[Megastory] Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Joe Damond: Chương 3 - Khát khao chắp cánh cho ngành sinh dược Việt Nam

Ông Joe Damond chia sẻ câu chuyện về cơ hội và lối rẽ của nền kinh tế Việt Nam sau BTA cùng khát khao đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu thế giới trong ngành sinh dược toàn cầu.
[Megastory] Nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Joe Damond: Chương 3 - Khát khao chắp cánh cho ngành sinh dược Việt Nam

Sau khi rời công việc Chính phủ Hoa Kỳ, ông Joe Damond đã trải qua các vị trí Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ Quốc tế của PhRMA là hiệp hội các công ty dược phẩm Hoa Kỳ, Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ của hãng dược Pfizer, sau đó là Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ Quốc tế và Phó chủ tịch phụ trách Chính sách của BIO là liên minh của các hãng dược lớn nhất của Hoa Kỳ.

Với tình yêu, tình bạn lâu năm, tri kỷ với đất nước Việt Nam; với kinh nghiệm làm việc chặt chẽ với Việt Nam để đưa đất nước vào nền kinh tế toàn cầu, hơn lúc nào hết ông đang nhìn thấy cơ hội to lớn và cảm thấy khát khao được góp sức xây dựng một Việt Nam hùng mạnh hơn trong lĩnh vực mà ông có chuyên môn. Mong muốn của ông là đưa được Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành sinh dược học toàn cầu.

Trong 22 năm qua, ông đã tới hơn 30 quốc gia với vai trò là một người điều hành trong ngành dược phẩm và công nghệ sinh học. Ông cũng vừa tham gia Hội nghị “Toàn cầu hóa lĩnh vực dược Việt Nam” diễn ra ngày 17/8/2022 tại Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về triển vọng phát triển của ngành dược Việt Nam?

- Tôi đặc biệt quan tâm đến Hội nghị “Toàn cầu hóa lĩnh vực dược Việt Nam” bởi nó kết hợp hai phần quan trọng trong sự nghiệp của tôi là tình yêu với đất nước Việt Nam và mong muốn để đưa Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, và chuyên môn của tôi trong lĩnh vực dược trên phạm vi toàn cầu. Bây giờ tôi đang thấy cơ hội to lớn để Việt Nam phát triển một cách sâu sắc hơn trong một ngành mà tôi có nhiều kiến thức chuyên môn nhất- ngành công nghiệp dược trên phạm vi toàn cầu.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nên coi ngành sinh dược là một ngành kinh tế được ưu tiên. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng Việt Nam có cả nhu cầu lớn và cơ hội lớn để trở thành một nước dẫn đầu thế giới trong ngành sinh dược toàn cầu.

Điều ông vừa nói khiến chúng tôi rất bất ngờ bởi công nghiệp sinh dược là ngành Việt Nam đi sau thế giới khá xa.

- Với những hiểu biết của mình, tôi tin chắc ngành sinh dược sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế hàng đầu của thế kỷ 21. Hai lý do cho việc này là tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng cao của các quốc gia trên thế giới giống như Việt Nam cần chăm sóc sức khỏe nhiều hơn và tốt hơn cho người dân.

Hiện đang có một cuộc cách mạng công nghệ dược phẩm đang dẫn dắt chúng ta đến giai đoạn điều trị hiệu quả hơn, kể cả chữa khỏi các bệnh mà trước kia bị coi là ngoài tầm tay như ung thư hay alzheimer, và ngăn chặn thành công các nguy cơ đại dịch mới.

Những tiến bộ này sẽ cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe trên thế giới và tạo cơ hội mới hấp dẫn cho các quốc gia. Nếu cuối thế kỷ 20 đã sản sinh ra cuộc cách mạng công nghệ thì thế kỷ 21 này thế giới sẽ nói nhiều hơn về công nghệ sinh học, về các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như gen, điều trị tế bào và chỉnh sửa gen, các lĩnh vực mà hiện nay có vẻ lạ lẫm nhưng trong vài năm tới sẽ trở nên phổ biến hơn.

Tin tốt là ngoài Hoa Kỳ thì không có quốc gia nào dẫn đầu trong ngành này, đặc biệt là ở châu Á. Vì thế lúc này không phải là quá muộn để Việt Nam có thể tham gia vào cuộc chơi này cũng như để đuổi kịp những nước khác. Trong thập kỷ tới có thể có nhiều quốc gia tạo được sức ảnh hưởng lớn trong ngành này, ở khu vực và trên toàn cầu. Việt Nam cần nhận thức rằng đây chính là thời điểm lý tưởng để tham gia vào cuộc cách mạng sinh dược toàn cầu.

Để hiểu rõ hơn cơ hội cho Việt Nam trong ngành sinh dược, xin ông chia sẻ ngành sinh dược toàn cầu được cơ cấu và đang phát triển như thế nào?

- Trước tiên chúng ta cần lưu ý là ngành sinh dược toàn cầu không được cấu trúc như các ngành công nghiệp khác. Nó là một hệ sinh thái thực sự chứ không đơn giản là một nhóm các công ty toàn cầu quy mô lớn. Chuỗi giá trị của ngành sinh dược có rất nhiều thành phần tham gia, đi từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lâm sàng và phát triển thuốc, chuyên môn, pháp lý, hay tạo ra các yếu tố đầu vào của sản xuất công nghiệp và phân phối sản phẩm.

Mặc dù có một số công ty tích hợp nhiều thành phần nhưng hệ sinh thái ngày càng có sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn các công ty lớn nhỏ cộng tác và hợp tác với nhau xuyên biên giới trong nhiều lĩnh vực.

Thứ hai, thực tế là ngành công nghiệp này đang có sự gia tăng thành phần của các công ty nhỏ. Hơn 70% sản phẩm sinh dược mới được FDA của Hoa Kỳ phê duyệt có xuất xứ từ các công ty nhỏ.

Đó là sự thay đổi lớn so với một đến hai thập kỷ trước. Phần lớn số còn lại của chuỗi cung ứng cũng ngày càng được chuyên môn hóa cao. Điều này có ý nghĩa đối với Việt Nam và cho thấy còn có nhiều cơ hội và cơ hội mới để Việt Nam xác định các lĩnh vực cụ thể vượt trội trên thị trường toàn cầu và thông qua sự cộng tác để tạo cơ hội thị trường mới cho các công ty của mình trên toàn thế giới.

Xin đưa ra một số ví dụ cho thấy hiện nay các đối tác toàn cầu đa dạng và năng động như thế nào trong ngành này. Một công ty sinh dược nhỏ của Mỹ có tên gọi là Novavax đã nhận được sự phê duyệt cho một loại vắc-xin Covid mới. Nhưng do họ thiếu quy mô sản xuất toàn cầu nên đã hợp tác với một công ty Hàn Quốc sản xuất vắc-xin này cho châu Á.

Hay SK Bioscience thực hiện nghiên cứu về các loại vắc-xin và đã hợp tác với GSK, một công ty đa quốc gia tại Anh chuyên về lĩnh vực này.

Hoặc một ví dụ về công ty nhỏ hơn khác của Hoa Kỳ là Alnylam có công nghệ sinh học tiên tiến và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ RNA. Để kiểm tra nghiên cứu này trong thử nghiệm lâm sàng với các bệnh nhân, họ đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hồng Kông và ở châu Âu là Bulgaria. Mỗi thử nghiệm này đều cần sự chia sẻ công nghệ mới với các chuyên gia y tế địa phương và qua đó nâng cao kiến thức và kỹ năng của họ.

Tương tự, công ty quy mô nhỏ khác của Hoa Kỳ là Alkermes đang thực hiện thử nghiệm về ung thư và thần kinh tại Hàn Quốc, Đài Loan, Serbia, và Anh.

Tôi đưa ví dụ về các công ty có quy mô nhỏ hoặc vừa tại Hoa Kỳ để cho thấy sự đa dạng của các kết nối và cơ hội tuyệt vời cho hợp tác.

Tất nhiên là những công ty đa quốc gia lớn thực hiện nhiều hợp tác hơn, trên quy mô lớn hơn, trong nhiều lĩnh vực hơn.

Vì vậy, ngay cả với một quốc gia có ngành sinh dược học phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ thì vẫn có trên 50% tổng số tất cả các loại thuốc tiên tiến được phát triển toàn cầu. Và ngành này vẫn đang được toàn cầu hóa một cách nhanh chóng.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định là ngành sinh dược cần một chiến lược ưu tiên trong phát triển kinh tế. Tại châu Á, những quốc gia và vùng lãnh thổ có ưu tiên đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan. Nhưng cơ hội luôn song hành với thử thách trong bối cảnh thị trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, nếu có chiến lược đúng đắn thì tôi tin tưởng là Việt Nam có thể định vị vai trò quan trọng trong hệ sinh thái sinh dược toàn cầu.

Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng dù đi sau nhưng đất nước vẫn có thể thành công trong nhiều lĩnh vực khác trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam có một lực lượng dân số năng động, sáng tạo, có học vấn cao, cũng như đạo đức làm việc đáng kinh ngạc. Đây là những nền tảng để thành công ngay cả trong một ngành cạnh tranh và phát triển nhanh chóng như sinh dược.

Nhưng những yếu tố cơ bản là chưa đủ để thành công toàn cầu. Việt Nam cần chiến lược phát triển đúng đắn cho ngành công nghiệp sinh dược học.

Ông Joe Domand phát biểu tại Hội nghị “Toàn cầu hóa lĩnh vực dược sinh học của Việt Nam”, diễn ra ngày 17/8/2022, tạiHà Nội.

Ông Joe Domand phát biểu tại Hội nghị “Toàn cầu hóa lĩnh vực dược sinh học của Việt Nam”, diễn ra ngày 17/8/2022, tạiHà Nội.

Vậy chiến lược phát triển ngành công nghiệp sinh dược học toàn cầu của Việt Nam cần có những yếu tố cơ bản nào, thưa ông?

- Trước tiên, chiến lược cần có tiêu chí để quyết định định hướng cơ bản cho tương lai ngành sinh dược Việt Nam.

Ở đây có hai lựa chọn cơ bản cần được thực hiện gồm: Ngành dược định hướng chủ yếu ở nội địa hay toàn cầu và ngành có tập trung vào sản xuất thuốc chính hãng hoặc nghiên cứu và phát minh thuốc mới hay không?

Về định hướng, ngành sinh dược của Việt Nam cần có một trọng tâm toàn cầu. Có nghĩa là thay vì chỉ thống lĩnh thị trường trong nước, Việt Nam nên tập trung cạnh tranh toàn cầu và đầu tư cho việc tiếp thị, bán hàng cho thị trường toàn cầu với quy mô lớn hơn. Đây là cách tiếp cận bền vững hơn, có lợi ích kinh tế hơn.

Kể từ khi hoàn thành Hiệp định BTA với Hoa Kỳ, Việt Nam đã khẳng định năng lực cạnh tranh toàn cầu và tôi tự tin Việt Nam có thể làm được điều tương tự trong lĩnh vực này.

Vậy câu hỏi là Việt Nam thực sự muốn ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu? Việt Nam có muốn cạnh tranh với Ấn Độ và Trung Quốc trong sản xuất thuốc generic có khối lượng cao nhưng giá trị gia tăng thấp hay không? Hay muốn đạt trình độ của hệ sinh thái sáng tạo thuốc gốc toàn cầu với giá trị gia tăng cao hơn?

Đây quả là một sự lựa chọn khó khăn. Tôi cho rằng, ở giai đoạn này, sức mạnh và sự và lợi thế so sánh của Việt Nam chính là lĩnh vực sản xuất thuốc generic.

Nếu Việt Nam muốn trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao hay mức thu nhập cao thì cần chuyển mình trên chuỗi giá trị theo hướng đổi mới và phát minh. Vì vậy, Việt Nam cũng cần tham gia ngay vào việc sản xuất và phát triển biệt dược gốc.

Về chiến lược tổng thể, bài học chủ yếu học được từ các quốc gia khác là việc xây dựng chiến lược cần sự tham gia của tất cả các cơ quan Chính phủ có liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương…

Nhiều quốc gia trong khu vực đã lãng phí rất nhiều thời gian vì cuộc chiến liên bộ trong ngành này do các bộ đưa ra chính sách trái ngược nhau. Việt Nam nên rút kinh nghiệm và hình thành quy trình liên bộ để có thể tạo ra một tầm nhìn chung và một kế hoạch hành động chung.

Hơn 20 năm qua, ông không chỉ phát triển mạng lưới toàn cầu mạnh mẽ gồm những người bạn và đồng nghiệp mà còn thu nạp được rất nhiều bài học về cách các quốc gia có thể thành công trong lĩnh vực này. Ông có thể chia sẻ những bài học quý giá đó để Việt Nam không đi theo những vết xe đổ và học hỏi thành công của người đi trước?

- Một câu hỏi thật hay! Kinh nghiệm của các quốc gia châu Á khác cũng chính là điều tôi muốn chia sẻ để cung cấp những bài học có giá trị cho Việt Nam về hướng đi toàn cầu và phát triển, sáng chế thuốc.

Thực tế là có rất nhiều nền kinh tế then chốt của châu Á đã có những sai lầm trong nền kinh tế sinh dược toàn cầu. Nhiều người cho rằng với sự thành công trong công nghệ thông tin và khoa học thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ nghiễm nhiên có một số công ty sinh dược công nghệ cao thành công nhất trên thế giới. Tuy nhiên họ không làm được điều đó vì đã lựa chọn sai lầm, và họ chỉ mới bắt đầu sửa lỗi trong thời gian gần đây.

Đầu tiên, họ đã chọn cách sai để phát triển ra toàn cầu. Hầu hết các nước Đông Á đều áp dụng mô hình phát triển ngành sinh dược theo các mô hình mà họ đã sử dụng thành công trong các ngành như ô tô và điện tử. Đó là tạo lợi ích kinh tế cao trong thị trường nội địa và bảo hộ cho các nhà sản xuất để họ hưởng nhiều thuận lợi. Sau đó thu nhập sẽ được dùng để đầu tư vào việc đổi mới.

Cách tiếp cận tương tự đã được sử dụng trong ngành sản xuất thuốc generic. Các quốc gia tạo lợi thế địa phương cho các công ty sản xuất thuốc generic của họ, bao gồm ưu đãi về thuế, phí, với mong đợi rằng họ sẽ đầu tư lợi nhuận vào đổi mới và phát kiến.

Nhưng các công ty không bao giờ làm điều này. Lý do là việc sáng chế ra thuốc mới quá rủi ro, với tỷ lệ thất bại lên tới 90% và chi phí phát triển quá cao vào khoảng trung bình 2 tỷ USD cho mỗi loại thuốc thành công. Ngoài ra thì sự hợp tác với các đối tác địa phương cũng không được khuyến khích.

Nếu các công ty có thể kiếm lợi nhuận lớn tại thị trường nội địa mà không phải đối mặt với rủi ro cao của việc nghiên cứu sáng tạo và phát minh thì họ sẽ chẳng tội gì mà làm như vậy. Họ thiếu cả động lực và vốn cho phát minh.

Khi đang ở trong một thị trường được bảo hộ và không có đối tác toàn cầu, hầu hết các công ty của họ không thể cạnh tranh toàn cầu, ngay cả trong lĩnh vực thuốc generic. Và không ai trong số họ trở thành “nhà lãnh đạo” toàn cầu trong việc phát minh thuốc mới.

Tuy nhiên, Ấn Độ và gần đây là Trung Quốc đi theo hướng khác là tập trung vào sản xuất hóa dược phẩm generic trên quy mô toàn cầu. Việc này đã được chứng minh thành công ít nhiều, vì cả hai quốc gia đều có thị trường nội địa lớn.

Bài học cho Việt Nam là trong ngắn hạn thì tốt nhất là tập trung vào lĩnh vực sản xuất thuốc gereric. Nhưng đây là con đường có giá trị thấp và sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh từ không chỉ các quốc gia lớn hơn như Trung Quốc và Ấn Độ mà thậm chí là từ các nước có thu nhập thấp hơn.

Nhưng một lần nữa tôi tin rằng Việt Nam có thể tránh được sai lầm của những nước láng giềng. Trong trường hợp của Việt Nam, giải pháp là hợp tác với các đối tác toàn cầu, điều mà các quốc gia khác thường chưa làm trong quá khứ. Hợp tác với các công ty toàn cầu là “chìa khóa” để Việt Nam tạo “bước nhảy vọt” trong ngành sinh dược toàn cầu.

Hiện nay, tiếp cận hệ thống kinh tế toàn cầu trong lĩnh vực này còn khá dễ dàng cho những người chơi mới hơn là khi thị trường đã bị một số công ty dược lớn chi phối.

Vậy thưa ông, ví dụ là nếu Việt Nam đã chọn hướng đi là phát triển ngành sinh dược toàn cầu thì làm thế nào để chiến lược đó được thực hiện thành công?

- Như tôi đã nhấn mạnh thì mặc dù trong hệ sinh thái sinh dược toàn cầu hiện nay còn có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít chông gai để Việt Nam xác định vị trí của mình.

Trước tiên, Việt Nam cần hiểu biết rất kỹ về chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng thường bắt đầu đối với nhiều nước theo kênh tài chính và đầu tư, qua đó các nhà đầu tư vốn mạo hiểm và các công ty dược toàn cầu tìm kiếm đối tác mà họ có thể đầu tư vào.

Điều không thể chối cãi là Việt Nam sẽ có lợi ích tuyệt vời nếu thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu. Có nhiều dự án được xem xét trong ngành này, và nhiều nhà đầu tư trong ngành đang tìm cách đa dạng hóa đầu tư của họ vào châu Á.

Để Việt Nam tiếp cận được với các đối tác tiềm năng thì có một số sự kiện toàn cầu, chủ yếu dành cho việc kết nối các nhà đầu tư sinh dược toàn cầu với các công ty, mà Việt Nam có thể tham gia. Đơn cử như Hội thảo sinh học J.P Morgan, được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại San Francisco (Hoa Kỳ), là nơi hội tụ cộng đồng tài chính, các công ty sinh dược và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Hay sự kiện khác là Hội nghị quốc tế BIO, tập hợp của các công ty sinh dược phẩm, các nhà đầu tư và các Chính phủ, diễn ra thường niên tại Hoa Kỳ vào tháng 6.

Ông Joe Damond phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ y tế, ngày 17/8/2022.

Ông Joe Damond phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ y tế, ngày 17/8/2022.

Hội nghị BIO thường có khoảng hơn 20 ngàn thành viên đến từ 60 quốc gia tham gia. Họ sử dụng một phần mềm chuyên biệt để kết nối hàng ngàn công ty tham gia bằng cách giúp các công ty tìm kiếm và gặp gỡ các đối tác tiềm năng với các đặc tính cụ thể tùy chọn.

Hội nghị BIO có thể sắp xếp lên đến trên 40.000 cuộc họp tay đôi trong khoảng 3 ngày. Các sự kiện này quy mô rất đồ sộ và sẽ cần thời gian để Việt Nam chuẩn bị nếu Việt Nam muốn tham gia.

Hội nghị BIO năm tới sẽ diễn ra ở Boston vào tháng 6 năm 2023. Tôi hy vọng sẽ có một đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự. Ở một hội nghị lớn như vậy rất cần thiết có một quan chức cấp Bộ trưởng tham gia để có thể đưa ra những thông điệp tinh tế, uy tín, có thể thu hút, hấp dẫn được các công ty, nhà đầu tư quốc tế, cũng như khẳng định là Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và sẵn sàng tham gia tích cực.

Điều này đòi hỏi vai trò quan trọng của Chính phủ và các công ty. Việt Nam nên khảo sát các Hội nghị quốc tế quan trọng như tôi đã đề xuất và bắt đầu tham gia các sự kiện đó. Thành công sẽ không đến ngay ngày hôm sau nên cần bắt đầu thật sớm.

Vậy để có thể sớm sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng sinh dược toàn cầu thì Việt Nam có thể thực hiện ngay những công việc cụ thể nào?

- Có 4 bước thực tiễn đòi hỏi Việt Nam thực hiện.

Thứ nhất, ngành sinh dược Việt Nam nên làm việc với các công ty đa quốc gia trong năm tới để thực hiện khảo sát các điểm mạnh và điểm yếu của ngành. Điều này có thể được thực hiện qua điều nghiên hoặc qua các tham luận tại một hội thảo nơi chúng ta lắng nghe quan điểm từ các bên hữu quan đa dạng đến từ cả trong và ngoài Việt Nam để có thể có được một bức tranh toàn cảnh chính xác.

Thứ hai, Việt Nam nên tổ chức một số sự kiện trong nước với các chuyên gia để có thể đánh giá chi tiết hơn về hệ thống sinh thái sinh dược toàn cầu. Điều này không phải quá tốn kém và là một trong những việc mà tôi có thể giúp được.

Thứ ba, Việt Nam cần một kế hoạch kết nối toàn cầu. Có nhiều hội nghị và hội nghị quốc tế, một số có tính khu vực như các hội thảo ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; một số có khác có tính toàn cầu như BIO và J.P Morgan ở Hoa Kỳ như tôi chia sẻ.

Mục tiêu của kết nối là để học tập và tìm đối tác. Việt Nam và các công ty Việt Nam không thể đi một mình đến thành công trong thị trường toàn cầu. Đơn cử, Công ty Samsung (Hàn Quốc) thành công bởi họ không ngừng tìm kiếm đối tác giúp họ thành công trên các thị trường toàn cầu. Có rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang làm như vậy.

Thứ tư, Việt Nam nên đầu tư thêm cho các chương trình hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu khoa học và hợp tác y tế. Phần này nên tập trung phát triển các trung tâm tri thức lâm sàng cho các công ty đang mong muốn tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Để thành công trên các thị trường toàn cầu, Việt Nam cần nhanh chóng đồng bộ hóa hệ thống quản lý dược của mình với các tiêu chuẩn toàn cầu. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều làm điều đó để hệ thống quy định của họ phù hợp với các chuẩn mực toàn cầu.

Lý do cần làm điều này vì sao? Đầu tiên, các nhà sản xuất toàn cầu cần biết rằng các tiêu chuẩn tại Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và chất lượng để đầu tư. Họ cần biết các tiêu chuẩn này sẽ được tuân thủ.

Mặt khác, những người muốn thực hiện các thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam cần biết rằng các thử nghiệm đó là hợp pháp và được thực hiện theo các tiêu chuẩn có thể chấp nhận được đối với các nhà quản lý quốc tế như FDA Hoa Kỳ. Đặc biệt là các thủ tục thử nghiệm sẽ được phê duyệt dựa trên cơ sở khoa học.

Người ta sẽ không đưa thuốc mới vào Việt Nam trừ khi hệ thống quản lý dược thật minh bạch, hiệu quả và dựa trên cơ sở khoa học nếu không thì bên chịu thiệt hại sẽ chính là các bệnh nhân Việt Nam và các công ty Việt Nam có nhu cầu cộng tác toàn cầu. Các công ty toàn cầu có thể sẽ lưỡng lự đầu tư vào quá trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và hình thành các quan hệ cộng tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam nếu việc phát triển và giới thiệu thuốc tại Việt Nam không tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu.

Các quốc gia thường không coi quy định về quản lý thuốc của họ là “cơ sở hạ tầng”, nhưng trong ngành này thì những quy định này chính là đường cao tốc cho phép giao thông thuốc toàn cầu lưu thông. Đầu tư vào chính cơ sở hạ tầng này như nhiều kinh nghiệm đã cho thấy có thể tạo ra ra kết quả cuối cùng tuyệt vời hơn là trợ cấp trực tiếp hay trợ giá cho các công ty cụ thể.

Với tình yêu Việt Nam, ông mong muốn ngành công nghiệp sinh dược tại đất “nước hình chữ S” sẽ phát triển ra sao trong tương lai, thưa ông?

- Có một con đường tiến lên phía trước cho Việt Nam trong ngành sinh dược toàn cầu. Nếu muốn phát triển theo định hướng toàn cầu, để nâng cao vị thế trên chuỗi cung ứng thì Việt Nam cần có một chiến lược, kế hoạch toàn diện cùng sự chung tay của tất cả các cơ quan chủ chốt của Chính phủ, cũng như các công ty địa phương, công ty toàn cầu và các viện nghiên cứu.

Ban đầu điều này sẽ đòi hỏi phải có một số nghiên cứu và giáo dục sâu hơn ở Việt Nam để Việt Nam hiểu rõ hơn các điểm mạnh và điểm yếu của mình trong hệ sinh thái toàn cầu và để xác định các lĩnh vực tốt nhất để tham gia.

Việt Nam cần phát triển một tầm nhìn rõ ràng và qua đó xác định được những cải thiện nào về đổi mới ngành dược là phù hợp nhất. Đồng thời, Việt Nam cần tìm kiếm sự cộng tác giữa các nhà nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng của mình cho thử nghiệm lâm sàng.

Cộng tác toàn cầu sẽ là “chìa khóa”, Việt Nam cần bắt đầu những nỗ lực của mình trong mạng lưới toàn cầu càng sớm càng tốt, vì phần còn lại của thế giới không đứng yên.

Điều này có thể là một thử thách rất lớn nhưng trong thế kỷ 21, ngành sinh dược sẽ có vai trò và vị thế rất quan trọng mà Việt Nam không thể bỏ qua.

Sự thành công của Việt Nam vừa qua trên thị trường toàn cầu được thực hiện bởi trí tuệ, sự sáng tạo và tinh thần đổi mới đáng kể của người dân Việt Nam. Tất cả đã thuyết phục tôi rằng Việt Nam có thể thành công.

Tôi khát khao và rất vui nếu được góp sức cho ngành sinh dược học Việt Nam với tư cách như một người bạn lâu năm, tri kỷ của Việt Nam hay như một người con xa xứ lâu ngày trở về.

Ông yêu thích món ăn nào của Việt Nam?

- Tôi đặc biệt rất thích món chả cá Lã Vọng. Đó không hẳn là một quán sang trọng mà tôi từng thưởng thức món này ở Hà Nội nhưng hàng chục năm qua hương vị món ăn vẫn được giữ nguyên vẹn, không chút thay đổi.

Trong vai một du khách Mỹ, theo ông, ngành kinh tế xanh Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn du khách quốc tế hơn nữa?

- Hiện nay, hạ tầng du lịch của Việt Nam đã rất khác. 27 năm trước, Việt Nam không có một khách sạn nào theo tiêu chuẩn quốc tế. Tôi đi vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) từ Hà Nội thì mất tới 4 đến 5 giờ vì đường rất xấu.

Thế nhưng, bây giờ thời gian di chuyển từ Hà Nội đến vịnh Hạ Long đã nhanh hơn rất nhiều. Có rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhà hàng sang trọng, quán cà phê,… được đầu tư xây dựng khắp dọc dài đất nước Việt Nam, đáp ứng mọi nhu cầu, từ người già đến trẻ nhỏ. Người Hoa Kỳ rất thích những điểm đến như vậy.

Với cá nhân tôi thì điểm duy nhất Việt Nam cần tiếp tục phải cải thiện là cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để người nước ngoài đến đây có thể nhìn được nhiều phần của “đất nước hình chữ S”.

Hiện nay, du khách nước ngoài có thể tiếp cận nhanh chóng với những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Nhưng có rất nhiều địa điểm khác tuyệt đẹp của Việt Nam chưa được người nước ngoài biết đến. Cho nên, cần phải phát triển du lịch một cách toàn diện, đặc biệt là về hạ tầng.

Ông Joe Damond tại Hội nghị “Toàn cầu hóa lĩnh vực dược sinh học của Việt Nam”, diễn ra ngày 17/8/2022, tạiHà Nội.

Ông Joe Damond tại Hội nghị “Toàn cầu hóa lĩnh vực dược sinh học của Việt Nam”, diễn ra ngày 17/8/2022, tạiHà Nội.

Được biết, nhiều năm qua, ông cùng vợ là bà Cindy Long, Cục trưởng Cục Dinh Dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã dành một khoản ngân sách làm từ thiện giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam?

- Chúng tôi yêu Việt Nam và coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Chúng tôi có một khoản ngân sách nhỏ đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện của tổ chức phi chính phủ tên là International Center.

Tổ chức này cũng nhận được ngân sách từ các cơ quan lớn như Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) để thực hiện các chương trình giúp đỡ người tàn tật chủ yếu tại những vùng nông thôn nghèo ở miền trung Việt Nam.

Khoản ngân sách khiêm tốn của chúng tôi giúp họ xây nhà cho những người nghèo, người tàn tật hoặc mua xe đẩy, xe lăn để họ có thể di chuyển tốt hơn. Hoặc những dự án, hoạt động ý nghĩa hay một số khoản chi International Center không có nguồn quỹ hoặc không được chi tiêu từ ngân sách của USAID chẳng hạn thì khoản đóng góp của vợ chồng tôi sẽ bù vào đó.

Xin cảm ơn tình yêu của ông dành cho Việt Nam cùng những câu chuyện rất thú vị và ý nghĩa!

Hồ Hạ - Linh Lê - Chí Cường
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục