Trên thực tế, tin đồn về việc NĐT rút tiền hay không luôn được xác minh lại từ phía các CTCK, những người trực tiếp quản lý tận "chân tơ kẽ tóc" từng tài khoản, chứ không phải là các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bản thân mỗi CTCK chỉ có thể "giám sát" dòng tiền của những NĐT là khách hàng của mình, chứ khó có thể có cái nhìn toàn diện về thị trường. Dù vậy, với các môi giới, khi "quan hệ" đủ mức độ thân thiết thì việc ước tính sơ bộ số dư tiền và xu hướng dòng chảy tiền ra - vào trên thị trường cũng khá chính xác. Tuy nhiên, thông tin này thường chỉ được cung cấp lại cho nhóm khách VIP, hay những người có quan hệ thân thích, còn NĐT cá nhân thì mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở… nghe đồn.
TIN LIÊN QUAN |
* P-notes: Cần một cái nhìn khách quan hơn * P-Notes, nơi dòng tiền giấu mặt |
Trên thế giới, có hai chỉ số liên quan đến dòng tiền được nhiều NĐT chú ý và coi như một "chỉ báo kỹ thuật" là tỷ lệ tiền trên tổng danh mục của các quỹ đầu tư chứng khoán thông thường và tỷ lệ sử dụng margin trading (giao dịch ký quỹ). Tỷ lệ tiền mặt trên tổng giá trị danh mục, được các môi giới cung cấp cho khách hàng của mình, thường được sử dụng như là một "chỉ báo ngược" (contrarian indicator), có nghĩa, khi tỷ lệ này cao, thể hiện các quỹ đang nắm nhiều tiền mặt do dự báo thị trường đi xuống, thì NĐT làm ngược lại, tức là… mua vào. Ngược lại, TTCK một số quốc gia thực hiện công bố định kỳ (có thể là hàng tháng) số dư nợ cho vay chứng khoán trong các tài khoản giao dịch ký quỹ (margin account). Đây được xem là một trong những chỉ báo kỹ thuật thể hiện xu hướng thị trường: nếu dư nợ này tăng lên, đó là dấu hiệu thị trường xu hướng đi lên và ngược lại. Điều này được giải thích là, những người sử dụng margin account thường là NĐT chuyên nghiệp, quản lý dòng tiền thông minh…
Ở Việt Nam, việc NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính (có thể là thông qua ngân hàng, tổ chức tín dụng khác) để đầu tư chứng khoán đã khá phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng thông tin vẫn còn mập mờ đã khiến NĐT cá nhân nói chung bị khá nhiều thiệt thòi. Một phần, đó là do chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin tư vấn của các nhân viên môi giới chưa cao đồng đều, nhưng một phần, có thể xuất phát từ chính phía cơ quan quản lý, do chưa có cơ chế giám sát, minh bạch thông tin phù hợp. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý có cơ chế tốt hơn trong việc công bố công khai dư nợ số dư tiền gửi của NĐT (tính theo tỷ lệ % trên toàn danh mục) hoặc thông tin về dư nợ tín dụng trong đầu tư chứng khoán định kỳ, thì rất có thể, NĐT sẽ tránh được những cú ngã kiểu tin đồn thiếu sát thực như thời gian vừa qua.