Giữ vững vị thế Top đầu về tỷ lệ CASA trong toàn hệ thống
Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10% so với mức thực hiện năm 2024. Trong năm 2024, Ngân hàng ghi nhận lãi hợp nhất trước thuế đạt 28.829 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2025 dự kiến đạt khoảng 31.712 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng 21,2%, tức đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Huy động vốn trong năm 2025 kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 23,3% trong khi đó tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng xấp xỉ 23,7% trong năm 2025, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong năm 2025, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 1,7%, tỷ lệ an toàn vốn CAR tuân thủ Basel II ở mức tối thiểu là 9%. Về các chỉ số như ROE (xấp xỉ 20-22%), ROA (xấp xỉ 2%) hay CIR dưới 30%, thuộc top đầu ngành ngân hàng.
Chủ tịch MB chia sẻ, tỷ lệ nợ xấu của Tập đoàn là 1,62%, riêng ngân hàng là 1,35%. Mặc dù nợ xấu có nhích lên, nhưng so với toàn ngành thì MB vẫn đang ở mức độ thấp. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng đều suy giảm do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, MB không phải ngoại lệ.
Ở thời điểm hiện tại, MB đã có xấp xỉ 35 triệu khách hàng và dự kiến đạt con số 40 triệu khách hàng vào năm 2029. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, mục tiêu của MB là duy trì vị thế trong nhóm Big 5 ngân hàng tại Việt Nam. Đặc biệt, Ngân hàng cũng sẽ tối ưu chi phí vốn, tiếp tục giữ vững vị thế Top đầu về tỷ lệ CASA trong toàn hệ thống.
Tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 2,31%, đây là mức độ tăng trưởng tốt so với toàn ngành. Lãnh đạo MB cho biết, Ngân hàng sẽ duy trì tốc độ này để bảo đảm trong năm nay sử dụng hết hạn mức tín dụng khoảng trên 24%. Năm 2025, MB tiếp tục duy trì cấu trúc đã đặt ra từ năm ngoái, đó là hơn 50% tín dụng MB sẽ tập trung vào bán lẻ và gần 50% tín dụng còn lại thì tập trung cho khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
|
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB |
Trước kỳ vọng của cổ đông về việc có thể đưa vốn hoá của MB lên mức 20 - 25 tỷ USD trong tương lai, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết, với giá trị vốn hoá của MB hiện tại đang ở mức 6 - 7 tỷ USD nên MB hướng tới mục tiêu gần nhất là 10 tỷ USD. Do vậy, cổ đông MB nên "bình tĩnh” bởi với đà tăng trưởng hiện tại, giá trị nội tại của MB cũng sẽ tăng lên, trong trường hợp MB dừng chia cổ tức trong 3 năm thì chắc chắn giá cổ phiếu cũng tăng gấp mấy lần.
Chia cổ tức tỷ lệ 35% bằng tiền mặt và cổ phiếu
ĐHCĐ MB cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 20.346 tỷ đồng, từ hơn 61.022 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng, tương ứng tăng 33,3%. Cụ thể, Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chuyển tiếp phương án tăng vốn đã được ĐHCĐ thông qua năm 2024, mức tăng tối đa 620 tỷ đồng. Tiếp đó, Ngân hàng sẽ tăng thêm 19.726 tỷ đồng từ phương án tăng vốn điều lệ mới năm 2025.
Cụ thể, MB sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách theo BCTC riêng được kiểm toán tại thời điểm gần nhất trước khi HĐQT phê duyệt phương án chào bán chi tiết. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thoả thuận giữa MB và các nhà đầu tư.
Đối với việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 32%. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của MB tính đến cuối 2024, khoảng 23.752 tỷ đồng sau khi trích lập các quỹ dự kiến. Thời gian thực hiện kế hoạch trên là trong năm 2025, theo chấp thuận của cơ quan chức năng. Đồng thời, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%, ước tính số tiền MB sử dụng để trả cổ tức tiền mặt là 1.831 tỷ đồng.
Trước ý kiến của một số cổ đông về phương án chia cổ tức, ông Lưu Trung Thái cho biết, nhu cầu của mỗi cổ đông khác nhau, có cổ đông mong muốn trả cổ tức bằng tiền mặt nhưng cũng có cổ đông lại mong muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu, và cũng có một số cổ đông không muốn trả cổ tức để dành nguồn tiền phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, xu thế hiện nay hầu hết các ngân hàng lớn đều thực hiện tăng vốn bằng chia cổ tức và đây là việc lựa chọn chiến lược của ngân hàng.
Lựa chọn thời điểm phù hợp để mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ
ĐHCĐ cũng đã thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,6% vốn điều lệ, với mục đích để bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán. Phương thức thực hiện là khớp lệnh, Ngân hàng dự kiến thực hiện trong năm nay hoặc năm sau khi nhận được sự phê duyệt, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của Ngân hàng, theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.
Liên quan đến việc mua lại cổ phiếu quỹ, Chủ tịch MB cho biết, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ giúp hỗ trợ quyền lợi cho cổ đông, trong tình huống xấu có vấn đề xảy ra, giống như giai đoạn vừa qua, chúng ta sẽ có biện pháp để hỗ trợ, ổn định thanh khoản, giữ niềm tin của nhà đầu tư. Trong quá khứ, MB đã thực hiện thành công và với những biến động trên TTCK trong giai đoạn vừa qua thì đây là quyết định hợp lý.
Như đã chia sẻ trên, MB sẽ tăng vốn điều lệ gần 33% từ phát hành cổ phiếu chia cổ tức và phát hành riêng lẻ nên quy mô mua cổ phiếu quỹ chưa đến 1,2% (so với sau khi tăng vốn) không ảnh hưởng nhiều đến giá trị cổ phiếu. Về thời gian thực hiện, MB sẽ lựa chọn phù hợp để đảm bảo mang lại giá trị tốt nhất cho cổ đông.
|
ĐHCĐ MB thu hút hơn 2.000 cổ đông tham gia |
Định hình phát triển doanh nghiệp số, tiên phong tín dụng xanh
Đây là chiến lược xuyên suốt của MB, Ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho số hóa, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược là doanh nghiệp số - doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số. Đây cũng là điểm khác biệt lớn của Ngân hàng trên thị trường.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết, việc phát triển doanh nghiệp số sẽ tiếp tục dựa trên 2 nền tảng chính là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp).
Năm 2025, MB có kế hoạch 50% tín dụng dành cho bán lẻ, 50% còn lại cho khối doanh nghiệp, trong đó có khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ. Nhóm siêu nhỏ này có thể coi cùng đối tượng phục vụ với bán lẻ. Đối với các SME hoặc siêu nhỏ, lâu nay gặp các vấn đề cơ bản. Thứ nhất, rủi ro cao, nợ xấu nhiều. Thứ hai, nhu cầu vay ít, nhỏ lẻ nhưng hệ thống phục vụ lớn, tốn chi phí.
|
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB |
Cũng tại ĐHCĐ, ông Phạm Như Ánh cho biết, MB đặt mục tiêu duy trì tỷ trọng xanh ở mức 8 – 10% quy mô tín dụng toàn hàng trong bối cảnh MB tăng trưởng tín dụng 15%/năm giai đoạn 2024 - 2029 – mức cao so với ngành (4,5%), và chủ trương cho vay những dự án mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đa dạng hóa nguồn vốn xanh huy động từ các định chế tài chính quốc tế, góp phần hỗ trợ MB trong việc tập trung nguồn lực tín dụng cho các dự án thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Định hướng đến năm 2030, MB sẽ trở thành Ngân hàng xanh tiên phong - điển hình dẫn dắt về chuyển đổi ESG toàn diện trong chuỗi giá trị, hướng tới trung hòa Carbon, tiên phong trong các giải pháp tài chính khí hậu bằng thế mạnh, nội lực số.
|
Cổ đông MB tham gia bỏ phiếu tại ĐHCĐ |
Kết thúc ĐHCĐ MB, tất cả các tờ trình đều được thông qua.