“Ông lớn” đua nhau đổ bộ
Vốn là một tay “săn mồi” có hạng, đã hàng chục năm chuyên đi rình rập, ngó nghiêng những khu vực, những miền đất có tiềm năng phát triển kinh doanh bất động sản, nhưng trò chuyện với người viết, ông này cũng không lý giải nổi nguyên nhân vì sao những Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp… lại có một thời gian dài ở “ngoài tầm mắt” của mình và của đa số dân đầu tư bất động sản.
“Có thể miền Tây trù phú, phì nhiêu quá nên tư duy của lãnh đạo nhiều tỉnh cũng tập trung cho nông - thủy sản mà ngại ‘chặt’ bờ xôi, ruộng mật ra làm dự án địa ốc”, vị giám đốc nói trên dự đoán, nhưng cho rằng, câu chuyện bây giờ đã khác và trong một tương lai rất gần thôi sẽ còn thay đổi rất nhiều.
Thực tế, nhiều địa phương khu vực miền Tây đang trở thành điểm đến mới của nhiều đại gia bất động sản bởi quỹ đất rộng, dư địa phát triển thị trường còn rất lớn.
Chẳng hạn, tại Cần Thơ, ngoài hai “ông lớn” là Novaland và KITA Group đã phát triển dự án, trong thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư. Cụ thể, mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico đã được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho khảo sát 2 dự án logistics và Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền lên tới 2.650 ha - một diện tích “hiếm có khó tìm” ngay ở các địa phương ven biển, chứ chưa nói đến những chỗ “tấc đất, tấc vàng” như Hà Nội hay TP.HCM…
Một đại gia sắt thép nhưng khá “nhẹ vía” phát triển các dự án bất động sản dân cư và công nghiệp là Tập đoàn Hòa Phát cũng đã được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu hàng loạt dự án như Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ với quy mô 452 ha và 2 dự án khác tại quận Cái Răng và Ninh Kiều với tổng diện tích gần 100 ha.
Ngoài ra, không thể không kể đến cái tên T&T Group khi tập đoàn này đã đề xuất nghiên cứu, khảo sát và lập quy hoạch 3 dự án phát triển đô thị với quy mô 173 ha tại quận Cái Răng; ngoài ra còn có các dự án khu công nghiệp, các trung tâm logistics, 2 dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… để biến Cần Thơ trở thành “cứ địa” dự án mới với đội quân đa ngành của “bầu” Hiển.
Chưa dừng lại ở đó, T&T Group còn “để mắt” đến đất mũi Cà Mau khi vừa trúng thầu dự án Khu đô thị mới nhóm 5 (TP. Cà Mau) với diện tích gần 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này còn đang được giao nghiên cứu, lập quy hoạch khu vực sân bay Cà Mau và thực hiện đầu tư loạt dự án lớn khác như cảng nước sâu Hòn Khoai, tuyến cao tốc đoạn từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau...
Trước đó, Tuần Châu Group cũng bày tỏ mong muốn đầu tư xây dựng một “thành phố hải sản” ở Cà Mau với quy mô khoảng 500 ha bằng phương án lấn biển vốn là “sở trường” của tập đoàn này. Trong khi đó, Nam Miền Trung Group mong muốn UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận cho Công ty nghiên cứu, phát triển 2 khu kinh tế Năm Căn và Sông Đốc theo xu hướng đô thị mới gắn với cảng biển.
Ở một xứ “gạo trắng nước trong” khác là Hậu Giang, 2 cái tên còn khá lạ lẫm là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng thương mại Băng Dương và Sakura Group đã bắt tay nhau cùng phát triển dự án Vị Thanh New City - một dự án được quảng bá là sẽ thay đổi chuẩn mực hưởng thụ không gian sống của người Hậu Giang với mô hình “all-in-one” khép kín trong khuôn viên.
Trong khi đó, tên tuổi quen thuộc FLC Group cũng nối thêm danh sách “dài dằng dặc” các dự án bất động sản của mình khi chủ đầu tư này được chính quyền Hậu Giang chấp thuận cho nghiên cứu, xây dựng phương án triển khai một loạt dự án có quy mô lớn trên địa bàn. Trong đó, 2 dự án Khu đô thị mới kết hợp công viên xanh (185 ha) và Khu đô thị mới Nam Vị Thanh (170 ha) đều tại TP. Vị Thanh, doanh nghiệp đã trình phương án triển khai; còn dự án Quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành (xã Đông Phú, xã Phú Hữu và thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành) gần 488 ha đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Địa phương này cũng chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Sao Mai lập quy hoạch chi tiết 3 khu đô thị tại TP. Vị Thanh và huyện Châu Thành A với diện tích hơn 450 ha.
Mới đây, thị trường địa ốc miền Tây lại thêm phần sôi động khi Trần Anh Group công bố sắp ra mắt một “đại đô thị” mang phong cách Nhật tại Châu Đốc (tỉnh An Giang) mang tên Phúc An Asuka. Dự án có quy mô 53,5 ha, tọa lạc tại mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, TP. Châu Đốc.
Đại diện Trần Anh Group cho biết, để thu hút được sự chú ý của khách hàng, doanh nghiệp sẽ đưa ra mức giá hấp dẫn cho các sản phẩm, nhưng chất lượng và tiện ích dự án mới là yếu tố được chăm chút để tạo ra một dự án đáng sống tại địa phương này.
|
Một dự án bất động sản tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. |
Hạ tầng “đánh thức” miền Tây
Có thể thấy, một trong những yếu tố thúc đẩy các đại gia bất động sản vào cuộc đánh thức “cô gái đẹp” miền Tây chính là tầm nhìn đón đầu hệ thống hạ tầng cực quy mô được Chính phủ định hướng phát triển tại miền Tây nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2030, khu vực này sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khác với tổng chiều dài khoảng 998 km, cùng với đó là hàng trăm kết nối hạ tầng, cầu cống để kéo gần miền Tây với các trung tâm kinh tế phía Nam và cả nước.
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giá bất động sản ở nơi đây hầu hết vẫn khá mềm. Cụ thể, giá căn hộ trung bình khoảng 18 triệu đồng/m2, căn hộ cao cấp khoảng 31 triệu đồng/m2; nhà liền kề có giá 18 triệu đồng/m2, riêng sản phẩm cao cấp 50 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất nền - phân khúc hút khách đầu tư nhất hiện nay cũng khá ổn để bỏ tiền, chẳng hạn đất vùng ven các tỉnh có giá trên dưới 10 triệu đồng/m2; đất nền khu vực cửa ngõ các đô thị loại 2 từ 12-25 triệu đồng/m2; khu vực cửa ngõ đô thị loại 1 từ 28-32 triệu đồng/m2; dự án trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 42 triệu đồng/m2.
Sản phẩm thu hút được sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư là nhà ở có giá từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động mua bán đất thổ cư diễn ra khá sôi động, đặc biệt nhà đất lẻ tại trung tâm TP. Cần Thơ và khu vực Hậu Giang (giáp ranh Cần Thơ); Long Xuyên, Long An, một số tỉnh thu hút đầu tư như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Nhận định làn sóng đổ về khu vực Tây Nam Bộ, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực không chỉ đối với thị trường bất động sản khi có nhiều sản phẩm mới, mà còn kéo theo mặt bằng kinh tế - xã hội, đời sống khu vực đó phát triển dần lên.
“Tuy nhiên, sẽ phải có thời gian để thay đổi tư duy lựa chọn, mua sắm sản phẩm bất động sản và hưởng thụ cuộc sống trong những không gian sống chất lượng cao của nhiều cư dân miền Tây”, bà Linh nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ cũng nhận định rằng, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang đối mặt với một số khó khăn khi có sự chững lại ở một số phân khúc cao cấp do khó thu hút khách hàng các tỉnh xa về đầu tư, trong khi nhu cầu mua để ở tại chỗ chưa thực sự cao.
Dự báo thị trường bất động sản nhà ở Cần Thơ nói riêng và khu vực miền Tây nói chung năm 2022, ông Thủy nhận định, các yếu tố kinh tế - xã hội và thị trường địa ốc đang “ủng hộ” cho mức tăng khoảng trên dưới 10% bình quân các phân khúc.
“Trong đó, đất nền từ 1-2 tỷ đồng vẫn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là đất nền gần các khu công nghiệp có thể sẽ tiếp tục giữ ‘ngôi vương’ năm nay”, ông Thủy dự đoán.