Maybank Kim Eng: Sẵn sàng cho những cơ hội mới

(ĐTCK) Ngày 27/9, CTCP Chứng khoán KimEng Việt Nam đã công bố đổi tên thành CTCK Maybank Kim Eng và công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới. Xung quanh sự kiện này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Tengku Dato’ Zafrul, Giám đốc điều hành khối Maybank Kim Eng.
Ông Tengku Dato’ Zafrul Ông Tengku Dato’ Zafrul

CTCK Kim Eng Việt Nam đổi tên thành CTCK Maybank Kim Eng (MBKE). Xin ông cho biết, ngoài ý nghĩa hình thức, hoạt động của MBKE từ nay về sau có gì khác biệt so với giai đoạn trước đó?

Năm 2011, Tập đoàn Maybank đã hoàn tất việc mua lại và sáp nhập đối tác Kim Eng Holding ( Singapore ). Giao dịch này còn hơn sự lớn mạnh giữa hai tập đoàn khi chúng tôi có thể mở rộng các hoạt động ngân hàng đầu tư tại Singapore , Indonesia , Philippines và Việt Nam . Chọn thời điểm chín muồi, chúng tôi công bố tên gọi và hệ thống nhận diện thương hiệu của CTCK Maybank Kim Eng. Tuy nhiên, Công ty vẫn đang phát triển đúng hướng, nên chúng tôi chưa can thiệp gì vào hoạt động thường nhật, ngoài sự hỗ trợ thêm về nhân sự, kinh nghiệm quản lý, cũng như quản trị rủi ro. Hiện nay, chiến lược hoạt động, tầm nhìn của MBKE chưa có điều chỉnh so với giai đoạn trước đó.

 

Vậy vị trí của MBKE (Việt Nam ) như thế nào trong hệ thống mạng lưới Maybank Kim Eng toàn cầu?

Chúng tôi xem Việt Nam là một thị trường hết sức quan trọng.

 

Yếu tố nào tại Việt Nam tạo động lực khiến Maybank muốn gia tăng sự ảnh hưởng, thưa ông?

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm về GDP thực hơn 7% trong vòng 15 năm qua, mặc dù mức độ tăng trưởng đã chậm lại còn 4,4% trong nửa đầu năm 2012. Với tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm nhẹ xuống còn 3% trong năm nay, từ mức 3,9% năm ngoái, do khủng hoảng của khu vực châu Âu, chúng tôi tin rằng, với tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam, đây là thời điểm tốt và chúng tôi quyết định nắm bắt cơ hội này để gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Đây là cơ hội đầu tư mang tính chiến lược cho Maybank và chúng tôi nhận thấy các cơ hội đầu tư dài hạn đang được mở ra. Cần nhắc lại, chúng tôi xem Việt Nam như mảnh đất có rất nhiều cơ hội. Những nước có dân số trẻ như Việt Nam rất hấp dẫn đối với các công ty trên thế giới và sức hút này vẫn còn tiếp tục.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự cải thiện rõ nét về kinh tế vĩ mô đang diễn ra ở Việt Nam . Nhiều cổ phiếu được đánh giá tốt cho đầu tư dài hạn, NĐT nước ngoài sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến TTCK Việt Nam trong vài tháng và vài năm tới.

 

Vốn hóa TTCK Việt Nam chỉ bằng 1/12 TTCK Malaysia, còn giá trị giao dịch chỉ bằng 1/14. Tuy nhiên, Việt Nam đang có tới 105 CTCK, gấp 3 lần so với Malaysia . Ông nhìn nhận đâu là cơ hội phát triển cho MBKE tại thị trường Việt Nam ?

Mặc dù có một sự sụt giảm dài từ đầu tháng 5, nhưng hiện tại, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng mạnh ở châu Á, chỉ sau Philiphines. Trong 3 - 5 năm tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều DN đại chúng hoá và lên niêm yết, điều này giúp tăng vốn hóa của TTCK Việt Nam lên gấp 2 - 3 lần. Ngoài ra, chương trình cổ phần hóa DNNN cũng thúc đẩy việc niêm yết. Đây là những yếu tố giúp vốn hóa thị trường tăng mạnh trong trung hạn và là cơ hội cho chúng tôi.

 

Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho CTCK 100% vốn nước ngoài. Tập đoàn Maybank có dự định nâng tỷ lệ sở hữu tại MBKE lên mức tối đa?

Chúng tôi đã sẵn sàng cho những cơ hội mới ở Việt Nam ngay khi Chính phủ Việt Nam cho phép NĐT nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại các CTCK lên 100%.

 

Sắp tới, Tập đoàn Maybank hỗ trợ hoạt động của MBKE như thế nào?

Sắp tới, chúng tôi sẽ tham gia đợt tăng vốn của MBKE từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. MBKE sẽ không thực hiện các hoạt động tự doanh, mà thay vào đó là tập trung vào việc phát triển các dịch vụ môi giới, thu hút thêm nhiều khách hàng và tăng cường mạng lưới chi nhánh trên toàn quốc. Điều này sẽ được thực hiện qua việc mở rộng số lượng chi nhánh và thiết lập các kênh giao dịch trực tuyến tiện ích, hiện đại. Chúng tôi cũng sẽ trang bị thêm cho nhân viên môi giới những khóa huấn luyện và đào tạo chất lượng để phục vụ khách hàng được tốt hơn. Chúng tôi cũng có kế hoạch hoàn thiện các quy trình hoạt động và quản trị rủi ro tốt hơn.

Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đầu tư vào các dịch vụ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất cho NĐT. Đơn cử, MBKE đã giới thiệu dịch vụ giao dịch trực tuyến KE Mobile dành cho iPhone và iPad. Đây là một ứng dụng thuần (Native Application) có hiệu năng sử dụng tốc độ cao, ổn định, hơn nữa ứng dụng này dựa trên nền tảng tích hợp đa kênh giao dịch (KE Trade, KE Mobile) giúp người sử dụng có thể dùng chung tài khoản đăng nhập trên KE Trade đang có của MBKE để sử dụng trên KE Mobile, đặc biệt tài khoản của khách hàng được bảo mật tuyệt đối qua công nghệ Single-Sign-On. Tại Việt Nam , MBKE là đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ này.

Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc quản trị rủi ro về tín dụng ngân hàng và dịch vụ ngân hàng đầu tư của Tập đoàn Maybank?

Tập đoàn Maybank đang trong quá trình chuyển đổi hệ thống quản trị rủi ro trong toàn khu vực, cũng như tại các quốc gia riêng lẻ như Việt Nam . Gần đây, chúng tôi đã bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT rủi ro - người sẽ dẫn dắt tiến trình chuyển đổi này trong khu vực. Chúng tôi sẽ vận dụng các kinh nghiệm tốt nhất để tiếp cận rủi ro trong toàn tổ chức, áp dụng kinh nghiệm có được từ quản trị rủi ro trong các hoạt động ngân hàng và dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Cụ thể, trong nội bộ của Tập đoàn Maybank, chúng tôi đang thiết lập các quy định về rủi ro xuyên suốt mảng ngân hàng đầu tư, gắn liền với các quy định về rủi ro định lượng của Ban quản trị như hệ số nợ, hệ số đòn bẩy, biến động doanh thu, các giới hạn tập trung, hệ số thanh khoản… Ngoài ra, chúng tôi đang xây dựng mô hình quản trị rủi ro để có thể nhận dạng, đo lường và quản trị hiệu quả nhiều hình thái rủi ro khác nhau, gắn với các hoạt động tiêu biểu của kinh doanh chứng khoán (cụ thể là tín dụng, thị trường, nghiệp vụ và giảm thiểu rủi ro). Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đã nâng cấp công nghệ quản trị rủi ro, trong đó cho phép giám sát, phân tích và báo cáo bất kỳ rủi ro nào phát sinh, xem xét lại các chính sách và thủ tục để kiện toàn danh mục kiểm soát.

Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác trong khu vực đang ở giữa tiến trình chuyển đổi ngành công nghiệp dịch vụ tài chính. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cho chúng ta nhiều bài học bổ ích. Các định chế tài chính trên khắp thế giới hiện đang chú tâm rất nhiều vào việc hoàn thiện chức năng quản trị và kiểm soát rủi ro. Như một phần không thể thiếu của Tập đoàn, văn phòng của chúng tôi tại Việt Nam cũng tuân thủ chặt chẽ tiến trình thay đổi này.

 

Ông có kiến nghị nào để kích thích sự phát triển của TTCK Việt Nam ?

Tôi rất ấn tượng với những gì diễn ra ở TTCK Việt Nam trong suốt 12 năm qua, đặc biệt với hoạt động huy động vốn, cũng như sự tăng trưởng của vốn hóa thị trường. Nhờ sự phát triển của TTCK, một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam được giới đầu tư quốc tế biết đến như Vinamilk, Masan , Vincom… Tính minh bạch của các doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Một số doanh nghiệp của Việt Nam bây giờ có thể đáp ứng tất cả những đòi hỏi để đảm bảo cho họ được niêm yết trên các TTCK lớn trên thế giới như SGX, NYSE-Euronext…

Ở Đông Nam Á, TTCK Việt Nam còn tương đối trẻ. Tôi cho rằng, để TTCK phát triển hơn nữa, cần tập trung đẩy mạnh hoạt động quản trị doanh nghiệp. Chúng tôi được biết, Đề án tái cấu trúc TTCK của Việt Nam rất đầy đủ và chi tiết, các hoạt động về đầu tư công nghệ của các Sở giao dịch đang được triển khai rốt ráo. Chúng tôi tin rằng, khi những điều này được thực hiện, thì TTCK Việt Nam sẽ rất khác so với hiện nay và trở thành là một trong những TTCK hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Việc nâng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại lên 100% tại CTCK nội sẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các NĐT nước ngoài, góp phần tạo động lực cho TTCK Việt Nam phát triển. Chúng tôi rất vinh hạnh được là một phần trong quá trình phát triển đi lên của Việt Nam .

 

Về Tập đoàn Maybank

* Vị trí dẫn đầu: Ngân hàng hàng đầu Malaysia, lớn thứ 5 tại Đông Nam Á và giữ vị trí thứ 113 trong 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới.

* Nền tảng tài chính vững chắc: tổng tài sản đạt 156 tỷ USD, vốn chủ sở hữu đạt 11,8 tỷ USD, vốn hóa thị trường 23,2 tỷ USD.

* Dẫn đầu khu vực các nền kinh tế mới nổi: hiện diện tại 9 quốc gia Đông Nam Á; có hơn 2.200 chi nhánh và văn phòng tại 19 quốc gia, phục vụ hơn 22 triệu khách hàng.

 

Về CTCK Maybank Kim Eng

* CTCK có 49% vốn nước ngoài tại Việt Nam . Chính thức hoạt động từ ngày 1/4/2008.

* Vốn điều lệ 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 349,7 tỷ đồng.

* Có 400 nhân viên và 23.400 khách hàng.

* Quý II/2012 xếp vị trí thứ 5 tại HOSE và thứ 3 tại HNX về môi giới.

Giang Thanh thực hiện.
Giang Thanh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục