May Sông Hồng: Sẵn sàng đón cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mở rộng nhà máy, tăng năng lực sản xuất, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) đang chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu cơ hội thị trường xuất khẩu hồi phục.
 Phối cảnh Nhà máy Sông Hồng – Xuân Trường 2 Phối cảnh Nhà máy Sông Hồng – Xuân Trường 2

Cuối tháng 11/2023, vào đúng dịp kỷ niệm 35 năm thành lập, May Sông Hồng đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Sông Hồng - Xuân Trường 2 tại xã Xuân Hoà, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất của Sông Hồng và cũng thuộc loại lớn của ngành dệt may Việt Nam.

Được xây dựng trên khu đất gần 9,6 ha, Nhà máy Sông Hồng – Xuân Trường 2 bao gồm ba xưởng sản xuất, một nhà kho kết hợp với xưởng cắt, một khu nhà văn phòng, cùng các công trình hạ tầng, cây xanh, hồ nước. Nhà máy có quy mô 50 chuyền may xuất khẩu, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ quần áo, váy, áo jacket tới nhiều sản phẩm may mặc khác. Tổng vốn đầu tư của dự án này hơn 700 tỷ đồng, khi đi vào vận hành sẽ giúp tăng quy mô doanh thu của Công ty lên 6.500 - 7.000 tỷ đồng.

“Dự kiến khi đi vào hoạt động từ cuối năm 2024, Nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, nâng tổng số lao động của Công ty lên 15.000 người. Mở rộng và xây dựng thêm nhà máy là bước đầu tư của Sông Hồng để đón đầu sự phục hồi của thị trường vào trong những năm tới”, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị May Sông Hồng chia sẻ.

Những năm qua, May Sông Hồng đã liên tục mở rộng quy mô ở hai mảng kinh doanh chính là sản xuất hàng dệt may cho các tập đoàn nước ngoài theo các hình thức CMT (may gia công), FOB (tự chủ nguyên liệu) và sản xuất chăn ga gối đệm cho thị trường trong nước. Công ty đang tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu như sản xuất FOB cấp 2 (tự lựa chọn nguyên liệu), sản xuất ODM (tự thiết kế mẫu) và OBM (có thương hiệu riêng). Với nỗ lực đầu tư chuyên sâu, thương hiệu May Sông Hồng trở thành đối tác chiến lược của nhiều tập đoàn may mặc lớn trên trên thế giới.

Ngoài thành công trong lĩnh vực may gia công xuất khẩu cho các thương hiệu quốc tế lớn, thương hiệu chăn ga gối đệm Sông Hồng còn là một thương hiệu quốc gia, là lựa chọn tin tưởng của người Việt.

Mấu chốt tạo nên sức mạnh của May Sông Hồng chính là sự quan tâm tới con người, trước hết là chăm lo cho người lao động trong Công ty. Thu nhập bình quân của công nhân May Sông Hồng luôn ở mức cao so với trung bình ngành cũng như mặt bằng địa phương, dao động trên 100 triệu đồng/năm. Mức thưởng Tết bình quân của cán bộ công nhân viên luôn ở mức 2,5 tháng lương thực lĩnh. Trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may vừa qua, dù nhiều doanh nghiệp cùng ngành cắt giảm mạnh nhân lực, Công ty vẫn nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân.

Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Ưu thế nổi bật là nước ta đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác. Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga.

Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền tảng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các hiệp định, qua đó, thúc đẩy ngành tăng trưởng bền vững.

Trong ngắn hạn, lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU… đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã phát đi tín hiệu chấm dứt lộ trình tăng lãi suất và nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ quý II/2024. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho ngành dệt may Việt Nam, trong đó có May Sông Hồng.

Có thể thấy, ngành dệt may của Việt Nam đang dần bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Với nội lực vững mạnh, đầu tư nhà máy mới, May Sông Hồng có khả năng vượt lên để đón đầu cơ hội đơn hàng gia tăng trong thời gian tới.

Thùy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục