C919 là sản phẩm của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC). Đây là loại phi cơ thân hẹp, với sức chứa 168 hành khách.
Hôm qua, C919 đã hoàn thành bài thử nghiệm cuối cùng trên mặt đất. Các phi công đã thử giảm tốc độ, thử phanh và nâng mũi máy bay trên đường băng của Sân bay Quốc tế Pudong (Thượng Hải, Trung Quốc).
Trước khi bay thử nghiệm - dự kiến vào cuối tháng 5, các phi công sẽ phải chứng minh máy bay này có thể hạ cánh an toàn trên đường băng trong trường hợp trục trặc.
C919 có kích cỡ gần như tương đương A320 của Airbus và Boeing 737-800. Đây là hai loại máy bay phổ biến nhất thế giới hiện nay.
CNN đánh giá nếu nhìn bên ngoài, thiết kế máy bay của Trung Quốc khá quen thuộc. Nó là sự pha trộn giữa hàng không phương Tây và nền công nghiệp Trung Quốc. Động cơ cũng gần như tương tự các máy bay Airbus mới nhất.
Còn từ bên trong, loại máy bay này rộng rãi hơn các đối thủ phương Tây. COMAC đã tăng diện tích cabin so với thiết kế của Boeing và Airbus.
Nếu cất cánh thành công, Trung Quốc sẽ gia nhập nhóm nước ít ỏi có thể tự sản xuất máy bay thương mại cỡ lớn. Đó là Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp và Đức.
Dù vậy, tham vọng hàng không của Trung Quốc đang bị chậm lại đáng kể. Các hãng bay nước này lần đầu đăng ký mua máy bay từ năm 2010. Ban đầu, C919 cũng dự kiến vận hành từ năm 2016.
Tuy nhiên, phải đến tháng 11/2015, phiên bản đầu tiên của máy bay này mới ra đời. Sau đó, dự án liên tục gặp rắc rối vì sự cố kỹ thuật.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sắp tới sẽ là cột mốc lớn nhất và rõ ràng nhất của chương trình này. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ phải đi một chặng đường dài nữa trước khi có thể chở khách và cạnh tranh với các đối thủ Mỹ và phương Tây.
C919 sẽ phải tham gia các bài kiểm tra khắc nghiệt theo định kỳ hằng tháng hoặc hằng năm để được chứng nhận đạt chuẩn. Họ cũng có thể phải thay đổi thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
COMAC còn phải giành được niềm tin của các hãng bay Trung Quốc và quốc tế bằng việc chứng minh máy bay có thể vận hành ổn định, tiết kiệm nhiên liệu.
Kể cả các công ty có nhiều thập kỷ kinh nghiệm như Boeing hay Airbus cũng từng trải qua thời kỳ trì hoãn khi sản xuất máy bay mới.
Trung Quốc được dự báo vượt Mỹ, thành thị trường hàng không thương mại lớn nhất thế giới năm 2030. Các hãng hàng không nước này đang mua hàng trăm máy bay mới từ Airbus và Boeing mỗi năm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Boeing dự báo nước này sẽ cần 1.000 tỷ USD để mua máy bay mới trong 2 thập kỷ tới.