Câu chuyện SHB
Ngày 20/10/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố tài liệu họp ĐHCĐ bất thường với nội dung tập trung vào việc sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex -Viettel (VVF).
Thông tin này không mới bởi từ lâu thị trường đã nghe nhiều đồn đại. Ngay cả tỷ lệ dự kiến 1:1 chuyển đổi cổ phiếu VVF sang SHB cũng không lấy gì làm đặc biệt, bởi ngoài tỷ lệ này hay kết quả tài chính dự kiến, đối với các vấn đề khác, thị trường đã đâu đó thấy đề án sáp nhập này giống với đề án sáp nhập mà Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) công bố trước đó. Vấn đề thị trường quan tâm chính là kết quả kinh doanh dự kiến mà SHB sẽ đạt được trong thời gian tới sau sáp nhập, do yếu tố thuế.
Trong đề án sáp nhập, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính, cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan chấp thuận cho SHB và Công ty tài chính tiêu dùng TNHH MTV SHB (thành lập trên cơ sở VVF) được giãn, miễn, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 5 năm đầu sau sáp nhập và miễn toàn bộ thuế phát sinh từ việc phát hành cổ phiếu để giao dịch sáp nhập.
Cụ thể, SHB đề nghị được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong Đề án nhận sáp nhập Habubank (HBB) vào SHB; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm 2016, 2017 (50% miễn theo đề án sáp nhập HBB vào SHB, 50% miễn thuế do nhận sáp nhập VVF); miễn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2018 đến 2020 sau khi nhận sáp nhập VVF và miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân có thể phát sinh liên quan đến việc phát hành hoặc phân bổ lại cổ phiếu cho cổ đông SHB.
Với Công ty tài chính tiêu dùng TNHH MTV SHB, SHB xin được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tài chính đầu tiên sau thành lập và miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm sau đó.
Theo tài liệu, SHB kỳ vọng tổng tài sản các năm kể từ năm 2015 tăng 16% qua mỗi năm, trong đó tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 21% mỗi năm, lợi nhuận trước thuế tăng so với năm liền trước đạt 24,2% vào năm 2016, 14,74% vào năm 2017. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế SHB năm 2015 dự kiến đạt 1.120 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2016 là 1.391 tỷ đồng và năm 2017 là 1.596 tỷ đồng.
Nếu đề án xin miễn, giảm, giãn thuế của SHB được thông qua, lợi nhuận của cổ đông SHB sẽ không chỉ là phần lợi nhuận trước thuế được dự toán này (tức là tiết kiệm tổng cộng khoảng 903,54 tỷ đồng), mà còn là phần thu về do SHB đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước trong 2 năm 2013, 2014 với tỷ lệ tương ứng là 25% và 22%, với giá trị nộp tuyệt đối tương ứng là 145,93 tỷ đồng và 204,599 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2013-2017, nếu được thực hiện miễn, giảm thuế như kiến nghị, SHB có thể sẽ tiết kiệm được 1.254 tỷ đồng. Có điều, đây mới chỉ là kiến nghị và số tiền tiết kiệm này dựa trên giả định SHB sẽ hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận mà Ngân hàng công bố.
Đến câu chuyện MB
Trong tài liệu họp ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 6/10/2015 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), với mục đích thông qua Đề án sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Quân đội và Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC), câu chuyện về thuế cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Theo đó, MB đề xuất Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính, cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan xem xét chấp thuận cho MB và Công ty tài chính tiêu dùng MB được giãn, miễn, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu sau sáp nhập. Cụ thể, với MB, đề xuất được miễn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tài chính đầu tiên sau sáp nhập. Với Công ty tài chính tiêu dùng MB mới thành lập, đề xuất miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tài chính đầu tiên kể từ khi thành lập; miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm tiếp theo.
Về kế hoạch kinh doanh sau sáp nhập, MB dự kiến sẽ ghi nhận mức lợi nhuận 3.600 tỷ đồng vào năm 2016; 4.000 tỷ đồng vào năm 2017 và 4.350 tỷ đồng vào năm 2018. Nếu được giảm 20% số thuế thu nhập doanh nghiệp (giả định tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp MB phải nộp là 22%), thì số thuế MB tiết kiệm được trong trường hợp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận là 525,8 tỷ đồng.
Liệu có khả thi?
Tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường của MB, trả lời câu hỏi về khả năng Ngân hàng được miễn, giảm thuế như đề án trình ĐHCĐ thông qua theo đề nghị của cổ đông MB, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị vấn đề này với Bộ Tài chính, chứ không phải là người quyết định.
Trở lại câu chuyện SHB, việc kiến nghị miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã được nhắc đến từ lâu. Thế nhưng, năm 2013, SHB vẫn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tỷ lệ 25%; năm 2014 nộp tỷ lệ 22%. Đến năm 2015, Ngân hàng vẫn chưa được bớt đồng thuế nào.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK về quan điểm của Bộ Tài chính liên quan đến kiến nghị miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho tổ chức ngân hàng thương mại sau sáp nhập với tổ chức tín dụng yếu, kém, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính gợi ý về câu chuyện của SHB khi sáp nhập với Habubank và cho rằng: “Mọi kiến nghị miễn, giảm thuế đều phải được thực hiện trên cơ sở các chính sách về thuế đã được ban hành trong các văn bản pháp lý”.
Như vậy, dù không phủ nhận thẳng việc không miễn, giảm thuế cho ngân hàng thương mại, nhưng có thể hiểu rằng, hiện chưa có văn bản pháp lý nào cho phép các ngân hàng thương mại sau M&A được miễn, giảm thuế.
Trở lại câu chuyện SHB sáp nhập Habubank, nhìn vào thực trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của Habubank giai đoạn trước sáp nhập và khoản thâm hụt gần như toàn bộ vốn chủ sở hữu của Ngân hàng trong báo cáo soát xét đặc biệt mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay trước thời điểm tổ chức họp ĐHCĐ thông qua phương án sáp nhập Habubank về SHB, thì những gì SHB đã đóng góp là không nhỏ.
Câu chuyện không hoàn toàn nằm ở vấn đề các cổ đông Habubank tránh được nguy cơ “mất hết” (Ngân hàng bị mua lại 0 đồng như một số ngân hàng thương mại khác nếu tiếp tục bị thua lỗ), mà còn ở an toàn hệ thống tín dụng và lòng tin người tiêu dùng. SHB vẫn oằn lưng gánh chịu những khoản nợ xấu mà Habubank để lại, trong đó có khoản liên quan đến Thủy sản Bình An. Thế nhưng, những gì mà SHB nhận được đến giờ này, vẫn chủ yếu là uy tín của ngân hàng sau sự sáp nhập, quy mô tổng tài sản và mạng lưới hoạt động, chứ chưa có sự ưu tiên từ phía cơ quan quản lý, nhất là vấn đề thuế, với hy vọng giảm tổn thất cho cổ đông.
Căng thẳng ngân sách là vấn đề được nhắc tới nhiều, nên câu chuyện tăng thu ngân sách cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách thuế, hay các ưu ái khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thì làm cách nào cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, thay vì những phương án 0 đồng?