Minh bạch hóa lộ trình sản xuất xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chủ động tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường, nhưng động lực chính sách và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương là rất quan trọng.
Toyota Việt Nam là điển hình về sản xuất xanh tại Vĩnh Phúc Toyota Việt Nam là điển hình về sản xuất xanh tại Vĩnh Phúc

Được công bố từ năm 2022, chỉ số Xanh (PGI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách ở cả Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tính bền vững của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, trong năm đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp công bố chỉ số Xanh, Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 9 cả nước với 16,35 điểm và nằm trong nhóm có điểm số trung bình cao.

Nỗ lực duy trì thứ hạng chỉ số Xanh, giữa tháng 7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 196 về việc cải thiện, nâng cao chỉ số Xanh cấp tỉnh đến năm 2025, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số, thứ hạng các chỉ số thành phần; phấn đấu duy trì nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ PGI dẫn đầu cả nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp về sản xuất xanh; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường…

Giữ vai trò đầu mối, chủ trì trong triển khai thực hiện chỉ số Xanh, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện lối sống xanh, sản xuất xanh…

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về sản xuất xanh. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bảo đảm đến năm 2025, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Trong số hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có nhiều tấm gương về sản xuất xanh như Công ty Toyota Việt Nam với thông điệp “vì một xã hội không phát thải khí C02”; Công ty TNHH Haesung vina, Khu công nghiệp Khai Quang với phương châm sản xuất “xanh từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm, chất thải trong các quy trình sản xuất”; Công ty TNHH Solum Vina thực hiện sản xuất xanh từ đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao ở các khâu sản xuất và xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao…

Tuy nhiên, trong bối cảnh tất cả các địa phương đều chuyển động để cải thiện môi trường đầu tư, năm 2023, chỉ số Xanh ở Vĩnh Phúc chỉ xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 17 bậc so với năm 2022.

Theo phân tích, nguyên nhân khiến PGI của Vĩnh Phúc tụt hạng là do hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm và các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam chưa được thường xuyên; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa cao. Đặc biệt là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hành kinh doanh xanh chưa phát huy được hiệu quả.

Để khắc phục những tồn tại trên và nâng cao chỉ số PGI năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đa dạng hình thức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về ý nghĩa của chỉ số Xanh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, chính sách, dịch vụ hỗ trợ của địa phương trong bảo vệ môi trường, thực hành xanh.

Nam Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục