề cập trực tiếp vào một vấn đề "nóng” khiến dư luận bức xúc như thế?
Trong một môi trường mà tâm lý đám đông đang chi phối sự hành xử của nhiều pháp nhân, thể nhân không chỉ trên thị trường chứng khoán, thị trường vàng mà cả ở thị trường chuyên biệt và chuyên nghiệp như liên ngân hàng, thị trường mở... tính minh bạch đã đến lúc phải được ưu tiên tối đa.
Không phải ngẫu nhiên vào thứ Sáu tuần trước, sau một thời gian dài chủ yếu hút ròng, NHNN lại bơm ròng khoảng 5.000 tỉ đồng trên thị trường mở. Cũng không phải ngẫu nhiên từ cuối tuần trước đến nay giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế tới 3,7 triệu dồng/lượng.
Và lần này, dư luận thêm một lần cảm ơn các phương tiện thông tin đại chúng vì cách thức truyền thông đeo bám và lăn xả mà các nhà báo đang thực hiện. Họ là những ngưòi đang cố gắng để thông tin diễn tiến sự việc, để làm rõ những chi tiết mà lẽ ra những đầu mối quản lý phải có nghĩa vụ và trách nhiệm thông tin đến công chúng.