Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2006, nhưng đến nay, Trung tâm Thương mại (TTTM) MeLinh Plaza (huyện Mê Linh) có tỷ lệ lấp đầy khá khiêm tốn. Khách hàng đến Trung tâm vẫn rất thưa thớt và cơ cấu dịch vụ tại trung tâm còn nghèo nàn.
Khuyến mãi khủng để… câu khách!
Trên một số trang mạng rao vặt về BĐS mới đây, có một tin rao vặt xuất hiện với một tần suất rất lớn, ấy là tin rao cho thuê diện tích từ 300 - 3.000 m2 sàn TTTM Melinh Plaza, với ưu đãi khủng là miễn phí tiền thuê mặt bằng trong năm đầu tiên.
Bà Trần Thị Quỳnh, phụ trách marketing và cho thuê TTTM Mê Linh Plaza cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lấp đầy tại TTTM Mê Linh Plaza khoảng 82%. Những khách hàng thuê mặt bằng tại Mê Linh Plaza vẫn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chủ đầu tư, nhất là sự hỗ trợ trong lĩnh vực truyền thông.
Đối với nhiều TTTM ngoại vi Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy 80% được đánh giá là rất cao. Thế nhưng, với một TTTM đã đi vào hoạt động hơn 5 năm, nằm tại một “cửa ngõ” quan trọng của Thủ đô, lại tổ chức riêng hệ thống xe buýt miễn phí cho khách mua sắm có tầm hoạt động khá rộng, thì tỷ lệ 80% khó có thể nói là một thành công của TTTM này.
Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy tại TTTM Mê Linh Plaza khoảng 82%
Được biết, theo định hướng ban đầu, TTTM Melinh Plaza sẽ được phát triển thành một tổ hợp thương mại vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất; khách sạn, văn phòng, căn hộ và khu nhà hàng. Ở thời điểm mới đi vào hoạt động, nó được coi là một mô hình rất mới mẻ tại thị trường Việt Nam.
Thế nhưng, có lẽ vì định hướng ban đầu không phải là một trung tâm mua sắm, giải trí dành cho đại chúng, nên khách hàng đến TTTM này cũng là những nhóm khách hàng khá đặc thù. Lượng khách đến với Melinh Plaza trong những năm đầu rất ít, khiến nhiều thương hiệu kinh doanh tại đây không đạt được kết quả kỳ vọng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, một nhân viên bán hàng kính mắt thời trang ở ngay cửa ra vào của TTTM cho biết: “Trước khi có sự xuất hiện của siêu thị Big C tại đây, Melinh Plaza rất vắng khách, vì mỗi mặt hàng bán tại TTTM thường có giá lên đến vài chục triệu đồng, ít người có khả năng mua sắm. Nhưng nay, hàng hóa đa dạng về chủng loại, giá cả nên lượng khách đã đông hơn, nhưng khách đến chỉ để mua sắm rồi về, do các dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí hầu như không có.
Anh Thiện, nhân viên bán hàng tại Showroom chuyên về đồ nội thất Tuấn Hường cho biết, do không có nhiều khách đến mua sắm, việc bán đồ nội thất tại đây có sự cạnh tranh rất lớn giữa các DN bán hàng. Có mặt tại Melinh Plaza khoảng 4 năm nay, nhưng showroom Tuấn Hường đang phải thu hẹp diện tích để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng.
Cũng theo anh Thiện, Melinh Plaza có nhiều hỗ trợ cho cả người bán hàng lẫn người mua hàng nhưng sự nghèo nàn về dịch vụ ẩm thực và các dịch vụ vui chơi khác của TTTM khiến nhiều người đến tham quan mua sắm muốn ăn uống, thư giãn cũng không có nhiều lựa chọn.
Thay chiến lược kinh doanh để… tồn tại
Theo bà Trần Thị Quỳnh, trong chiến lược mới của TTTM Melinh Plaza, các dịch vụ giải trí, ẩm thực tại TTTM sẽ được gia tăng. Thậm chí, trong kế hoạch, chủ dự án sẽ đưa cả rạp chiếu phim vào TTTM. Như vậy, sau sự xuất hiện của Siêu thị BigC, việc gia tăng các loại hình dịch vụ tại Melinh Plaza được kỳ vọng sẽ lôi kéo lượng khách hàng đến mua sắm ngày một đông.
Có thế thấy, việc định hướng trở thành một tổ hợp vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất; khách sạn… mà không chú trọng đến việc phát triển song hành các dịch vụ hướng đến số đông người tiêu dùng trước kia là không hiệu quả. Bởi, khách hàng đến mua sắm nội thất, VLXD không phải không có nhu cầu ẩm thực, dịch vụ. Và ngược lại, khách hàng đến sử dụng các dịch vụ giải trí, ẩm thực… cũng không phải không có nhu cầu mua sắm các đồ nội thất.
Vẫn còn quá sớm để nói đến một sự thành công trong chiến lược mới của TTTM Melinh Plaza. Nhưng trong bối cảnh thị trường mặt bằng bán lẻ trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt, ngoài giảm giá thuê và miễn giá thuê có thời hạn, nếu chủ đầu tư TTTM Melinh Plaza không có sự thay đổi, cơ cấu lại loại hình dịch vụ, một kịch bản thất bại không phải không thể xảy ra trong tương lai.