Miền Bắc khan dự án điện mới

0:00 / 0:00
0:00
Tiêu thụ điện tăng trưởng cao, nhưng các nguồn điện lớn được xây dựng mới tại khu vực phía Bắc không có nhiều trong 5 năm trở lại đây.
Phối cảnh dự án nhiệt điện Quảng Trạch I. Nguồn: EVN Phối cảnh dự án nhiệt điện Quảng Trạch I. Nguồn: EVN

Heo hắt dự án lớn

Ngày 17/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Liên danh nhà thầu Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) - Hyundai Engineering and Construction (Hàn Quốc) - Tổng công ty Xây dựng số 1 (Việt Nam) đã ký Hợp đồng Gói thầu số 15 (EPC-QTI) về thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp công trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I.

Theo thỏa thuận hợp đồng, Gói thầu số 15 (EPC-QTI) có tổng giá trị khoảng 30.236 tỷ đồng, phạm vi thực hiện bao gồm thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp 2 tổ máy, công suất 2 x 600 MW và các hệ thống phụ trợ dùng chung. Tổ máy số 1 sẽ hoàn thành trong 42 tháng và Tổ máy số 2 sẽ hoàn thành trong 48 tháng tính từ ngày Hợp đồng có hiệu lực.

Với kế hoạch như vậy, đến cuối năm 2024 và bước sang năm 2025 mới có thêm 600 - 1.200 MW điện mới của nhà máy này cung cấp cho hệ thống.

Điều đáng nói là, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bàn giao cho EVN làm chủ đầu tư từ tháng 10/2016. Khi đó, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ phát điện Tổ máy 1 của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là năm 2021. Nhưng để đạt được tiến độ này, Dự án phải khởi công trước ngày 28/2/2018, vì thế, Bộ Công thương đang trình Chính phủ xin phê duyệt cơ chế đặc thù cho Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là dự án điện cấp bách.

Không chỉ các nguồn điện lớn và có tính truyền thống được xây dựng khá chậm chạp ở miền Bắc, mà các Dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cũng không có nhiều ở khu vực này.

Dẫu vậy, tới tháng 3/2021, khi Thủ tướng phê duyệt việc Vietcombank được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn 15% vốn tự có đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 25% vốn tự có đối với EVN và người có liên quan, giúp EVN vay được 27.100 tỷ đồng, thì Dự án mới gần như kết thúc công đoạn chuẩn bị đầu tư để bước sang giai đoạn xây dựng nhà máy chính.

Như vậy, tính từ ngày chuyển giao dự án sang EVN - doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm nhất trong thực hiện các dự án điện lớn tại Việt Nam - cũng mất gần 5 năm để xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư. Nếu tính cả thời gian xây dựng thì mất gần 10 năm để về đích một công trình có công suất 1.200 MW.

Từ năm 2016 trở lại đây, miền Bắc có rất ít dự án lớn được triển khai xây dựng hoặc đi vào hoạt động. Cụ thể, chỉ có Nhiệt điện than Thăng Long (600 MW), Nhiệt điện than Thái Bình 1 (600 MW), Nhiệt điện than BOT Hải Dương 1 (1.200 MW), hay sang năm 2022 mới có Nhiệt điện than BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW). Nhưng ngay cả các nguồn này cũng đã được triển khai từ rất lâu mới kịp hoàn tất xây dựng gần đây.

EVN, đơn vị giữ trách nhiệm chính lo điện cho nền kinh tế, nhưng từ năm 2016 đến hết năm 2020 đã không khởi công được dự án nguồn điện lớn nào tại miền Bắc, dù danh sách dự án được mong muốn triển khai không phải là ít.

Tới tận tháng 1/2021, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng công suất 480 MW mới được khởi công xây dựng và nhanh thì cũng mất 3 năm nữa mới hoàn tất công trình.

Ngay cả Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 2, tuy được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021, nhưng nếu theo đúng các quy trình hiện nay, thì có thể phải mất thời gian vài năm mới xong bước chuẩn bị đầu tư để chuyển sang giai đoạn xây dựng công trình.

Trong khi đó, đáng nói là, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW) đã giải ngân được khoảng 34.000 tỷ đồng, tiến độ tổng thể đạt hơn 86%, được cập nhật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về đánh giá tổng thể chất lượng thiết bị, đặc biệt là hoàn tất đàm phán với các nhà thầu quốc tế cung cấp thiết bị - công nghệ, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác vận hành chạy thử, song vẫn tiếp tục nằm chờ một cách lãng phí trong khoảng 3 năm nay.

Chóng mặt lo điện

Không chỉ các nguồn điện lớn và có tính truyền thống được xây dựng khá chậm chạp ở miền Bắc, mà các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cũng không có nhiều ở khu vực này, dù rất bùng nổ ở miền Trung và miền Nam. Thực tế này đang khiến cấp điện cho miền Bắc dần trở thành điểm nghẽn lớn.

Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho thấy, năm 2020, sản lượng điện thương phẩm mà doanh nghiệp này đảm nhiệm vẫn tăng 6,76%, cao hơn mức 3,42% của cả hệ thống. Còn trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng điện tại miền Bắc cũng đạt mức 12,39%, cao hơn nhiều so với con số 8,5% của cả hệ thống.

Cũng bởi khả năng truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn do năng lực của 2 đường dây 500 kV Bắc - Nam hiện chỉ có vậy, nên đã dẫn tới cảnh nguồn điện tuy có ở xa, nhưng không thể tải tới nơi có nhu cầu. Bởi vậy, khi phụ tải tiêu thụ điện của miền Bắc vọt lên mức 21.500 MW trong đợt nắng đầu tháng 6/2021, chuyện cắt điện đã diễn ra với mức 500 - 2.000 MW, tùy theo thời điểm từ ngày 31/5 đến 3/6/2021.

Trước thực trạng này, đề xuất cho phép dịch chuyển giờ phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Bắc áp dụng biểu giá chi phí tránh được để giúp hệ thống có thêm 1.500 - 2.500 MW trong năm nay của ngành điện đã được Bộ Công thương chấp thuận vào ngày 4/6. Tuy nhiên, chính những người làm trong ngành điện thừa nhận, đây không phải là giải pháp lâu dài.

Cũng để có thêm nguồn điện mới cho miền Bắc, ngành điện đang phải tính chuyện mua điện tiếp của Trung Quốc, sau khi hợp đồng mua điện trước đây kết thúc vào cuối năm 2020.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục