MCG - Khó khăn bủa vây

(ĐTCK) Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MECO - mã chứng khoán MCG: HOSE) đang gặp nhiều vấn đề như tỷ lệ nợ cao, nguy cơ nợ xấu luôn rình rập do công tác thu hồi chậm, trong khi việc đầu tư mở rộng sang lĩnh vực khác như bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Dự án MECO Complex 102 Trường Chinh do MCG làm chủ đầu tư. Ảnh: Dũng Minh Dự án MECO Complex 102 Trường Chinh do MCG làm chủ đầu tư. Ảnh: Dũng Minh

Kinh doanh giảm sút

Ghi nhận từ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của MCG cho thấy, mặc dù mảng sản xuất - kinh doanh điện có tín hiệu tốt khi mang lại doanh thu mới với gần 32,67 tỷ đồng, nhưng do các mảng kinh doanh còn lại sụt giảm quá mạnh, khiến tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của MCG chỉ đạt 130,74 tỷ đồng, giảm tới gần 60% (tương đương gần 193 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2016 và chỉ hoàn thành 25,3% so với kế hoạch năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Cụ thể, mảng kinh doanh thương mại của Công ty bị thu hẹp đáng kể, chỉ đạt doanh thu 7,86 tỷ đồng, giảm tới 87,43% so với năm 2016 và chỉ hoàn thành 15% kế hoạch (kế hoạch 52,5 tỷ đồng).

Đối với mảng kinh doanh bất động sản, nếu như năm 2016, việc bàn giao và đưa vào sử dụng khối nhà ở tại Dự án MECO Complex, số 102 Trường Chinh (Hà Nội) giúp Công ty thu về gần 99 tỷ đồng, thì năm 2017 doanh thu của mảng này chỉ vỏn vẹn 192 triệu đồng. Lý do chính là vì MCG không hoàn thành thủ tục pháp lý chuyển đổi một phần chức năng Tòa văn phòng HH1B thuộc Dự án MECO Complex sang nhà ở để bán.

Trong khi đó, đối với mảng kinh doanh chủ lực là hoạt động xây dựng, tình hình thời tiết biến đổi phức tạp, mưa lũ triền miên của năm 2017 tại các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn, cùng việc chưa thu xếp kịp vốn để triển khai tiếp một số dự án công trình trọng điểm khiến cho doanh thu của mảng này cũng giảm tới gần 54% (tương đương giảm 79,3 tỷ đồng), xuống chỉ còn 68 tỷ đồng.

Ngoài doanh thu sụt giảm, trong năm 2017, công tác thu hồi nợ đọng của MCG cũng không đạt như mong đợi. Tính đến cuối năm 2017, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty đã tăng thêm tới hơn 88,34 tỷ đồng, lên hơn 705,57 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng tài sản ngắn hạn. Chiếm trọng yếu trong đó là phải thu ngắn hạn của khách hàng và phải thu ngắn hạn khác, lần lượt ở mức 418,3 tỷ đồng và 214 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2017, không chỉ gặp khó khăn trong kinh doanh khiến doanh thu giảm sút, MCG còn bị Cục thuế TP. Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra với số thuế truy thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp năm 2015 và 2016 lên tới hơn 16,1 tỷ đồng, đồng thời chịu xử phạt do hành vi kê khai sai dẫn tới thiếu tiền thuế phải nộp từ ngày 1/7/2013 là hơn 3,23 tỷ đồng và tiền chậm nộp hơn 2,64 tỷ đồng. Tính tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp lên tới 22,1 tỷ đồng.

Đây cũng là một phần nguyên nhân kéo tụt lợi nhuận sau thuế của MCG trong năm 2017, xuống chỉ còn vỏn vẹn 2,64 tỷ đồng, giảm tới hơn 70% so với thực hiện năm 2016, đồng thời cũng chỉ hoàn thành phân nửa kế hoạch năm (kế hoạch năm 2017 là gần 4,86 tỷ đồng).

Sẽ bán tài sản để trả nợ

Trong khi đó, MCG vẫn chưa giải quyết được hết khoản nợ xấu lên tới hơn 12 tỷ đồng kéo dài từ năm 2014 trở lại đây. Trong giai đoạn 2014 - 2017, khoản nợ xấu này mới được hoàn nhập một phần rất nhỏ và tới cuối năm 2017, MCG phải trích lập dự phòng lên tới 10,775 tỷ đồng cho khoản nợ xấu này.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vừa diễn ra ngày 26/4 vừa qua, Ban điều hành MCG cho biết, trong năm 2017, Công ty mới quyết toán được giá trị tại công trình Thủy điện Hương Điền, các đối tác còn lại đang chậm trễ thanh, quyết toán và có dấu hiệu dây dưa kéo dài do chưa thể thu xếp được vốn.

Các con số về khoản phải thu gia tăng, cộng với nợ xấu kéo dài đặt MCG vào rủi ro lớn, đặc biệt trong bối cảnh nợ phải trả của Công ty lên tới 1.316 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm tới 44,8%, đạt hơn 590,31 tỷ đồng.

Sau khi tiến hành cơ cấu nợ với một số tổ chức tín dụng từ năm 2014, đến năm 2017, vay và nợ thuê tài chính của MCG bắt đầu tăng trở lại với mức tăng hơn 106,25 tỷ đồng, chủ yếu là từ vay cá nhân ngắn hạn (không nêu rõ) và vay dài hạn tại BIDV Chi nhánh Sơn La phục vụ cho dự án Thủy điện Nâm Hóa 2. Chỉ tính riêng năm 2017, chi phí lãi vay MCG phải trả đã lên tới con số hơn 18 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù tiến hành vay thêm để đầu tư vào các dự án khác, nhưng MCG vẫn còn chưa cơ cấu xong khoản nợ xấu kéo dài tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Thăng Long phục vụ cho dự án bất động sản MECO Complex 102 Trường Chinh. Đây là khoản nợ vay tiến hành từ năm 2007 và đã được nhắc tới rất nhiều trong những năm trước đây với tổng dư nợ gốc lên tới 455 tỷ đồng. Mặc dù liên tục được cơ cấu lại nợ, nhưng tính tới cuối năm 2017, khoản dư nợ gốc vẫn lên tới hơn 221,85 tỷ đồng.

Chính vì thế, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 thông qua, Ban lãnh đạo MCG trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm bán cổ phiếu quỹ, cổ phiếu đầu tư, bán phần tài sản còn lại của Công ty tại Dự án MECO Complex 102 Trường Chinh đã thế chấp cho Vietcombank để trả nợ còn thiếu với ngân hàng này. Đồng thời, được huy động vốn của thành viên HĐQT, Ban điều hành hoặc nguồn khác với lãi suất tương đương ngân hàng tại thời điểm để Công ty giải quyết cơ cấu tài chính.

Dấu hỏi cho năm 2018

Cũng tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 tổ chức ngày 26/4 vừa qua, Ban lãnh đạo MCG đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh khá tham vọng. Cụ thể, năm 2018, MCG đặt mục tiêu sản lượng ở mức 255,37 tỷ đồng, tăng 158% so với thực hiện năm 2017, doanh thu 296,85 tỷ đồng, tăng 227% và lợi nhuận ở mức 4,65 tỷ đồng, tăng 176% so với thực hiện năm 2017.

Cơ sở để Ban lãnh đạo MCG đưa ra kế hoạch kinh doanh tham vọng trên là dựa trên căn cứ vào năng lực, khả năng sản xuất kinh doanh và các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Đây không phải là lần đầu tiên Ban lãnh đạo MCG đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh với những cam kết khá chắc nịch dựa vào năng lực, khả năng sản xuất - kinh doanh hay các hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, năm 2017, MCG chỉ hoàn thành được phần nhỏ kế hoạch đã đặt ra.

Do đó, nhiều cổ đông, nhà đầu tư vẫn đặt dấu hỏi về khả năng hoàn thành kế hoạch tham vọng  năm 2018 của MCG?

Còn nhớ, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch HĐQT MCG đã thừa nhận, chính việc chuyển hướng xây dựng và đầu tư các công trình thủy lợi, thủy điện từ năm 2011 là một trong những nguyên nhân kéo Công ty đi xuống. Do gặp giai đoạn khó khăn chung của cả nền kinh tế từ 2011 - 2015 đã làm Công ty thua lỗ và dùng nguồn thặng dư cổ phần đề bù lỗ và đến nay có lãi, nhưng vẫn chưa thể bù đắp được.

Trong khi đó, đối với mảng bất động sản, tham vọng về kế hoạch doanh thu nhảy vọt cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư không mấy tin tưởng vì căn cứ triển vọng mà MCG đưa ra chưa thực sự thuyết phục.

Theo đó, hiện MCG đang tiến hành hoàn tất thủ tục chuyển đổi một phần Tòa nhà HH1B thuộc Dự án MECO Complex 102 Trường Chinh sang nhà ở để bán, đồng thời tiếp tục xúc tiến thủ tục đầu tư đối với Dự án EMEROS Complex. Tuy nhiên, ngay kể cả chuyển đổi xong, thì việc có kinh doanh được hay không thì lại là một chuyện khác, nhất là trong bối cảnh thị trường đang có sự cạnh tranh khá quyết liệt với nguồn cung phân khúc trung và cao cấp khá dồi dào, trong khi thời gian vừa qua, Chung cư MECO Complex liên tục bị cư dân phản ánh về chất lượng dịch vụ, cũng như việc chưa hoàn tất các thủ tục phòng cháy chữa cháy… Điều này là một trong những trở ngại không nhỏ cho việc ra hàng thời gian sắp tới đối với MCG.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục