Thông tin nhiều doanh nghiệp sản xuất phải cắt giảm lao động đang thu hút sự quan tâm lớn của thị trường. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, khó khăn và đình đốn sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh và đàm phán các đơn hàng năm 2023 của các doanh nghiệp dệt may. Dù vậy, với những doanh nghiệp có nền tảng tốt như May Sông Hồng, đơn hàng vẫn khá tích cực.
Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng tiết lộ: “Các đơn hàng năm 2023 của Công ty đã được xác nhận cơ bản và vẫn sẽ tăng trưởng ổn định”.
Với gần 13.000 người lao động, yếu tố an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động rất quan trọng. Ông Quang cho biết, thời điểm hiện nay, khó khăn chung đối với cả thế giới, nhưng không khắc nghiệt như thời điểm đại dịch, Công ty vẫn duy trì các chế độ chính sách bình thường.
“May Sông Hồng may mắn có các khách hàng lớn, năng lực tài chính mạnh, nên khách hàng vẫn quan tâm đến việc tăng trưởng cùng chúng tôi, miễn là Công ty phải không ngừng đầu tư vào công nghệ và quản trị để cạnh tranh hơn về năng lực sản xuất, giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng, đồng thời duy trì sự minh bạch trong quản trị, đầu tư các giải pháp bảo vệ môi trường để giữ niềm tin từ phía khách hàng”, ông Quang nói.
Dự báo thị trường xuất khẩu dệt may còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, song lãnh đạo May Sông Hồng tin tưởng Công ty sẽ sớm vượt qua nhờ tập trung vào sức mạnh cốt lõi của doanh nghiệp. Theo đó, Công ty tập trung mạnh mẽ vào ESG, với 3 yếu tố phát triển cốt lõi về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Với quan điểm nỗ lực sản xuất xanh, sạch, May Sông Hồng đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và đưa vào sử dụng điện năng lượng mặt trời từ đầu năm 2022.
Cụ thể, Công ty lắp đặt hệ pin năng lượng trên mái nhà cho toàn bộ hệ thống lên tới hơn 20 xưởng sản xuất được xây dựng và quản lý tập trung trong phạm vi tỉnh Nam Định. Nhà xưởng Sông Hồng 7 và Sông Hồng 10 là hai dự án điện áp mái đầu tiên đã đi vào hoạt động trong hành trình “xanh hoá” nguồn năng lượng sản xuất của May Sông Hồng.
Theo tính toán, Nhà máy Sông Hồng 7 với công suất 1,2 MWp tạo ra 1.269.760 kWh mỗi năm; Nhà máy Sông Hồng 10 với công suất là 0,77 MWp tạo ra 827.328 kWh. Việc thay thế một phần năng lượng sản xuất bằng nguồn năng lượng điện mặt trời sẽ giúp giảm thiểu 2.000 tấn CO2 mỗi năm và giúp bảo tồn 33.000 cây xanh mỗi năm ngay chính trên các nhà máy này.
“Cùng với bảo vệ môi trường, thông qua việc giảm thải khí CO2, chúng tôi còn đạt được nhiều lợi ích về mặt kinh tế như chi phí điện năng cho sản xuất thấp hơn, chi phí bảo trì mái nhà xưởng cũng giảm đáng kể”, ông Quang chia sẻ.
Ngoài lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thời gian qua, May Sông Hồng còn triển khai nhiều dự án môi trường khác. Đơn cử, hệ thống nước thải được đầu tư hiện đại cho phép Công ty dùng lại nước sau khi xử lý. Công ty dùng lò đốt điện thay than, đặc biệt ưu tiên sử dụng than biomass là than thân thiện môi trường, dạng than ép từ các vật liệu tái chế. May Sông Hồng cũng là đơn vị tích cực dùng nguyên phụ liệu tái sinh.
Trụ cột quản trị doanh nghiệp, ưu tiên hiệu quả được lãnh đạo Công ty quan tâm đặc biệt. Theo ông Bùi Việt Quang, May Sông Hồng luôn ưu tiên cho việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tự động hóa và thân thiện môi trường, hoàn thiện hệ thống phần mềm sinh thái quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty ưu tiên đặc biệt cho việc đầu tư và đào tạo nâng cao đội ngũ thiết kế, phát triển mẫu, kinh doanh, kiểm soát chất lượng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, May Sông Hồng đạt 4.381 tỷ đồng doanh thu và 280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, Công ty ưu tiên đồng hành với khách hàng hiện hữu, tìm kiếm thêm khách hàng mới. Nhà máy Sông Hồng 10 - Nghĩa Hưng đi vào hoạt động từ tháng 3/2022 đến nay đã đạt 70 - 80% công suất. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong năm nay.