Lãi suất đầu vào sẽ tăng 70 - 100 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2024
Theo MBS, số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, từ ngày 22/4 đến cuối phiên ngày 23/5, cơ quan này đã bán ra tổng cộng 48.500 lượng vàng SJC và theo các nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán giao ngay cho các ngân hàng thương mại đã vượt 3,5 tỷ USD. Hành động này của NHNN nhằm bình ổn thị trường, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và cản trở sự trượt giá của VND.
Tính đến cuối tháng 5, MBS ước tính giá trị tiền ròng vào hệ thống khoảng 181.700 tỷ đồng, với kỳ hạn 7-14 ngày và lãi suất đã nhích lên từ 4,25%-4,5%/năm, trong đó bao gồm 57.2 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tháng. Ước tính khoảng 55.1 nghìn tỷ đồng tín phiếu sẽ tiếp tục đáo hạn trong tháng 6.
Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng tiệm cận ngưỡng 5%, thiết lập mặt bằng mới do nhu cầu về thanh khoản gia tăng. Vào ngày 25/5, lãi suất qua đêm bật tăng lên mức 4,9%/năm, sau đó đã giảm nhẹ và đang giao dịch tại 3,2%. Lãi suất các kỳ hạn khác từ 1 tuần đến 1 tháng cũng đang giao dịch từ 3,6% - 4,5%/năm.
Các chuyên gia MBS dự kiến lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh cung tiền VND giảm khi NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu kiểm soát và bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ.
Liên quan đến vấn đề lãi suất, diễn biến trên thị trường từ đầu tháng 5 cho thấy, các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa và nhỏ tiên phong cho việc tăng lãi suất huy động, tiếp theo là đến các NHTM lớn. Tính đến ngày 21/5, trong số các ngân hàng MBS theo dõi, lãi suất huy động 12 tháng trung bình của các NHTM vừa và nhỏ tăng 0,3% so với tháng trước trong khi các NHTM lớn tăng 0,1%. Các ngân hàng quốc doanh hiện tại vẫn chưa tăng lãi suất huy động chính thức trên trang cá nhân, nhưng được dự báo cũng không nằm ngoài xu thế này.
Các chuyên gia của MBS cho biết, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lũy kế 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6,8% so với cùng kỳ, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) tăng lên 50,3. Đầu tư công và tư nhân tăng 5%. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 70 - 100 điểm cơ bản, quay về mức 5,3% - 5,6%/năm trong nửa sau năm 2024.
"Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NHTM nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn", MBS nhận định.
Áp lực lên tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt
Diễn biến trên thị trường quốc tế cho thấy, chỉ số đồng USD (DXY) bắt đầu giảm từ mức 106,5 sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/5. Trong cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell không cho rằng động thái tiếp theo có thể là một đợt tăng lãi suất mà sẽ phải duy trì mức lãi suất hiện nay trong một thời gian. Đáng chú ý, các thị trường cũng đang giảm dần kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ cắt giảm lãi suất.
Chỉ số DXY kết thúc tháng 5 ở mức 104,7 sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1.3% trong quý đầu năm 2024, thấp hơn so với kết quả sơ bộ công bố trước đó là 1.6%, phản ánh doanh số bán lẻ và chi tiêu tiêu dùng yếu hơn dự kiến. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng bất ngờ được cải thiện và thị trường lao động cho thấy sự ổn định, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp lạm phát vượt mục tiêu 2%. Các nhà đầu tư hiện nay nhận thấy có 50/50 cơ hội Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và tổng cộng 57 điểm dự kiến cho đến tháng 12.
Trong nước, NHNN đã thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá như bán ngoại tệ nhưng đồng thời đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây do cung tiền đã bị rút bớt và khiến thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giữ vững ở mức 25.457 trong tháng 5, tăng 4,4% từ đầu năm. Tỷ giá trên thị trường tự do là 25.790 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm là 24,261 VND/USD, tăng lần lượt 4,2% và 1,7% so với đầu năm 2024. Xu hướng giảm của VND vẫn khá tương đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực, ví dụ như baht Thái (-6,9% từ đầu năm), Malaysia ringgit (-2,4%), Nhân dân tệ Trung Quốc (- 2,3%), và yên Nhật (-10,5%).
MBS cho rằng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 VND/USD trong tháng 6 và tháng 7 dưới những yếu tố tích cực sau đây như: Những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ hỗ trợ như thặng dư thương mại tích cực khi lũy kế 5 tháng 2024 đạt 8 tỷ USD, dòng vốn FDI thực hiện 5 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ khi 5 tháng đầu năm 2024 tăng 64,9% so với cùng kỳ. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.