Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2013 của Mediplast diễn ra vào ngày 25/4/2013, nội dung trả thù lao cho HĐQT, Ban Kiểm soát, thư ký với tổng số tiền là 166,8 triệu đồng đã không được thông qua, khi chỉ có 56,65% cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội đồng ý. Vì vậy, mới đây, để thông qua được nội dung này, HĐQT Mediplast đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản kèm theo quy định: “nếu cổ đông không gửi phiếu biểu quyết coi như là đồng ý”.
Theo kết quả kiểm phiếu, tổng số phiếu biểu quyết đã gửi cho cổ đông là 91, tương ứng 1,65 triệu cổ phần. Đến ngày 24/6, có 39 phiếu gửi về, trong đó có 36 phiếu hợp lệ; 43 phiếu không gửi về; 9 phiếu không gửi được do địa chỉ không rõ ràng. Kết quả biểu quyết, 36 phiếu gửi về hợp lệ tương ứng với 59,7% vốn cổ phần đồng ý với phương án trả thù lao mà Mediplast đưa ra; 43 phiếu không gửi về chiếm tỷ lệ 25,3% cũng được Mediplast coi là đồng ý. Nhờ đó, phương án trả thù lao của Công ty được thông qua với tỷ lệ biểu quyết đồng ý là 85%.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc lấy ý kiến bằng văn bản theo cách “ấn ép” như vậy là sai luật. Đối với các phiếu biểu quyết không gửi về phải được ghi nhận là “không có ý kiến”. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp DN cố tình sử dụng cách thức này để thông qua một số vấn đề mà cổ đông không đồng thuận. Theo ông Hiếu, trong trường hợp này, cổ đông có thể khởi kiện đề nghị Tòa án hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ.