Metro Nhổn - ga Hà Nội lập kỷ lục chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Nếu được Chính phủ cho phép nới thời gian hoàn thành toàn tuyến đến năm 2027, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ lập kỷ lục chậm tiến độ khi có thể mất hơn 18 năm triển khai.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội liên tục vỡ tiến độ, phải xin lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2027. Ảnh: Đức Thanh Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội liên tục vỡ tiến độ, phải xin lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2027. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều rủi ro khi nới tiến độ

Đúng một tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, UBND TP. Hà Nội có Tờ trình số 104/TTr - UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội).

Tờ trình này, theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, là đã được hoàn chỉnh theo Báo cáo kết quả thẩm định số 2393/BC - BKHĐT ngày 31/3/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có 2 nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đáng chú ý được UBND TP. Hà Nội kiến nghị người đứng đầu Chính phủ thông qua tại Tờ trình số 104.

Nội dung thứ nhất là việc UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Được biết, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài chính tuyến là 12,5 km (gồm 8,5 km đoạn đi trên cao và khoảng 4 km đi ngầm).

Nội dung thứ hai là UBND TP. Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố tăng 3.895,93 tỷ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỷ đồng).

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sau điều chỉnh sẽ gồm vốn vay ODA trị giá 24.781,99 tỷ đồng; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá 374,62 triệu USD, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 158,77 triệu Euro, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) 125,5 triệu Euro, vay của Chính phủ Pháp 355,41 triệu Euro và vốn ngân sách TP. Hà Nội trị giá 10.044,01 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, hiện nhiều hợp đồng gói thầu không thể gia hạn và thanh toán do Dự án chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn phải thúc các nhà thầu tiếp tục triển khai các hạng mục công việc để đảm bảo tiến độ khai thác vận hành đoạn trên cao trong năm 2023.

“Vì vậy, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc tiếp tục triển khai thực hiện Dự án gồm thi công, giải ngân, thanh toán cho nhà thầu và rà soát, đàm phán điều chỉnh các hiệp định vay, các hợp đồng gói thầu... đồng thời với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để không làm gián đoạn quá trình thực hiện Dự án”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đề xuất.

Cần phải nói thêm rằng, trong Báo cáo kết quả thẩm định số 2393, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đã điều chỉnh thời gian thực hiện lần 1 vào năm 2014 (điều chỉnh từ năm 2009 - 2018 thành 2009 - 2022, gia hạn thêm 4 năm).

Hiện nay, Dự án tiếp tục điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện thêm 5 năm, thành 2009 - 2027, đưa tổng thời gian thực hiện công trình lên tới 18 năm. Đây là một khoảng thời gian dài, dự báo có nhiều thay đổi về chính sách pháp luật.

Do đó, để làm rõ sự cần thiết, tính khả thi, khả năng hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả công trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP. Hà Nội xem xét tổng thể tiến độ toàn Dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án trên cơ sở dựa vào khai thác vận hành toàn tuyến; đảm bảo khả năng đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao năm 2023.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian; các yếu tố ảnh hưởng về công nghệ, kỹ thuật, cam kết ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia, các chế tài xử lý để tránh lạc hậu khi Dự án hoàn thành; đồng thời tránh trường hợp khó tìm vật liệu thay thế, sửa chữa khi vận hành, bảo đảm tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư công trình.

Điểm đen nhà thầu yếu

Tại Tờ trình số 104, hay trong các văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền trước đó, UBND TP. Hà Nội đã nêu 9 nhóm nguyên nhân khiến Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội liên tục bị vỡ tiến độ.

Trong đó, đáng chú ý là việc UBND TP. Hà Nội thừa nhận năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở/ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội là một công trình lớn và phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, tổ chức thực hiện nhưng không có tổng thầu, được phân chia thành 9 gói thầu xây lắp thiết bị chính, tạo ra nhiều giao diện giữa các gói thầu, làm phát sinh điều chỉnh thiết kế và vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập, phê duyệt thiết kế điều chỉnh và dự toán phát sinh gây chậm trễ tiến độ.

Trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về công nghệ, chưa có thực tiễn quản lý, điều hành dự án có quy mô lớn, có tính kinh tế - kỹ thuật cao, phức tạp; nội bộ lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị có khiếu nại, tố cáo phức tạp, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành chung.

Bên cạnh đó, Systra được chỉ định thầu là tư vấn thực hiện dự án (thực hiện các công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu; hỗ trợ đấu thầu; giám sát thi công và hỗ trợ quản lý thực hiện dự án) thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam, nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn.

UBND TP. Hà Nội cho biết, đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các vấn đề khác biệt giữa Hợp đồng FIDIC và quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để quản lý đảm bảo tiến độ Dự án.

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2021 đến 13/9/2021, tư vấn đã tạm ngừng huy động dịch vụ (lần thứ 3 từ khi triển khai Dự án đến nay), gây sức ép chủ đầu tư trong việc thương thảo, gia hạn hợp đồng.

Không chỉ đơn vị tư vấn ngoại, mà đơn vị nhà thầu nội duy nhất tham gia vào Dự án là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) thi công Gói thầu CP05 - Các công trình kiến trúc Đề pô (khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu) cũng liên tục khiến UBND TP. Hà Nội và chủ đầu tư thấp thỏm về năng lực thi công.

Gói thầu CP05 do Hancorp trúng thầu với giá trị hợp đồng gốc là 613,66 tỷ đồng, tương đương 22,24 triệu euro, thời gian thực hiện hợp đồng là 61 tháng (hợp đồng ký ngày 24/10/2012). Sau 10 lần ký phụ lục hợp đồng, giá trị hợp đồng phình thêm gần 280 tỷ đồng (lên 789,6 tỷ đồng).

Được biết, nội dung công việc chính của Gói thầu CP05 là thực hiện các nhà điều hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (OCC) và các nhà chứa tầu, nhà bảo dưỡng, kỹ thuật điện và các công trình phụ trợ. Dù không quá phức tạp về công nghệ, nhưng nội dung công việc của gói thầu này rất quan trọng, do liên quan trực tiếp đến an toàn vận hành, bảo dưỡng đoàn tàu, hệ thống điện… của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội.

Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2023, Gói thầu CP05 thực hiện mới đạt 78,1% (chủ yếu phần xây lắp), chậm 6 tháng so với tiến độ được điều chỉnh và không đảm bảo các mốc tiến độ quan trọng so với kế hoạch như: đặt hàng vật tư thiết bị cơ điện - MEPF (ngày 15/11/2021); bàn giao cho các gói thầu cơ điện (ngày 1/6/2022); đóng điện hạ thế Depot (ngày 30/6/2022).

“Mặc dù UBND TP. Hà Nội và chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với Bộ Xây dựng để thúc tiến độ, song vẫn bị chậm. Việc tiến độ chậm trễ khoảng 6 tháng của Gói thầu CP05 đang tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao và chi phí phát sinh cho chủ đầu tư”, ông Dương Đức Tuấn thông tin.

Một điểm hạn chế khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra trong Báo cáo kết quả thẩm định Dự án là công tác giám sát, đánh giá đầu tư được chủ đầu tư thực hiện rất chệch choạc.

Theo tra cứu trên Hệ thống Thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đã mở tài khoản báo cáo trên Hệ thống thông tin, tuy nhiên tình hình thực hiện Dự án mới dừng lại ở năm 2017.

“Đề nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thực hiện đầy đủ công tác giám sát và đánh giá đầu tư của Dự án theo đúng quy định trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.

Cơ sở để UBND TP. Hà Nội đề xuất hoàn thành đoạn tuyến trên cao, điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 như sau:

- Hoàn thành công trình đoạn trên cao, kết thúc chạy thử vào tháng 12/2022 (thực tế các công trình xây lắp đoạn trên cao của Dự án đã cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2022 và chạy thử thành công vào ngày 14/12/2022);

- Hoàn thành vận hành thử vào tháng 6/2023 để vận hành thương mại tháng 8/2023:

+ Hoàn thành Gói thầu CP05 Depot tháng 5/2023;

+ Hoàn thành nhóm công việc nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống để đưa vào khai thác tháng 8/2023;

+ Hoàn thành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy trong tháng 3/2023 cho các nhà ga trên cao, tháng 5/2023 cho Depot.

+ Về đánh giá an toàn hệ thống: dự kiến tư vấn ABC hoàn thành báo cáo đánh giá số 11 trong tháng 3/2023 trước khi vận hành thử. Chứng nhận an toàn hệ thống sẽ được phát hành tại báo cáo số 12 sau 20 ngày kể từ khi kết thúc giai đoạn vận hành thử.

+ Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu (SIC) đã kiểm tra, chứng kiến giai đoạn chạy thử, dự kiến có báo cáo đánh giá công tác nghiệm thu công trình hoàn thành đoạn trên cao của dự án (đến hết giai đoạn chạy thử) trong tháng 3/2023. Chấp thuận cuối cùng của SIC sẽ được ban hành sau 30 ngày kể từ khi nhận được hồ an toàn hệ thống được thẩm định bởi Cục Đường sắt Việt Nam, dự kiến tháng 8/2023.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục