May Sông Hồng: Thích ứng với kịch bản "cầu hẹp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thuộc nhóm doanh nghiệp dệt may hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) đặt ra nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh đề ra.
May Sông Hồng nỗ lực tiết giảm chi phí, tạm dừng các dự án đầu tư để duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh đầu ra kém thuận lợi . May Sông Hồng nỗ lực tiết giảm chi phí, tạm dừng các dự án đầu tư để duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh đầu ra kém thuận lợi .

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 18,65 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng may mặc Việt Nam.

Tại May Sông Hồng, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm một nửa tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy vậy, với diễn biến lạm phát tại Mỹ và EU, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam đạt mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua, vấn đề các nhà đầu tư quan tâm hiện nay là nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn có thể chững lại.

Ghi nhận từ một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước cũng cho thấy, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng. Nếu như trước đây, các đối tác xuất khẩu thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt trước 3 tháng.

Do đó, tăng trưởng doanh thu của các công ty dệt may tại Việt Nam có thể giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistics và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Biên lợi nhuận gộp của các công ty có thể giảm.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cũng nhận định, khả năng kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái khá cao nên các khách hàng tại Mỹ và châu Âu, Nhật Bản đã cắt giảm kế hoạch mua hàng những tháng cuối năm, điều này ảnh hưởng lớn đến tất cả các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giầy.

May Sông Hồng thời điểm này cố gắng bám sát kế hoạch doanh thu, lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua. Việc sức mua trên toàn cầu giảm sút khiến doanh nghiệp phải tính đến việc giảm giá để giữ chân khách hàng cũ, đồng thời tìm kiếm thêm khách hàng mới.

Công ty cũng nỗ lực tiết kiệm các chi phí hoạt động, tạm dừng các dự án đầu tư sửa chữa lớn, quản lý chất lượng tốt hơn để tránh phạt tiền từ phía khách hàng, linh hoạt trong thời gian làm việc và chính sách trả lương để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới.

Ông Quang cho biết thêm, Nhà máy Sông Hồng 10 - Nghĩa Hưng đi vào hoạt động từ tháng 3/2022 đến nay đã đạt 70 - 80% công suất. Đây cũng là yếu tố đóng góp cho doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong năm nay.

Theo dự phóng của các công ty chứng khoán, doanh thu của May Sông Hồng dự kiến vẫn duy trì ổn định do các đơn hàng đã được ký kết đến quý III/2022. Lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ do chi phí vận chuyển và giá nguyên vật liệu tăng mạnh khiến cho giá vốn hàng bán tăng.

Công ty đã lường trước tình huống này khi đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 giảm 8% so với năm 2021 nên nhiều khả năng vẫn về đích kế hoạch năm và duy trì chính sách cổ tức cao cho các cổ đông.

Hoàng Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục