
Việc phá sản của MGM đã được nhiều người dự báo ngay từ đầu năm, bởi MGM ôm khoản nợ tới gần 4 tỷ USD mà chưa thấy có nguồn nào bù đắp, cho dù đã “thắt lưng, buộc bụng”, cắt giảm không đưa vào sản xuất nhiều bộ phim, trong đó có bộ thứ 23 trong loạt phim về James Bond, điệp viên 007 đang rất ăn khách và ăn chắc ở đầu ra.
Cũng không thiếu đối tượng nhòm ngó muốn mua lại MGM. Tập đoàn truyền thông Time Warner đã từng đề nghị mua lại MGM với giá 1,5 tỷ USD, nhưng bị từ chối thẳng thừng. Rồi Hãng phim đối thủ Lions Gate đưa ra giá cao hơn là 1,8 tỷ USD với phương án không phải mua lại, mà là sáp nhập, song không được chấp nhận.
Cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Sahara India Pariwar của Ấn Độ cũng đã đặt vấn đề mua lại MGM, với giá dạm mua ban đầu là hơn 2 tỷ USD, nhưng do MGM là thương hiệu quá nổi tiếng, trong khi Sahara India Pariwar dẫu đang rủng rỉnh tiền, nhưng gần như vô danh trong làng điện ảnh, nên đời nào các cổ đông của MGM chấp nhận. Giá trị của MGM hiện được định ước trong khoảng từ 2 đến 3 tỷ USD.
Nhà tỷ phú Carl Icahn nắm cổ phần ở cả Lion Gate lẫn MGM cũng muốn tìm cách thôn tính MGM, nhưng cũng vướng phải rào cản pháp lý. Ông này sở hữu 37% cổ phần của Lion Gate (là cổ đông lớn nhất) và chủ nợ của MGM (MGM nợ ông hơn 500 triệu USD). Ý đồ của ông này, đứng ở góc độ cá nhân, là đưa 2 khoản đầu tư lớn của mình ở 2 hãng phim lớn về một mối cho… dễ quản lý.
Giờ đây, số phận của MGM đang nằm trong tay các chủ nợ.
Các chủ nợ đã tín nhiệm và đưa 2 ông Gary Barber và Roger Birnbaum, đồng Chủ tịch và đồng Giám đốc điều hành (CEO) Hãng phim Spyglass Entertainment về làm đồng CEO MGM, với nhiệm vụ là nhanh chóng đưa MGM trở lại quỹ đạo cũ. Chắc chắn, MGM mới sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều.
Theo nhận định chung, kiểu gì thì số phận của MGM cũng là hẩm hiu, thương hiệu bị mất điểm nặng và mong muốn bao giờ được như ngày xưa chỉ là… giấc mơ xa vời.
Thực ra, trong lịch sử 86 năm tồn tại của mình, thì MGM đã bị mua đi, bán lại tới 3 lần. Lần gần đây nhất, vào năm 2005, tổ hợp các nhà đầu tư tư nhân cùng với Hãng Sony (Nhật Bản) và Comcast (Mỹ) mua lại với giá 5 tỷ USD từ chủ cũ, gồm cả nhà tỷ phú Kirk Kerkorian.
Nói cho khách quan, 3 thập kỷ 30, 40, 50 của thế kỷ trước mới là thời kỳ hoàng kim của MGM. Khi đó, MGM sở hữu nhiều ngôi sao màn bạc nổi tiếng thế giới như Greta Garbo, Joan Crawford, Buster Keaton, Clark Gable... Rồi tác phẩm đỉnh cao là Cuốn theo chiều gió (nguyên văn tiếng Anh Gone with the Wind) được coi là bộ phim kinh điển, sống mãi với thời gian với 2 diễn viên nổi tiếng có vai diễn để đời là Vivien Leigh (trong vai Scarlett O’Hara) và Clark Gable (vai Rhett Butler). MGM cũng là hãng nhận được rất nhiều giải Oscar danh giá.
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, MGM làm ăn sa sút dần. Tháng 8/2009, MGM đã sa thải CEO Harry E. Sloan và thuê CEO mới là Stephen F. Cooper (đã có kinh nghiệm làm việc tại hai tập đoàn Enron và Krispy Kreme). Ông này chịu sức ép từ các cổ đông khi hầu hết chỉ muốn bán MGM để thu tiền về chứ không có ý định tập trung cho hoạt động nghệ thuật.
Theo nhiều chuyên gia điện ảnh, MGM đệ đơn xin phá sản có thể làm cho nhiều người buồn, nhưng không ai buồn và đau như diễn viên Daniel Craig, ngôi sao đang lên như diều. Là gương mặt thứ 6 vào vai James Bond điệp viên 007, sau khi vượt qua hơn 2.000 diễn viên trong vòng tuyển chọn, Daniel Craig đã thực sự thể hiện tài năng, cái duyên đóng phim và kiếm tiền của mình qua 2 bộ phim Casino Royale (sòng bạc hoàng gia – năm 2006) và Quantum of Solace (định mức khuây khoả- năm 2008).
Casino Royale mang lại doanh thu toàn cầu là 596 triệu USD, còn Quantum of Solace cũng đạt tới mức 576 triệu USD. Ngoài ra, nhờ vào việc bán đĩa hình Blu Ray và trò chơi video điện tử, doanh thu của hai tập phim này ước đạt tổng cộng 1,5 tỷ USD, một số tiền khổng lồ.
MGM đã lên kế hoạch làm tiếp tập thứ 23 về James Bond. Ngoài Daniel Craig, MGM đã thuê đạo diễn Sam Mendes, mời nữ diễn viên Jennifer Aniston vào vai người đẹp. Theo kế hoạch, phim sẽ được quay với kỹ thuật 3 D, với kinh phí dự tính là 160 triệu USD. Nhưng nay, kế hoạch đã bị xếp xó, chắc còn lâu mới có thể được thực hiện.
Buồn vậy, nhưng khi được hỏi, diễn viên Daniel Craig chỉ trả lời có đúng 1 câu mà được coi là rất được. Đó là “Tomorrow Never Dies” (Ngày mai không bao giờ chết) và đó cũng chính là tên một phim trong chuỗi phim về James Bond.