Miền Bắc phập phồng lo thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
Công suất nguồn điện tại miền Bắc hiện là 28.000 MW, nhưng không phải lúc nào cũng phát huy được toàn bộ, khiến việc cấp điện trong năm 2022 đối mặt với nhiều thách thức.
Trong khi đối mặt với tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng cao, thì nguồn cung điện ở miền Bắc lại gặp nhiều khó khăn lớn. Trong khi đối mặt với tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng cao, thì nguồn cung điện ở miền Bắc lại gặp nhiều khó khăn lớn.

Cầu cao, cung hụt hẫng

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm của 27 tỉnh/thành phố phía Bắc (trừ Hà Nội) mà đơn vị này quản lý đạt 68,5 tỷ kWh, tăng 9,53% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng này của EVNNPC gấp gần 3 lần so với mức tăng trưởng 3,42% của cả nước và là cao nhất trong số các tổng công ty điện lực (EVNNPC, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP.HCM).

Trong khi đối mặt với tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng cao, thì nguồn cung điện ở miền Bắc lại gặp nhiều khó khăn lớn.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện công suất nguồn điện tại khu vực miền Bắc khoảng 28.000 MW và không có sự gia tăng mạnh trong những năm qua. Năm 2021, công suất tiêu thụ điện ở miền Bắc đã đạt 21.700 MW và với mức tăng trưởng cao như hiện nay, dự báo năm 2022, đỉnh công suất ở miền Bắc sẽ đạt 24.000 MW.

“Nhu cầu tiêu thụ có thể chạm đỉnh 24.000 MW, nếu so với công suất nguồn hiện có là 28.000 MW, thì tưởng là đủ, nhưng thực tế sẽ không đủ. Nguyên nhân là, khi nhiệt độ tăng cao, các nhà máy nhiệt điện than không thể phát huy được toàn bộ công suất như thiết kế, bởi nước làm mát ở bên ngoài cũng rất nóng, khiến các tổ máy không mát được. Ngoài ra, những thời điểm mùa khô sẽ thiếu nước, nên thủy điện cũng không chạy được như thiết kế”, ông Lâm nói và nhấn mạnh, năm 2022, miền Bắc được dự báo sẽ thiếu khoảng 2.000 MW công suất lắp đặt trong một số thời điểm cực đoan”.

Trước đó, vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6/2021, nắng nóng kéo dài liên tục đã dẫn tới nhu cầu phụ tải cực đại của miền Bắc cao đột biến, ước đạt 21.500 MW, tăng khoảng 2.500 MW so với nhu cầu phụ tải các ngày làm việc trước đó và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do nhu cầu điện tăng cao đột biến, kết hợp với việc nước tại các hồ thủy điện xuống thấp, nên dù đã huy động tối đa các nguồn ở miền Bắc và khai thác tối đa truyền tải 500 kV từ miền Trung ra, nhưng miền Bắc vẫn xảy ra tình trạng quá tải, mất điện cục bộ tại một số khu vực và phải tiết giảm.

Đơn cử, ngày 31/5, miền Bắc đã phải tiết giảm 700 MW trong khoảng thời gian từ 13h đến 14h59 và sau đó lại tiết giảm 500 MW từ 20h50 đến 22h48 để chống quá tải lưới điện và điện áp thấp ở miền Bắc.

Tới ngày 1/6, miền Bắc lại phải tiết giảm phụ tải 1.509 MW lúc 11h34 và sau đó tiết giảm bổ sung thêm 500 MW lúc 12h51. Sau đó, đến hơn 15h đã khôi phục phụ tải, nhưng đến 20h50 lại phải tiết giảm 700 MW ở miền Bắc, tới 21h35 tiết giảm bổ sung 300 MW nữa và sau 23h mới khôi phục hoàn toàn phụ tải.

Từ thực tế năm 2021, có thể thấy, việc cấp điện năm 2022 ở khu vực miền Bắc có thể sẽ nghiêm trọng hơn.

Chưa có giải pháp căn cơ

Tới hết tháng 10/2021, nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc vẫn khá thấp và tính ra hụt khoảng 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch tích nước. Theo ông Lâm, hồ Hòa Bình đang thấp hơn mức nước dâng bình thường là 4,5 mét, hồ Thác Bà thấp hơn 2,87 mét, hồ Cửa Đạt thiếu hơn 6 mét… Điều đáng nói là, từ giờ tới ngày 31/12/2021, các hồ thủy điện không có cơ hội tích thêm nước như mong muốn vì mùa mưa ở miền Bắc đã hết.

Để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2022, EVN đã đưa ra nhiều giải pháp, như huy động tối đa các nguồn điện khác để dự trữ nước cho các tháng đầu năm 2022 phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân và phát điện.

“Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2022, các hồ thủy điện ở miền Bắc phải chuẩn bị xả nước khoảng 4,8 tỷ m3 nước, đồng thời phải đảm bảo nước sinh hoạt cho Hà Nội”, ông Lâm cho hay.

Trước thực tế thiếu nguồn, nhất là cho giờ cao điểm chiều tối (từ 17h đến 22h hàng ngày), EVN đã đề nghị và đã được Bộ Công thương chấp thuận việc điều chỉnh giờ phát điện của các trạm thủy điện nhỏ để huy động thêm nguồn khi mặt trời tắt nắng.

Ông Lâm cũng cho hay, “rất hy vọng Tổ máy 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có thể đưa vào hoạt động như kế hoạch là cuối tháng 4/2022. Khi toàn bộ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào vận hành, sẽ có thêm 7 tỷ kWh, giảm đỡ áp lực về nguồn cung”.

Dẫu vậy, nhìn tổng thể, có thể thấy rõ, ngoài Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, miền Bắc không có thêm nguồn điện nào lớn và mới từ giờ cho tới năm 2025. Bởi vậy, giải pháp mà EVN đưa ra là tăng cường nhập khẩu từ Lào và các doanh nghiệp có phát điện bằng diesel phải hỗ trợ Tập đoàn trong giờ cao điểm.

Theo tính toán của EVN, hiện có 7.000 MW điện diesel của các doanh nghiệp và khách sạn trong cả nước. Nếu nguồn này tham gia hỗ trợ sẽ đảm bảo được giờ cao điểm.

Một giải pháp khác được đặc biệt nhắc tới là tiết kiệm điện. Cả nước hiện có 2.961 cơ sở/doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm với sản lượng tiêu thụ điện là 72 tỷ kWh/năm, chiếm 1/3 sản lượng điện toàn quốc. Trong số này, miền Bắc tuy có 978 cơ sở/doanh nghiệp, nhưng chiếm khoảng 50% sản lượng điện tiêu thụ của nhóm đối tượng này. Bởi vậy, nếu thực hiện đúng yêu cầu tiết kiệm điện mà Chính phủ đề ra, thì áp lực về cấp điện cũng giảm bớt.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục