Ông Phạm Tuấn Anh (biệt danh Gấu) sinh năm 1976 tại Bắc Ninh và lớn lên ở Hà Nội. Ông đến Mỹ năm 1997, bắt đầu học cao học năm 1998, và sống tại Washington DC từ năm 2004.
Số phận đã sắp đặt một cách khác thường để chàng trai Gấu mới 19 tuổi được Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson (vai trò như Đại sứ Hoa Kỳ lúc hai nước chưa bổ nhiệm đại sứ) mời làm người phiên dịch. Nhờ thế mà Phạm Tuấn Anh đã là một chứng nhân của tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ ngay từ buổi đầu.
Năm 1998, ông nhận được học bổng và theo học tại trường Ngoại giao và Hành chính Công mang tên Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ là Woodrow Wilson thuộc đại học danh tiếng Princeton.
Sau này, ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trước khi làm người tư vấn cho Chính phủ Hoa Kỳ, rồi sáng lập và quản lý Trường Minh Việt (MVA) tới nay.
Video chương trình Đối thoại đầu tuần, chủ đề "Việt Nam – Cơ hội và lối rẽ của một nền kinh tế", do Báo Đầu tư thực hiện với sự tham gia của ông Phạm Tuấn Anh cùng hai Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) là ông Nguyễn Đình Lương và ông Joe Damond, phát sóng ngày 29/8/2022, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).
Ở Việt Nam, người ta biết đến ông Phạm Tuấn Anh rõ nhất trong vai trò là người phiên dịch cho Tổng thống Obama và Phó tổng thống Biden trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015. Cuộc hội đàm của Tổng thống Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng là sự kiện lịch sử đánh dấu mốc 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 2 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Tiếp đó, vào tháng 5/2016, ông lại là phiên dịch cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Ông cũng được biết chính là người đề xuất những câu thơ Kiều được trích dẫn trong những bài phát biểu “lay động trái tim người Việt” của các lãnh đạo Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn là người phiên dịch, người kết nối trong nhiều cuộc gặp, sự kiện quan trọng khác giữa lãnh đạo Việt - Mỹ trong những năm qua.
Cuộc đời ông Phạm Tuấn Anh trong 25 năm qua là một chuyến đi dài và thú vị, như cách ông nói, đó là một “hành trình ánh sáng” nhiều ý nghĩa. Hành trình này không chỉ thú vị ở mức độ cá nhân, mà còn có ý nghĩa công cộng tốt đẹp đáng ngưỡng mộ đến từ những nỗ lực của ông chung tay bồi đắp quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông Phạm Tuấn Anh (bìa phải) là người phiên dịch cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ hồi tháng 7/2015. |
Là một đứa trẻ nhà nghèo từ Việt Nam bước chân đi ra thế giới trong hành trình ánh sáng, được đến tận Nhà Trắng là trung tâm của quyền lực thế giới, ông nói trong lòng ông luôn tràn ngập cảm giác biết ơn. Dường như có một năng lực siêu nhiên, tâm linh nào đó đã dẫn dắt cuộc đời ông đi xuyên qua bao ma trận để đến được nơi đồng xanh có hoa trái ngọt lành.
Sự biết ơn những nguồn ánh sáng soi đường khiến ông khát khao và tự đặt cho mình trách nhiệm giúp cho nhiều người trẻ Việt Nam đi ra thế giới thành công. Từ năm 2000, ông đã giúp cho hơn 20 bạn trẻ Việt Nam tới Mỹ học tập và thành đạt.
Để mở rộng mô hình này, tháng 7/2019, ông Phạm Tuấn Anh đã sáng lập trường Minh Việt (Minh Việt Academy - MVA) là trường học Mỹ trực tuyến học phí thấp kết nối các giáo viên Mỹ với học trò Việt Nam.
Chương trình học này giúp cho trẻ con nhà nghèo Việt Nam cũng có thể hưởng nền giáo dục tiên tiến của Mỹ, để chuẩn bị cho các em trở thành công dân toàn cầu mà không phải đi ra ngoài sớm, không mất đi mối dây gắn bó với quê hương Việt Nam khi còn quá trẻ.
Tham vọng của ông là trong 30 năm tới sẽ đưa được 10.000 bạn trẻ Việt Nam ra thế giới để họ làm việc trong các công ty, các viện nghiên cứu và đại học, các tổ chức toàn cầu, và các chính phủ thế giới.
Ông Phạm Tuấn Anh phiên dịch cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 5/2016. |
Xưa nay, dù được tham gia những sự kiện quan trọng, được đi dịch cho chuyến thăm của Tổng thống Clinton xưa hay của Tổng thống Obama sau này, ông Phạm Tuấn Anh luôn đưa ra lý do hợp lý để từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí. Ông luôn nhận mình chỉ có vai trò khiêm nhường không có thành quả gì lớn để khoe.
Nhóm phóng viên Báo Đầu tư đã thuyết phục ông rằng, câu chuyện cuộc đời ông có thể là nguồn cảm hứng tích cực cho những người trẻ Việt Nam đến từ các gia đình nghèo để họ dũng cảm đi ra thế giới. Lý do này đã thuyết phục được ông đồng ý dành cho Báo Đầu tư một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Chúng tôi đã có ba buổi trò chuyện kéo dài tổng cộng gần 10 tiếng với ông Phạm Tuấn Anh. Ông luôn tỏ ra khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm thể hiện qua giọng nói ấm áp, truyền cảm. Chúng tôi bị cuốn theo mạch chuyện của ông mà nhiều lúc quên đi những câu hỏi chuẩn bị sẵn.
Những điều ông kể dường như được lấy ra từ một cuốn sách lịch sử đầy ắp trải nghiệm, kỷ niệm, triết lý sống nhân văn lay động lòng người. Xuyên suốt trong cuốn sách đó là tình yêu quê hương đất nước Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh tại Lễ kỷ niệm 3 năm thành lập MVA (4/7/2019 – 4/7/2022). |
Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc câu chuyện của một nhân vật Việt Nam khá đặc biệt, người hay tự nhận mình chỉ may mắn như một “chàng Lọ Lem”, hay đùa rằng mình chỉ là một “chàng ngốc” con nhà nghèo may mắn được các đấng thần linh tổ tiên Việt Nam phù hộ độ trì cho được bước chân đi trên hành trình thế giới, một thứ hành trình ánh sáng với mục đích cuối cùng là mang chỉ những điều tốt đẹp về cho đất nước Việt Nam. Đây là một câu chuyện về lòng trung thành, sự tận tâm, tinh thần hiến dâng cho quê hương được xếp đặt hài hòa trong tình yêu nhân loại.