Không “tham bát, bỏ mâm”
Việt Nam hiện có 19,7 triệu thuê bao 3G, tăng gần 4 triệu thuê bao so với năm 2013. Tuy nhiên, tổng số thuê bao di động 2G và 3G chỉ còn 123,7 triệu, giảm hơn 8 triệu thuê bao so với hồi năm 2013.
Như vậy, số thuê bao 3G mới chỉ đạt gần 16% trên tổng số thuê bao cả nước, khá thấp sau 5 năm triển khai 3G tại Việt Nam. Con số này cũng thua xa các nước phát triển như Mỹ (75%) hay Trung Quốc (45%).
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Vietnam, Cambodia và Lào cho rằng, Việt Nam không cần quá “vội vã” với 4G mà nên tính toán thời điểm hợp lý nhất, xây dựng mô hình kinh doanh tối ưu nhất cho 4G rồi hãy triển khai. Năm 2017-2018 là thời điểm phù hợp để ra các dịch vụ 4G thương mại. Khi đó, số lượng người dùng 3G tại Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ tăng lên, chiếm khoảng 50%-60% người dùng di động, ngang bằng với các nước “sẵn sàng cao cho 4G” hiện nay.
Mức 50-60% thuê bao dùng 3G sau 3-4 năm nữa tương ứng với 40-50 triệu thuê bao chuyển từ 2G sang 3G hoặc dùng mới 3G sẽ mang lại doanh thu lớn cho các nhà mạng. Hiện doanh thu từ 3G chỉ dao động trong khoảng 50-60% tổng doanh thu và chủ yếu là nhờ dịch vụ giá trị gia tăng trên công nghệ 3G.
Trong một động thái hướng tới việc thu hút thuê bao 3G trước thời điểm 4G được triển khai và thương mại hóa, Viettel, MobiFone, VinaPhone vừa công bố tăng tốc độ 3G lên 42Mbps (gấp 6 lần tốc độ cam kết trong thi tuyển 3G) và tăng trạm phát sóng 3G.
Đơn cử, MobiFone vừa tái sử dụng tần số 900Mhz để phát sóng 3G, giúp tăng vùng phủ của trạm phát sóng lên gần 3 lần. Nhà mạng MobiFone cũng vừa hoàn thành dự án nâng cấp 1.000 trạm phát sóng 3G lên tốc độ 42 Mbps ở khu vực Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai. Dự kiến đến hết tháng 09/2014, MobiFone sẽ đưa vào khai thác thêm gần 1.000 trạm phát sóng nữa tại các khu vực Đà Nẵng, Cần Thơ, nâng tổng số trạm phát sóng 3G tốc độ 42Mbps của MobiFone lên gần 2.000 trạm. Song song với việc phát triển mạng lưới, MobiFone cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm để triển khai các gói cước với tốc độ cao hơn cho các nhóm khách hàng và sẽ cung cấp trong thời gian tới.
Còn Viettel cũng hoàn thành thử nghiệm cung cấp dịch vụ 3G hỗ trợ tối đa 42 Mbps và sẽ hoàn tất nâng cấp xong toàn bộ các tỉnh vào đầu năm 2015.
VinaPhone cũng đặt mục tiêu tới đầu năm 2015 sẽ triển khai toàn quốc việc tăng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps cho gần 13.000 trạm 3G. Nhà mạng này đang phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị để thử nghiệm nâng cao tốc độ truy cập 3G lên 84Mbps nhằm tiếp tục khẳng định vị trí mạng di động có tốc độ 3G nhanh nhất hiện nay.
Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam cho rằng, các nhà mạng Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của 3G, vì vậy, phải tăng trưởng nhiều hơn nữa. Chỉ lúc nào mà lưu lượng 3G tăng lên rất cao và nhu cầu của người sử dụng lớn thì mới có thể triển khai được mạng 4G.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, đầu tư cho 3G không chỉ đến từ các nhà mạng mà còn từ người sử dụng. Trên thực tế, đầu tư của nhà mạng chiếm dưới 50% tổng đầu tư của mạng di động, còn đầu tư của người dùng cho các thiết bị đầu cuối mới thực sự lớn.
Một khi đưa công nghệ 4G vào, nhà mạng sẽ phải tập trung cho công nghệ mạng mới trong khi số người dùng còn rất hạn chế. Trong khi đó, việc đưa công nghệ 4G vào cũng sẽ thúc đẩy cả xã hội lao vào đầu tư thiết bị mới trong khi thiết bị hiện tại vẫn chưa sử dụng hết khả năng. Đó sẽ là một sự lãng phí rất lớn.