Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo
Phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022 - 2025 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
“Đặc biệt, tại miền núi, tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay, nay người dân đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả. Tín dụng chính sách xã hội cũng giúp người dân giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, thông tin tại Hội thảo cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng, tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Cụ thể, điều kiện tự nhiên vùng dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, dịch bệnh. Giao thông đi lại khó khăn, xa xôi, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương có nơi, có lúc chưa phát huy được vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội.
Đặc biệt, thiếu cơ chế lồng ghép hiệu quả giữa chính sách tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phổ biến cách thức sản xuất - kinh doanh cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho hộ vay sử dụng có hiệu quả đồng vốn...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế do tình trạng nghèo tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung cao theo hướng sản xuất đồng bộ trên từng địa bàn xã hoặc vùng. Nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo dàn trải trong nhiều chính sách, nguồn vốn hỗ trợ ít...
Cần đột phá mới
Tại Hội thảo, lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến phát biểu đánh giá kết quả thực hiện, rút ra tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực miền núi giai đoạn 2016 - 2021 ở mỗi địa phương liên quan.
Các địa phương đã xác định được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, nhất là việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Từ đó, đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực, hiệu quả giai đoạn 2022 - 2025, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững; gắn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực miền núi và các mô hình hoạt động, dự án giảm nghèo; đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách…
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng nêu ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết tốt trong thời gian tới, như đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực để Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân.
Ông Thắng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TW và Kết luận số 06/KL-TW của Ban Bí thư. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các nội dung công việc ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là cùng tổ chức thực hiện triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giám sát.
“Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã hội, tạo động lực thi đua thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác...”, ông Thắng nói.