"Miếng ghép" phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cuộc trò chuyện gần đây với Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một CTCK lớn cho biết rằng, khi tổ chức nước ngoài mở tài khoản ở CTCK của ông để đầu tư vào Việt Nam, câu hỏi thị trường có sản phẩm phái sinh không thường xuyên được họ đặt ra. Trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài vốn thường có danh mục đầu tư lớn, phái sinh là một công cụ họ có thể sử dụng để phòng hộ rủi ro.
"Miếng ghép" phái sinh

Tất nhiên, 5 năm trước, câu hỏi này gây khó cho các nhà cung cấp dịch vụ vì Việt Nam chưa có chứng khoán phái sinh. Hiện tại, chúng ta cũng mới có một sản phẩm phái sinh rất cơ bản là chỉ số cổ phiếu VN30. Năm năm xuất hiện phái sinh, tuy mức độ phổ cập tới nhà đầu tư còn hạn chế nhưng đã trở thành miếng ghép cần thiết cho sự phát triển của thị trường.

Như trao đổi của ông Trịnh Hoàng Giang - Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) trong một talkshow do Báo Đầu tư tổ chức, rằng phái sinh là sản phẩm không thể thiếu đối với thị trường chứng khoán nếu muốn phát triển.

Nhìn sang các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia xa hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, châu Mỹ đều có thị trường phái sinh và rất đa dạng sản phẩm, bao gồm cho cả thị trường hàng hóa và lãi suất.

Còn nhớ những năm 2007 - 2008 thị trường chứng kiến cả giai đoạn thăng hoa và thoái trào, nhưng biến động cơ bản chỉ có một chiều, đi xuống hoặc đi lên với thanh khoản rất thấp. Thế nhưng, đợt sụt giảm năm 2022 này phần nào có sự khác biệt. Một góc nhìn kiến giải cho việc tự doanh CTCK và tổ chức nước ngoài mua vào khi thị trường giảm mạnh là họ có thể quản lý và phòng lỗ bằng hợp đồng tương lai nếu thị trường tiếp tục đi xuống. Điều này có nghĩa bên ra quyết định tự tin hơn, giúp thị trường phần nào không bị đóng băng sức cầu.

Nhưng các nhà đầu tư cá nhân lại có góc nhìn khác khi thiên về tính đầu cơ. Với tính chất đòn bẩy lớn, có thể tới 1:25, có thể giao dịch T0 và bán khống nên nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường phái sinh với mục đích giao dịch trong ngày, mở đóng vị thế trong ngày chứ ít khi dùng để phòng ngừa rủi ro.

Cũng có thể hiểu rằng, danh mục của nhà đầu tư cá nhân chỉ có một vài cổ phiếu trong VN30 với giá trị thấp, nên ý nghĩa phòng ngừa rủi ro không thực sự hấp dẫn. Nhu cầu mở rộng sản phẩm, lên rổ chỉ số VN100 chẳng hạn, đã được nhiều thành viên thị trường đề cập. Cũng còn một điều mà nhà đầu tư cá nhân e ngại là thuế, phí áp dụng với các hợp đồng qua đêm phái sinh là khá cao nên để tiết kiệm khoản tiền này, nhà đầu tư có xu hướng giao dịch trong ngày.

Qua nhiều đợt trồi sụt của thị trường, chứng khoán phái sinh còn được nhiều nhà đầu tư sử dụng như một chỉ báo cho thị trường cơ sở trong ngắn hạn.

Chẳng hạn, vào cuối tháng 6 vừa qua, khi số lượng hợp đồng phái sinh lên tới mức đỉnh, một bộ phận nhà đầu tư nhanh nhạy đã mua vào cổ phiếu cơ sở với luận điểm, thị trường chứng khoán cơ sở có thể tạo đáy ngắn hạn.

Cho đến nay, nhiều mã được nhà đầu tư mạnh dạn mua với chỉ báo từ thị trường phái sinh đã cho lợi nhuận khoảng 30-40%.

Nhân dịp thị trường chứng khoán phái sinh 5 năm hoạt động, cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn nhận bức tranh rõ nét hơn về thị trường này trong mục Tiêu điểm để thấy, dù còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện về chính sách, sản phẩm mới cũng như tâm thế tham gia thị trường của các thành viên, phái sinh vẫn sẽ là một mảnh ghép cần có để thị trường chứng khoán ngày một hoàn thiện hơn.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 -22.67 -1.9% 191,064 tỷ
HNX 226.2 -2.63 -1.16% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 -0.48 -0.55% 623 tỷ